Mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích khai thác 2 ha của Công ty TNHH MTV Phát Đạt tại xóm Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi).
Tổng trữ lượng khoáng sản đã cấp phép là 386.192.193 m3 với tổng công suất thiết kế 11.718.015 m3/năm. Trong đó, trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường 328.182.326 m3, công suất thiết kế 9.227.981 m3/năm. Tổng mức đầu tư (tính từ 2014 đến hết năm 2022) của 68 dự án khai thác, chế biến khoáng sản được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư (theo quy định của Luật Đầu tư) với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.476 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 844 ha.
Tính đến tháng 3/2022, trong tổng số 91 dự án KTKS có giấy phép còn hiệu lực có 64 dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan, đang tiến hành khai thác ổn định, có hiệu quả (trong đó, 2 dự án khai thác đá thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT); 8 dự án đang hoàn thiện các nghĩa vụ để đưa mỏ đi vào hoạt động hoặc đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; 19 dự án tạm dừng hoạt động hoặc chưa đưa mỏ vào hoạt động do vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục (trong đó, 4 dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT).
Qua đánh giá, công tác quản lý và hoạt động khoáng sản, công nghiệp khai khoáng của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tài nguyên khoáng sản được nâng lên. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đóng góp đáng kể cho phát triển KT-XH, với khoảng 2.500 công nhân lao động (1.349 người là lao động ổn định, 1.151 người là lao động thời vụ), trong đó khoảng 2.000 người là lao động địa phương (chiếm 80%). Các dự án KTKS được cấp phép tạo thu nhập ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/người/năm. Các tổ chức, cá nhân KTKS thực hiện nghĩa vụ tài chính các loại thuế phí với tổng số tiền đã nộp trên 1.000 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, khắc phục tình trạng KTKS trái phép.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực sự chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường…
Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong KTKS, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước rà soát, điều chỉnh, bổ sung để sớm hoàn thành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên cấp phép KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường cho công trình kết cấu hạ tầng, nhất là phục vụ các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước, công trình trọng điểm quốc gia. Kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc quy định về hoạt động khoáng sản, đình chỉ hoạt động hoặc đề xuất thu hồi giấy phép KTKS đối với khu vực khai thác của các tổ chức, cá nhân có nguy cơ cao về mất an toàn lao động; nợ đọng thuế phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc cho người dân và xã hội; xe vận chuyển quá tải, quá khổ; xử lý triệt để, kịp thời các tụ điểm khai thác trái phép khoáng sản.