CSGT Hà Nam kiểm tra xe khách trên quốc lộ 1A.

CSGT Hà Nam kiểm tra xe khách trên quốc lộ 1A.

Khó có thể thống kê được hết những vụ tai nạn trên QL1A. Nhưng dường như các tài xế không lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà vẫn coi việc chạy quá tốc độ là phương thức tối ưu rút ngắn thời gian hành trình để quay vòng. Nhất là thời kỳ cao điểm khi mà người có nhu cầu đi lại luôn chật cứng các bến xe và đứng đầy hai bên đường thì các tài xế càng có động lực để phấn đấu "quay vòng", còn chẳng may tai nạn là do... "số".

Dù không còn cảnh "treo" khách trên nóc xe hay "nhốt" trong hầm hành lý như những năm trước, nhưng trước và sau tết Nguyên đán, tình trạng xe khách chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ trên Quốc lộ (QL) 1A vẫn là vấn đề "nóng" khiến lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) dọc các tỉnh trên tuyến lại rất vất vả trong việc xử lý...

Chở quá khách: chuyện thường ngày

Đã rất nhiều lần đi với CSGT tuần tra xử lý xe khách vi phạm vào những đợt cao điểm, nhưng thực sự tôi vẫn... hoa cả mắt khi Trung tá Lê Văn Thanh, Đội trưởng Đội Tuần tra Kiểm soát giao thông (TTKSGT) 5-1, Phòng CSGT Nghệ An, đưa cho xem cuốn sổ theo dõi bàn giao hồ sơ vi phạm, bởi chỉ trong thời gian gần 2 tháng, từ ngày 1/1 đến 24/2, Đội đã lập biên bản xử phạt 2.593 trường hợp vi phạm, trong đó riêng xe khách là 861 trường hợp với hai lỗi phổ biến là chở quá người và chạy quá tốc độ.

Trong danh sách 264 trường hợp xe khách vi phạm chở quá người, phần đông đều chở quá từ 6 tới hơn 10 người, cá biệt có trường hợp xe khách chở quá tới gần 100%. Điển hình là ngày 21-2, khi kiểm tra xe khách 47 chỗ mang biển số 53S-2405 do lái xe Lê Tân Ba, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa điều khiển, tổ tuần tra đã phát hiện trên xe chở tới 87 người, khiến anh em của đội phải áp tải xe từ Diễn Châu vào bến xe Vinh để giao cho ngành giao thông tổ chức chuyển khách. Nếu không bị phát hiện thì hơn 80 con người sẽ phải bó gối suốt hành trình hơn 1.000km từ Bắc vào Nam.     

Nhưng, chẳng riêng gì ở Đội 5-1, đến các phòng CSGT Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, chỗ nào tôi cũng thấy một danh sách dài xe khách vi phạm bị xử lý. Thượng tá Đinh Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Ninh Bình thống kê chỉ trong thời gian từ ngày 14 đến 25-2, đơn vị đã xử lý hơn 200 xe khách vi phạm với các lỗi chạy quá tốc độ, chở quá người, đón trả khách không đúng nơi quy định.

Thượng tá Nguyễn Trọng Đạo, Trưởng phòng CSGT Hà Nam cho biết chỉ riêng trong tháng 2-2010 cũng đã kiểm tra xử lý 345 xe khách vi phạm.

Thượng tá Đào Đức Minh, Trưởng phòng CSGT Thanh Hóa, cũng đưa ra con số "ấn tượng" không kém: trong các ngày từ 21 đến 23/2, hầu hết xe đi Hà Nội đều chở quá khách, thậm chí có những trường hợp chở quá 100% khách. Trong ngày 21/2, lực lượng CSGT đã xử lý 58 trường hợp xe khách chở quá số người quy định. Điển hình như xe khách 35 chỗ BKS 36M-3434 đã chở tới 68/35 khách; xe khách 32 chỗ BKS 36L-8347 chở tới 68/32 khách. Ngoài vi phạm chở quá khách, trường hợp này còn thêm lỗi đỗ, dừng xe gây cản trở giao thông.

Còn Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó phòng CSGT Nghệ An cho biết, chỉ trong thời gian từ ngày 1/1 đến 24/2, Phòng đã xử lý hơn 4.000 xe khách vi phạm...

Có ra QL thời điểm này mới thấy lực lượng CSGT cực kỳ vất vả trong những ngày cao điểm. Ngoài chống ùn tắc thì một nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo an toàn giao thông, xử lý xe vi phạm, đặc biệt là xe khách, bởi những ngày này lợi dụng thời kỳ cao điểm, hành khách tăng đột biến, có những chủ xe còn mang cả xe hết hạn lưu hành ra để chở khách.

Hôm đến Trạm CSGT QL1A của Phòng CSGT Ninh Bình, Trung tá Trạm trưởng Đinh Trọng Soạn chỉ chiếc xe khách loại 49 chỗ BKS 36L-7649 đang đỗ trong sân trạm kể, ngày 18/2, khi kiểm tra xe này đang dừng đỗ đón khách sai quy định trên QL1 thuộc địa phận huyện Yên Mô, các anh phát hiện ra lái xe Lê Văn Lý ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã cả gan mang cả xe đã hết hạn lưu hành từ cuối năm 2009 ra đường đón khách.

Nhìn chiếc xe rệu rã, thân xe dù đã được hàn vá nhiều chỗ nhưng vẫn đầy những vết mục ruỗng, tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ nếu không bị CSGT phát hiện bắt giữ thì chắc Lê Văn Lý sẽ vẫn xuôi ngược trên QL1 chở khách và sẽ khó có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với chiếc xe quá đát này. 

Dù đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp để phòng ngừa tình trạng xe nhồi nhét khách vào dịp trước và sau tết, nhưng nhiều khi lực lượng CSGT vẫn lâm vào thế "lực bất tòng tâm". Điển hình là ở Thanh Hóa, ngay từ giữa tháng 1, liên ngành Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Công an tỉnh đã có kế hoạch phối hợp tổ chức vận tải khách bằng ôtô trong dịp tết, trong đó ngoài việc chủ động bổ sung khoảng 100 xe cho các tuyến phía Nam, 40 xe cho tuyến Hà Nội trong dịp tết.

Liên ngành Công an - GTVT cũng lập 8 tổ công tác xuống 8 huyện trọng điểm phối hợp với chính quyền địa phương vận động các chủ xe khách chấp hành pháp luật, đồng thời từ mùng 2 tết đã đi kiểm tra để ngăn chặn vi phạm từ các bến xe gia đình, tăng cường tuần tra xử lý... Tuy nhiên, trong các ngày 21 và 23/2 thì 100% xe khách đi từ Thanh Hóa đều chở quá người. Nguyên nhân là do sau kỳ nghỉ tết dài, rất đông người từ quê trở lại nơi làm việc đều đi vào những ngày này. Để có phương tiện sang khách và giải quyết nhu cầu đi lại cho hành khách, Phòng CSGT Thanh Hóa đã phải tham mưu để bố trí 20 xe buýt đưa khách đi Hà Nội.

Nhưng, ngoài lý do bất khả kháng do lượng khách tăng đột biến trong một thời điểm nhất định như vậy thì các chủ xe khách ở Thanh Hóa, nhất là xe đi miền Nam cũng "chủ động" đối phó với CSGT bằng cách khi xuất bến thì xe chở đủ người, nhưng trước đó nhà xe đã dùng xe nhỏ hoặc xe buýt đưa khách ra cuối tỉnh sau đó mới đón khách lên xe đi tiếp. Vì vậy, dù đã phòng ngừa nhưng vẫn có xe vi phạm, không những thế khi phát hiện thì việc xử lý xe vi phạm, hạ tải, sang khách thường rất khó khăn vì lái xe chống đối bằng cách không chịu trả lại tiền cho khách và thậm chí hành khách cũng không hợp tác với lực lượng CSGT.

Chạy quá tốc độ: chuyện đương nhiên

Nhưng ngoài chở quá khách, một lỗi vi phạm phổ biến của xe khách trên QL1A là chạy quá tốc độ. Thực tế với tốc độ gia tăng lượng phương tiện hàng năm theo cấp số nhân như hiện nay, con đường QL nối liền đất nước nhiều đoạn đã chật hẹp không khác gì... đường làng và luôn trong tình trạng quá tải và thường trực nguy cơ ùn tắc, tai nạn.

Cách đây một tháng, Sở GTVT Ninh Bình đã khảo sát QL1 đoạn đi qua tỉnh này và đưa ra con số thống kê khá sốc: trung bình mỗi ngày đêm có gần 50.000 phương tiện giao thông hoạt động trên đường. Thế mới có chuyện đêm 20 ngày 21/2 (tức đêm mùng 7 ngày mùng 8 tháng Giêng) vừa rồi, vì đúng phiên chợ Viềng (Nam Định), sáng mùng 8 lại là ngày hô thần nhập tượng chùa Bái Đính ở Ninh Bình nên rất đông người sau khi đi chợ Viềng tiếp tục đi chùa Bái Đính khiến con đường từ Nam Định sang Ninh Bình tắc suốt 11 tiếng; đoàn xe tắc từ Nam Định kéo dài gần tới TP Ninh Bình khiến CSGT Ninh Bình và Hà Nam phải tăng cường hỗ trợ cho Nam Định phân luồng từ xa mới giải tỏa được. Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Đinh Văn Ninh bảo rằng hơn 30 năm làm CSGT ở Ninh Bình nhưng chưa bao giờ anh phải chứng kiến chuyện ùn tắc khủng khiếp như vậy.

Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ngành GTVT phải cắm biển báo hạn chế tốc độ trên QL. Nhưng, với phần đông lái xe khách, việc chạy đúng tốc độ chỉ được thực hiện khi đi qua các chốt CSGT hoặc những chỗ "bắn tốc độ", sau đó là lại "mát chân ga" để bù giờ.

Đã có quá nhiều vụ tai nạn xe khách thảm khốc mà nguyên nhân chính là do lái xe phóng nhanh, lấn đường, vượt ẩu. Cụ thể, vào hồi 11h40 ngày 23/2, tại km 438 QL1A thuộc địa phận huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách BKS 18T-2960 đi hướng từ Bắc vào Nam đâm trực diện vào xe 7 chỗ hiệu SantaFe BKS 30V-3160 đi ngược chiều khiến 3 người ngồi trên xe 7 chỗ chết tại chỗ; nguyên nhân là do xe khách lấn đường nên đâm trực diện vào xe ngược chiều.

Vụ tai nạn giữa xe khách và xe SantaFe tại Nghệ An ngày 23/2 đã khiến 3 người ngồi trong xe SantaFe chết tại chỗ.

Trước đó, vào chiều 9/2 trên QL1A đoạn đi qua huyện Nghi Lộc (Nghệ An) xe khách chạy hướng Bắc - Nam do tài xế Nguyễn Ngọc Thanh (ở Diễn Châu, Nghệ An) điều khiển chạy với tốc độ cao để vào miền Nam bắt khách về quê ăn tết mất lái đâm vào xe Santafe chỗ chạy cùng chiều. Sau khi đâm nát chiếc SantaFe, xe khách tiếp tục đâm vào 2 xe máy đã dừng tránh bên QL1A, rồi tiếp tục tông vào dãy lan can bên đường trước khi lao lên đường sắt Bắc - Nam.

Vụ tai nạn đã khiến bà Võ Thị Đào (63 tuổi) chết ngay trên xe SantaFe, hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Cẩn (47 tuổi) và bà Nguyễn Thị Yến (44 tuổi) chở nhau trên xe máy cũng chết tại chỗ. Tài xế SantaFe và 2 người đi trên xe máy khác bị thương nặng.

Trước đó không lâu, ngày 10/1, trên tuyến QL1A qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xe khách 16 chỗ BKS 92H-0050 đi hướng Đà Nẵng - Tam Kỳ, trên xe chở khoảng 10 hành khách; do lái xe không làm chủ được tốc độ nên tự đâm vào dải phân cách giữa đường rồi đâm tiếp vào xe máy BKS 43H-3515 và lao xuống ruộng. Tai nạn đã làm 6 người trên xe khách bị thương nặng phải đi cấp cứu, 2 người đi xe máy bị thương nhẹ...

Khó có thể thống kê được hết những vụ tai nạn kiểu như vậy trên QL1A. Nhưng dường như với các tài xế không lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà vẫn coi việc chạy quá tốc độ là phương thức tối ưu rút ngắn thời gian hành trình để quay vòng, nhất là thời kỳ cao điểm khi mà người có nhu cầu đi lại luôn chật cứng các bến xe và đứng đầy hai bên đường thì càng trở thành động lực để họ phấn đấu "quay vòng", còn chẳng may tai nạn là do... "số".

Tôi đã nhiều lần đi công tác bằng xe khách trên những chiếc xe "chất lượng cao" chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Hà Tĩnh và cũng không ít lần thót tim khi tài xế xe khách "đua" trên QL1 để tranh khách và đành phó mặc tính mạng cho lái xe.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ xe khách

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C26), chỉ trong thời gian từ 13 đến 19/2 (30 đến mùng 6 tết Canh Dần), cả nước xảy ra hơn 400 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết gần 300 người, bị thương hơn 400 người. So với tết Kỷ Sửu, tăng gần 100 vụ.

Thượng tá Đào Đức Minh, Trưởng phòng CSGT Thanh Hóa cho rằng từ thực tế công tác xử lý vi phạm thì một trong những nguy cơ TNGT lớn nhất hiện nay là tình trạng xe khách chạy quá tốc độ, tranh giành khách. Cuối năm 2009, sau khi phân tích một loạt vụ TNGT nghiêm trọng do xe khách gây ra, Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng đã đưa ra kết luận rằng nguyên nhân chính các vụ TNGT do xe chở khách gây ra hầu hết do lỗi của lái xe không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông khi điều khiển xe lưu thông trên đường như: vi phạm về tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, xử lý kém.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng 3-C26, cho biết, thực tế từ công tác kiểm tra xử lý các trường hợp xe khách vi phạm trong thời gian qua cho thấy hầu hết lỗi do lái xe không chấp hành quy định về an toàn giao thông. Nhiều lái xe do sức ép mức khoán của chủ nên ít có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến  thiếu tỉnh táo, xử lý tình huống kém hoặc độ tuổi còn trẻ, lại thiếu kinh nghiệm khi lái xe trên đường.

Vì vậy mà trong nhiều giải pháp được CSGT đưa ra để hạn chế tai nạn thì luôn có một nội dung là tuyên truyền, nâng cao ý thức đạo đức của đội ngũ lái xe. Nhưng, khi mà chuyện tuyên truyền nâng cao ý thức với nhiều lái xe và chủ doanh nghiệp vẫn là chuyện "nước đổ đầu vịt" thì một giải pháp hữu hiệu nhất hiện vẫn chỉ là CSGT tăng cường tuần tra xử lý. Còn với các nhà làm luật, khi soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ mới cần điều chỉnh tăng nặng mức phạt với xe khách vi phạm, thậm chí là tịch thu xe vi phạm nghiêm trọng. Có như vậy may ra mới nâng được ý thức lái xe và chủ xe

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Xin trả lại gia đình cho em !

Vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng về mặt pháp luật cũng như luân thường đạo lý, liên quan đến sinh mệnh, tương lai của nhiều người. Tiếc là, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Long chưa làm hết trách nhiệm

Không trả thù được, chém người vô tội

2 nhóm thanh nên cứ đuổi theo nhau trả thù nhưng không đúng đường nên không gặp nhau. Tức tối, một nhóm gặp thanh niên nào đi bộ ngoài đường cũng bắt dừng lại để kiểm tra xem có phải người của nhóm bên kia. Thấy ai không vừa ý, chúng chém luôn.

Sự thật phía sau giấy phép “tận thu” khoáng sản

Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép của cấp tỉnh cho phép khai thác tận thu quặng sử dụng máy móc khai thác quy mô lớn; không chỉ khai thác nơi được cấp phép, mà còn mở rộng sang khu vực khác, gây sụt lún đất canh tác của người dân. Lại có chủ mỏ chỉ xin phép rồi cho thuê, hoặc bán lại, gây tranh chấp phức tạp.

Chuyện về Cảnh sát hình sự

(HBĐT) - Không bụi bặm, không “ngầu” với cái vẻ hình sự như mọi người vẫn hay nghĩ, những CBCS Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh là những người vui tính, thân thiện và dễ gần. Nói về họ, ngoài những vất vả đời thường là chuyện về những chiến công trong truy bắt tội phạm.

Những chuyến xe kinh hoàng

Tình trạng chung của các tuyến xe khách sau Tết là: Nhà xe bắt chẹt khách lấy giá vé cao ngất ngưởng. Thậm chí có xe đã nhồi nhét khách mà còn treo võng để người này nằm trên đầu người kia, cựa quậy cũng không được mà đứng dậy cũng không xong. Lên xe khách, nhiều người chỉ biết "nhắm mắt mà cầu nguyện thôi chớ nhà xe chạy nhanh và ẩu lắm. Nhỡ xảy ra chuyện gì thì chắc… chết mất thôi".

Chuyện của nữ cán bộ quản giáo

Biết Vàng Thị Tông, phạm tội vận chuyển trái phép ma túy, không có tiền đóng án phí Trung úy Hiệp đã bỏ tiền đóng án phí để phạm nhân này được xếp loại thi đua. Hằng tháng, khi thì cân đường, lúc gói mì chính, gói bột canh... cho Tông, Trung úy Hiệp đã khiến phạm nhân ngườo dân tộc Dao này cảm động đến phát khóc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục