Người dân đến giao dịch lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tại bộ phận một cửa phường Trung Minh, TP Hòa Bình.
Theo đó, Sở Tư pháp tham mưu thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp tại địa phương như: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý...
Trong năm 2023, HĐND và UBND tỉnh thông qua, ban hành 43 VBQPPL (14 nghị quyết, 29 quyết định). Các văn bản được thông qua, ban hành bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Ngành Tư pháp tổ chức thẩm định 3 đề nghị xây dựng nghị quyết, 61 dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND (21 nghị quyết, 40 quyết định). Thực hiện góp ý kiến vào 712 dự thảo văn bản (71 VBQPPL và 641 văn bản khác) theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị. Việc thẩm định toàn bộ dự thảo VBQPPL được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Qua đó cho thấy, 100% văn bản được ban hành không có quy định mới chứa đựng yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật.
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, ngành tập trung đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, PBGDPL. Năm 2023, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quan tâm; đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Quan tâm tuyên truyền pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang, cơ nhỡ... Triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, tổ chức thành công 2 cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở” và "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”; đổi mới, sáng tạo trong triển khai xây dựng các mô hình, cách làm hiệu quả phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; PBGDPL về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 190 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 253 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.942 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Các địa phương đã kiện toàn, duy trì 1.483 tổ hoà giải với 10.011 hòa giải viên. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm được quan tâm đúng mức. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tiếp tục được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời…
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, nhất là sử dụng có hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa điện tử; tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử; thực hiện tốt các phần mềm chuyên ngành. Sở Tư pháp thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác thông tin báo cáo, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuy nhiên, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: việc xã hội hóa công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn, hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở thấp…
Đồng chí Bùi Thị Thuý Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ trẻ tại các cơ quan tư pháp, cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định.
Đinh Thắng