Cụ Bùi Văn ích, năm nay 88 tuổi ở xóm Rẽ Vưng nhấp xong chén trà, kể lại: Từ tháng 2 năm 1946, trung đội du kích Yên Lương - Phú Lãm được thành lập có 20 người. Tôi là người tham gia từ những ngày đầu tiên. Sau khi trung đội thành lập một thời gian thì giặc Pháp đến Hòa Bình đánh chiếm khắp nơi, trong đó có huyện Lạc Sơn. Nhân dân rời nhà cửa tản cư lên 3 khu Thung Vàng, Thung Chao và Thung Ráp Nhạ. Thanh niên trong xã đều tham gia đội du kích. Lúc đó đội lên đến hàng trăm người. Lợi dụng địa hình rừng núi đội du kích rải chông, mìn và mai phục trên đường vào xã và khu tản cư.
Tham gia nhiều trận đánh phục kích giặc, ông ích nhớ nhất trận đánh ở xóm dưới vào tháng 10 năm 1947. Khi đó, giặc từ huyện Tân Lạc kéo về mang theo nhiều vũ khí. Nhận nhiệm vụ của trung đội du kích, ông ích gài mìn và chông trên đường vào xóm dưới. Khi giặc vừa đến, ông châm ngòi cho mìn nổ, làm chết một lính Pháp và 2 việt gian chỉ điểm. Biết có mai phục, giặc Pháp chống trả và rút lui.
Cụ Bùi Văn Ích, xóm Rẽ Vưng, xã Phú Lương(Lạc Sơn) là một trong những thành viên đầu tiên của trung đội du kích Yên Lương - Phú Lãm.
Đầu năm 1948, giặc Pháp chiếm Lạc Sơn, trong đó có xã Yên Lương (nay là xã Phú Lương). Từ khi chiếm đóng và kiểm soát Lạc Sơn, giặc Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc rượu. Trong đó, rượu cần là thứ nước uống được binh lính Pháp ưa thích nhất. Theo sáng kiến của đội viên du kích Bùi Văn Tón, ta đã vò lá ngón cho vào những vò rượu cần rồi đặt ở nhà ông Bùi Văn Duỗn, thôn Gò Rẽo, cạnh đường tiến quân của giặc. Đến đây, chúng đã lùng sục và khiêng rượu cần có lá ngón ra uống. Đến chầu thứ 3 thì từ quan tới lính đều trúng độc, say lảo đảo. Lợi dụng điều đó, đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm đã nổ súng tiêu diệt địch. Quân ta tiêu diệt tại trận địa 50 tên, số còn lại chạy được về Vụ Bản sau 3 ngày nhiễm độc đã chết thêm gần 100 tên nữa. Cuối năm 1948, ông ích và một số thanh niên trong đội du kích bị giặc bắt và giam tại thị trấn Vụ Bản. Tháng 10/1950, Pháp rút quân về Hà Nội. Lợi dụng lúc chuyển người sơ hở, ông ích cùng một số anh em đã trốn thoát.
ông Bùi Văn Vót, Chủ tịch UBND xã Phú Lương, cho biết: Ngoài những chiến công đánh Pháp bằng rượu cần trong hai cuộc kháng chiến thực dân chống Pháp và đế quốc Mỹ, Phú Lương đã có hàng trăm lượt người lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở khắp các chiến trường. Nhân dân địa phương phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực hàng trăm trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch; đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng nghìn ngày công vận chuyển lương thực, vũ khí vào các chiến trường… Ghi nhận chiến công, đóng góp của nhân dân xã Phú Lương trong 2 cuộc kháng chiến, năm 1998 Đảng, Nhà nước trao tặng xã danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong công cuộc xây dựng đất nước phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lương đã đoàn kết, phát huy tinh thần sáng tạo trong phát triển KT-XH. Trong những năm qua, nhân dân trong xã đã mạnh dạn, sáng tạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây, con có giá trị cao vào nuôi trồng như mướp đắng, bí, dưa lấy hạt, ớt với hơn 100ha; phát triển chăn nuôi đại gia súc trên 26 nghìn con. Mỗi năm xã trồng mới 50 ha rừng … Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18,5 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 3.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 410kg/người, 100% hộ dùng điện lưới, 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% trẻ đủ tuổi được đến trường, 48% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Xã từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, tạo tiền đề phát triển KT-XH.
Việt Lâm