Cuối năm, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do diễn ra sôi động; có doanh nghiệp vừa bị bắt quả tang và phạt hành chính về hành vi thu đổi ngoại tệ trái phép nhưng sau đó vẫn… tiếp tục vi phạm. Công an TPHCM đang tập trung kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh ngoại tệ trái phép
Sau khi bị xử phạt, tiệm vàng Kim Hạnh vẫn thu đổi ngoại tệ trái phép. Ảnh: Đường Loan |
Hàng loạt vụ kinh doanh ngoại tệ trái phép
Ngày 5-1-2010, Công an quận 3 phát hiện Đào Văn Hùng (SN 1985, ngụ quận 1) đang vận chuyển 3.800 đô la Singapore. Hùng khai nhận, số ngoại tệ trên được mua từ tiệm vàng Kim Hà (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Khi kiểm tra tiệm vàng Kim Hà, Công an quận 3 bắt quả tang nhân viên của tiệm vàng đang bán 1.000 USD cho khách hàng.
Qua khám xét, công an tạm giữ số ngoại tệ trị giá khoảng 8 tỷ đồng, gồm: 60.100 USD, 23.770.000 yên Nhật, gần 43.000 đô la Singapore, 10.000 EUR, 10.000 bảng Anh…
Trước đó, ngày 18-12-2009, Công an quận Gò Vấp bắt quả tang doanh nghiệp tư nhân vàng Minh Thành 1 (15/2 Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp; do Lương Đình Lệ Thu làm chủ) đang thu đổi trái phép 1.400 USD. Kiểm tra tại cửa hàng, công an thu giữ thêm 13.790 USD, 350 đô la Australia và nhiều ngoại tệ là đô la Singapore, EUR, đô la Canada…
Cùng thời điểm trên, một mũi trinh sát khác cũng bắt quả tang doanh nghiệp tư nhân vàng Minh Thành 2 (số 2/5 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp; do Lương Thị Thúy làm chủ) đang thu đổi trái phép 1.600 USD. Tiệm vàng Kim Long (269 Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp; bà La Hương làm chủ) cũng bị bắt quả tang đang mua bán 1.500 USD vào ngày 27-11-2009. Tại quận 2, Công an quận 2 cũng phát hiện 1 tiệm vàng kinh doanh ngoại tệ trái phép, thu giữ khoảng 6.000 USD.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vi phạm về thu đổi ngoại tệ trái phép tập trung ở các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc- đa phần không được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Đặc biệt, các khu vực tập trung nhiều tiệm vàng như: chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5)… thì hoạt động thu đổi ngoại tệ trái phép vẫn diễn ra nhiều.
Xem thường án phạt
Chiều ngày 2-12-2009, Công an quận Gò Vấp bắt quả tang doanh nghiệp tư nhân vàng Kim Hạnh (492 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp) do bà Phạm Thị Hạnh làm chủ đang thu đổi trái phép 2.000 USD. Sau đó, UBND TPHCM ra quyết định xử phạt đơn vị trên cùng các tiệm vàng Minh Thành 1, Minh Thành 2, Kim Long số tiền 57,5 triệu đồng/cơ sở (theo điểm a, khoản 5, Điều 18 của Nghị định 202/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng).
Tuy nhiên, chiều 27-1, chúng tôi mang 200 USD tới tiệm vàng Kim Hạnh hỏi giá bán thì nhân viên ở đây vồn vã chào mua với giá 19.350 đồng/USD và cho biết, tiệm vẫn bán USD… một cách bình thường! Ghi nhận của chúng tôi, tình trạng các cơ sở vi phạm rồi tái phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Thượng tá Huỳnh Trí Thạnh, Trưởng Công an quận Gò Vấp cho biết, khi phát hiện các tiệm vàng có hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép, ngoài số ngoại tệ bị bắt quả tang khi mua bán, công an chỉ được kiểm tra trong khu vực tiệm vàng vi phạm để phát hiện ngoại tệ cất trữ và thu giữ số ngoại tệ này.
Trong khi đó, các tiệm vàng thường có nhiều “mánh khóe” như cất giấu ngoại tệ ở nhà riêng, hoặc để ở nơi khác ngoài cơ sở kinh doanh. Do đó, số ngoại tệ bị thu giữ thường không nhiều: tại cơ sở Kim Long, công an chỉ thu thêm được 1.791 USD và 200 EUR; tại tiệm Kim Hạnh và tiệm Minh Thành 2, ngoài số tiền tang vật thì công an không thu thêm được ngoại tệ cất trữ tại cơ sở. Và, do lợi nhuận, các cơ sở vẫn vi phạm, chấp nhận phạt hành chính rồi… tiếp tục vi phạm.
Nhiều “rủi ro” cho cả bên bán và bên mua
Các cán bộ điều tra cho biết, khi phát hiện việc mua bán ngoại tệ trái phép, toàn bộ số ngoại tệ mà cơ sở đang giao dịch cho khách hàng và cất giữ tại cơ sở sẽ bị tịch thu. Nếu người dân bán ngoại tệ cho các tiệm vàng (hoặc vừa mua xong) thì sẽ bị tạm thu và được hướng dẫn buộc bán lại cho các ngân hàng hoặc các đại lý thu đổi ngoại tệ (tập trung tại các khách sạn lớn, trung tâm thương mại, sân bay…) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Đặc biệt, hoạt động giao dịch ngoại tệ trái phép thường lén lút nên đây cũng là cơ hội cho các đối tượng xấu “hành nghề”. Chúng dàn cảnh mua bán ngoại tệ, lấy lý do để giao dịch an toàn, chúng điều nhân viên tiệm vàng đến nơi khác rồi dùng hung khí tấn công, cướp tài sản.
Trước đó, một đối tượng điện thoại tới tiệm vàng P.S. (quận 1) tự xưng tên là Hùng, nói cần bán 70.000 USD và yêu cầu tiệm vàng mang tiền Việt Nam (hai bên thỏa thuận là gần 1,3 tỷ đồng) đến một căn nhà trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) để giao dịch. Khi nhân viên tiệm vàng P.S. mang gần 1,3 tỷ đồng đến điểm hẹn thì bất ngờ bị 2 thanh niên khóa trái cửa, dùng roi điện tấn công để cướp số tiền trên.
Hiện Công an TPHCM đang tập trung kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh ngoại tệ trái phép, trong đó, tập trung bóc gỡ các đối tượng cung cấp “sỉ” ngoại tệ cho các tiệm vàng để “bán lẻ” cho người dân. Công an TPHCM khuyến cáo, để có giao dịch an toàn, người dân nên bán-mua ngoại tệ tại các ngân hàng hoặc các đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép.
Theo SGGP
Có lúc là một bé gái nhẹ dạ bị lừa gạt ra nước ngoài, có khi lại là cháu bé sơ sinh bị bắt cóc, đưa sâu vào nội địa Trung Quốc... Niềm vui của người lính hình sự nơi biên giới hòa chung với giọt nước mắt đoàn viên của gia đình các nạn nhân sau bao ngày lưu lạc. Những cuộc giải cứu nghẹt thở ấy thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc.
Chỉ tính đầu tháng 12/2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 7 vụ án mạng nghiêm trọng, làm chết 7 người, trong đó có 5 vụ án mạng liên quan đến rượu, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.
Nhiều người chĩa tầm ngắm vào hàng thanh lý tại các cửa hiệu cầm đồ với suy nghĩ "đồ đem cầm là đồ tốt nhưng khi cần thanh lý để thu hồi vốn, chủ hiệu sẽ bán với giá rất rẻ". Chính suy nghĩ ấy đã tạo cơ hội cho không ít chủ hiệu cầm đồ trời ơi tung nhiều mánh lới làm ăn bất chính khiến nhiều thượng đế ôm hận khi phải trả tiền thật để rinh về những món đồ không còn giá trị sử dụng.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài, sẽ lầm tưởng kho hàng lậu là một xưởng sản xuất thông thường vì kho chứa hàng lậu nằm sâu phía trong. Qua kiểm đếm, số hàng lậu thu giữ gồm máy xay sinh tố, đèn sạc điện, vợt muỗi, nồi cơm điện, máy sấy tóc, máy sưởi... trị giá khoảng 300 triệu đồng…
(HBĐT) - Năm 2009, ngành đã thực hiện tự kiểm tra 288 văn bản QPPL, trong đó, cấp tỉnh 46 văn bản, cấp huyện 242 văn bản. Tiếp nhận, kiểm tra 610 văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp, trong đó cấp tỉnh có 112 văn bản, cấp huyện 498 văn bản.
Gần đây, tòa án đưa ra xét xử nhiều vụ "giao cấu với trẻ em" mà bị cáo trong vụ án là "người chồng" và bị hại là những cô vợ trẻ con, chưa đủ tuổi. Họ bị "tố" khi cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc và bị chính những cô vợ và gia đình vợ tố giác.