Đến tháng 8/1948, sau khi đánh chiếm được Lương Sơn, Kỳ Sơn, quân Pháp đã thiết lập 30 vị trí, tháp canh để bảo vệ hành lang quốc lộ 6 và vùng chiếm đóng. Đến Thu - đông năm 1948, quân Pháp đã chiếm đóng 2/3 đất đai ở Hòa Bình, kiểm soát toàn bộ tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15. Từ đó, chúng thực hiện âm mưu xây dựng Hòa Bình thành "bức tường thép bên sông Đà”, chia cắt chiến trường Bắc Bộ, chặt đứt con đường liên lạc giữa Liên khu 3, Liên khu 4 với Việt Bắc và Tây Bắc của ta. Tại Hòa Bình, chúng bố trí 1.200 quân, trong đó phần lớn là lính lê dương âu - Phi. Đồng thời thiết lập 47 vị trí đóng quân theo các trục đường giao thông quan trọng để bảo vệ.
Trước tình hình trên, tuy với lực lượng ít, vũ khí thô sơ nhưng LLVT tỉnh không nao núng, hạ quyết tâm chiến đấu, giành dân, bám đất. Quyết tâm đó được thực hiện bằng việc quân và dân toàn tỉnh đẩy mạnh chiến tranh du kích, tổ chức đánh địch mọi nơi, mọi lúc nhằm tiêu hao sinh lực và làm cho địch mất thế ổn định, thu hẹp phạm vi chiếm đóng. Các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích đẩy mạnh chiến tranh du kích đánh địch. Các cuộc vũ trang tuyên truyền, diệt tề, trừ gian, diệt ác, quấy rối vị trí chiếm đóng của địch, phục kích đánh mìn trên các tuyến đường giao thông, chặn đánh địch, tuần tiễu, càn quét, vận chuyển liên tiếp nổ ra ở khắp nơi từ Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà; từ quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15. Tiêu biểu là các trận đánh của Đại đội 16 Kỳ Sơn bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch lên Việt Bắc; các trận đánh phục kích, đánh mìn của du kích ở các huyện: Mai Đà, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Lương Sơn. Như lực lượng du kích tập trung do Triệu Phúc Lịch chỉ huy ở xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, lực lượng du kích tập trung ở xã Phú Cường (gồm Hợp Thành, Hợp Thịnh - Kỳ Sơn ngày nay) đã phục kích, đánh chìm thuyền chở vũ khí của địch trên sông Đà.
Trong thế trận đó càng chiến đấu, LLVT tỉnh càng trưởng thành. Đến giữa năm 1949, một số đội du kích bước đầu đã độc lập và chủ động đánh tập kích vào vị trí đóng quân của địch như du kích tập trung huyện Kỳ Sơn tập kích vị trí đóng quân của địch ở xóm Giớn, xã Cao Phong (xã Bắc Phong - Cao Phong ngày nay).
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đến giữa năm 1949, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 đại đội bộ đội địa phương với 549 CB, CS. Cùng với xây dựng và phát triển lực lượng bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích cũng được mở rộng và phát triển nhanh. Vũ khí trang bị đã được cung cấp, bổ sung. Từ đó đã nâng cao hiệu quả chiến đấu của các đơn vị LLVT tỉnh. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, ngày càng rộng khắp và hiệu suất chiến đấu ngày càng cao. Phong trào đánh địch của du kích cũng phát triển mạnh. Có khi chỉ với một đơn vị du kích nhỏ ở thôn, xóm cũng có thể tổ chức phục kích, đánh các tốp địch đi lùng sục, cướp bóc như du kích xã Bình Cảng (Lạc Sơn), du kích xóm Ba, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)... Các trận chiến đấu chủ yếu diễn ra trên các trục đường giao thông quan trọng, tiến công vào hàng ngũ ngụy quyền, diệt trừ bọn tề gian ác. Trong thời gian này, hầu như trong các cuộc hành quân của địch đều vấp phải các trận phục kích, đánh phá của bộ đội và du kích địa phương.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, bộ đội địa phương được bổ sung quân số, trang bị thêm vũ khí, CB, CS được huấn luyện, rèn luyện từ thực tế chiến đấu, dân quân du kích thêm dày dạn, kinh nghiệm chiến đấu, khả năng chiến đấu được tích lũy và nâng lên. Đó chính là sự chuẩn bị tốt nhất, nền tảng vững chắc để xây dựng đội quân chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến. Nó cũng là cơ sở để quân và dân tỉnh ta bước vào những chiến dịch lớn giành thắng lợi.
M.H
(HBĐT) - Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Yên Thuỷ đã có nhiều giải pháp để xây dựng, củng cố lực lượng công an (CA) xã, thị trấn làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc để đảm bảo ANTT ở cơ sở.