Hàng trên: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viết Sơn, Trần Sỹ Bá, hàng dưới: Trần Thanh Nhã, Trần Văn Quân và Trần Văn Quyên.

Hàng trên: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viết Sơn, Trần Sỹ Bá, hàng dưới: Trần Thanh Nhã, Trần Văn Quân và Trần Văn Quyên.

Lần đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp phối hợp truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn trên đất Thái Lan, nên quá trình công tác gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, dò tìm thông tin và nơi ẩn náu của 4 đối tượng trong một thủ đô hơn 6,3 triệu dân như Bangkok thật chẳng khác gì "mò kim đáy bể".

Công an tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị tổ chức tổng kết chuyên án, kết thúc cuộc truy lùng 6 đối tượng trốn trại nguy hiểm với thời gian kéo dài kỷ lục: hơn 600 ngày. Vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ, phức tạp khi 4 trong 6 đối tượng đã vượt biên sang Lào, sau đó đào tẩu sang Thái Lan. Thắng lợi của chuyên án này đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong công tác nghiệp vụ và hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm...

Cuộc đào tẩu lúc nửa đêm

Vào lúc 5h30 ngày 15/6/2008, trực ban Trại tạm giam Cầu Đông, Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra phát hiện buồng giam số 12 bị cạy phá, 6 tên tội phạm nguy hiểm đang giam giữ tại đây đã trốn thoát. Trong số này chỉ có Nguyễn Hữu Phú, SN 1976, quê ở xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) can tội mua bán trái phép các chất ma túy; án phạt 9 năm, còn lại 5 đối tượng đều can tội cướp tài sản. Trong đó, Trần Sỹ Bá, SN 1980 và Trần Văn Quyền, SN 1984 cùng quê xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, án phạt 7 năm; Nguyễn Viết Sơn, SN 1983, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, án phạt 6 năm; Trần Thanh Nhã, SN 1984, quê xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), án phạt 5 năm 6 tháng; Trần Văn Quân quê Hà Linh, huyện Hương Khê, án phạt 4 năm.

Khám nghiệm hiện trường cho thấy, nhà tạm giam Cầu Đông được xây dựng khá lâu, một số hạng mục đã xuống cấp. Phát hiện ra điều này, lợi dụng đêm tối, quản giáo thay ca trực, các đối tượng đã hợp lực xô lệch chấn song cửa để thoát ra ngoài. Kết quả khám nghiệm cũng cho thấy, cuộc đào tẩu này được bọn chúng chuẩn bị khá kỹ. Mở rộng hiện trường, Lực lượng Công an còn thu giữ đoạn dây dài 7m, bện bằng vải màn và mảnh chăn chiên, được các đối tượng sử dụng trèo tường, sau đó tụt xuống đất...

Ban giám đốc Công an Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án, do Thượng tá Phạm Ngọc Thạch - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hà Tĩnh làm Trưởng ban. Các trinh sát và điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Trại tạm giam, Phòng Kỹ thuật hình sự... là thành viên Ban chuyên án.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã gửi điện khẩn cho Công an các huyện, thị trong tỉnh, các đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo... Công an các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Bạc Liêu; Công an tỉnh Pô Ly Khăm Xay  và tỉnh Khăm Muộn (Lào) phối hợp truy bắt. 5 tổ công tác đặc biệt chia thành 5 mũi được lệnh lên đường truy theo dấu vết nóng của nhóm tội phạm...

Khoảng 17h ngày 17/6, tổ công tác tại địa bàn xã Hà Linh, huyện Hương Khê (quê đối tượng Trần Văn Quân) do Trung tá Nguyễn Quang Khai làm tổ trưởng nhận được tin báo đêm 16/6, tại Đội 4, Nông trường Cao su Phan Đình Phùng đóng tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, 2 xe máy của công nhân bị kẻ gian lấy cắp. Ban chuyên án cử Thượng tá Hoàng Minh Tân, Phó ban chuyên án lên Hương Khê nắm tình hình.

Qua xác minh, điều tra, tổ công tác đã làm rõ, nhóm đối tượng trốn trại được sự giúp sức của Nguyễn Minh Hùng, ở xóm 10, xã Hà Linh (Hùng là bạn cũ của tên Trần Văn Quân) đã gây ra vụ trộm cắp trên. Có nhân chứng đã thấy 7 đối tượng đi trên 2 xe máy chạy trốn theo đường Hồ Chí Minh vào hướng Quảng Bình.

Nhận định khả năng bọn chúng sẽ qua nhà vợ của tên Quân ở Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để lấy tiền và trốn sang Lào qua Cửa khẩu Cha Lo - Quảng Bình (?). Thượng tá Hoàng Minh Tân cùng 4 trinh sát tiếp tục truy kích vào Quảng Trạch. Tổ chức mật phục tại nhà Quân đến rạng sáng ngày 18/6/2008, nhưng không thấy dấu hiệu bọn chúng xuất hiện, tổ công tác tiếp tục truy đuổi theo hướng Cửa khẩu Cha Lo.

Tại đây, được sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng Cửa khẩu Cha Lo, các trinh sát đã phục bắt được Nguyễn Hữu Phú tại một cánh rừng giáp biên giới khi hắn đang tìm cách vượt biên sang Lào. Qua đấu tranh khai thác, Phú cho biết, được sự trợ giúp của Nguyễn Minh Hùng, bọn chúng đã ăn cắp 2 xe máy của công nhân tại Nông trường Cao su Phan Đình Phùng, sau đó chạy ra khu vực Cửa khẩu Cha Lo tìm đường vượt biên. Quá trình lẩn trốn trên dãy núi Hương Khê, Trần Thanh Nhã bị lạc, hiện không rõ ở đâu.

Tại một quán ăn gần Cửa khẩu Cha Lo, bọn chúng đem "cắm" 2 chiếc xe máy lấy 2.000 bạt tiền Thái Lan rồi tẩu thoát. Sau khi thu giữ 2 chiếc xe máy, điện báo cáo và được Ban giám đốc Công an tỉnh đồng ý, tổ công tác phối hợp một trinh sát cùng với đồn biên phòng dẫn giải tên Phú về Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh, lực lượng còn lại tiếp tục sang Lào truy kích đối tượng. 

Tại xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (giáp ranh với Cha Lo, Quảng Bình), sau khi nghe báo cáo của tổ công tác, Công an tỉnh Khăm Muộn đã khẩn trương tăng cường lực lượng, phối hợp với các trinh sát mở rộng địa bàn truy lùng các đối tượng. Nhưng do địa bàn miền núi hiểm trở, giao thông chia cắt, các điểm dân cư cách xa nhau, bất đồng về ngôn ngữ nên sau 8 ngày, các mũi truy lùng đã không đạt kết quả, tổ công tác đành phải  rút về nước để có kế hoạch tiếp theo.

Cùng thời điểm này, 4 mũi công tác vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng bủa vây, lùng sục Trần Thanh Nhã - kẻ bị "bỏ rơi" trên đường chạy trốn. Sau gần 10 ngày bám trụ địa bàn, truy theo từng dấu vết nóng và các mối quan hệ của đối tượng, hồi 14h ngày 26/6/2008, tổ công tác do Trung tá Trần Đức Hoàng và Đại úy Trần Văn Minh phối hợp với Công an xã Thiên Lộc phát hiện và bắt giữ được Trần Thanh  Nhã. Quá trình lẩn trốn, đối tượng này đã đóng giả công nhân đi lấy mủ nhựa thông ở vùng núi rừng hiểm trở thuộc dãy Hồng Lĩnh, nhưng hắn đã bị các trinh sát tóm gọn.

Qua lời khai của Phú, Nhã, cùng những chứng cứ và thông tin thu thập được qua công tác nghiệp vụ, Ban chuyên án có đủ cơ sở xác định các đối tượng còn lại (cả đối tượng Nguyễn Minh Hùng) đã vượt biên trái phép sang Lào, rất có thể tiếp tục chạy trốn và ẩn náu tại một nước thứ ba...

3 lần xuất ngoại và cuộc truy lùng tội phạm trên đất Thái Lan

Sau khi nghe Ban chuyên án báo cáo tình hình, Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh quyết định rút toàn bộ các lực lượng tham gia chuyên án từ đầu, nhiệm vụ truy bắt 5 đối tượng còn lại được giao cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH. Ngày 11/7/2008, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đề nghị Interpol phối hợp giúp đỡ. Căn cứ theo yêu cầu của Văn phòng Interpol Việt Nam, Interpol ban hành Lệnh truy nã quốc tế số: A/1766/7/2008 đối với Nguyễn Viết Sơn, số A 1767/7/2008 đối với Trần Sỹ Bá; số A 1768/7/2008 đối với Trần Văn Quân; số A 1769/7/2008 đối với Trần Văn Quyền.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã nắm được nhiều thông tin quan trọng, trong đó có một thông tin quý giá, đó là cả 4 tên tù trốn trại: Sơn, Quyền, Quân, Bá đều sử dụng những số máy lạ gọi về cho người thân ở Việt Nam. Qua xác minh, Ban chuyên án nắm được, các số sim trên đều được gọi từ Thái Lan. Được biết trước khi gây án, Quyền, Quân và Bá đều có nhiều năm làm ăn tại Lào và Thái Lan. Bá còn là "đầu nậu" đứng ra tuyển dụng lao động đưa sang lao động, buôn bán tại Thái Lan; ngoại trừ Sơn, 3 đối tượng còn lại đều nói được tiếng Thái.

Tiếp tục mở rộng điều tra, xác  minh, các trinh sát có cơ sở khẳng định cả 4 tên đã đào thoát thành công sang đất Thái Lan, hiện đang ẩn náu, kiếm sống bằng những cái tên giả. Kế hoạch sang đất Thái truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã được Ban giám đốc Công an tỉnh, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an thông qua...

Ngày 13/8/2008, nhận được công văn phúc đáp của Cục Đối ngoại Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Bộ Công an Việt Nam đã cử một đoàn công tác của Công an tỉnh Hà Tĩnh và Văn phòng Interpol sang nước bạn. Tại Thái Lan, đoàn đã làm việc với Đại sứ quán Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Interpol Thái Lan và Cảnh sát Hoàng gia thủ đô Bangkok.

Đây là lần đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp phối hợp truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn trên đất Thái Lan, hai nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, hệ thống luật pháp có nhiều điểm khác nhau, nên quá trình công tác gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, dò tìm thông tin và nơi ẩn náu của 4 đối tượng trong một thủ đô hơn 6,3 triệu dân, cùng cả triệu người nhập cư đủ các loại quốc tịch khác nhau như Bangkok thật chẳng khác gì "mò kim đáy bể".

Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của Interpol và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, trong thời gian trên đất Thái, đoàn công tác đã lần theo từng manh mối dù là nhỏ nhất. Phán đoán các đối tượng có khả năng lẩn trốn tại khu vực có bà con Việt kiều sinh sống, đoàn công tác và Interpol Thái Lan đã rà soát hàng ngàn điểm nghi vấn.

Không phụ công sức các trinh sát, ngày thứ 7 tại Bangkok, đoàn công tác đã nắm được nguồn tin quan trọng từ một Việt kiều về sự xuất hiện của 2 thanh niên người Việt tên là Son và Toàn mới từ Việt Nam sang, hiện một người đang làm nghề trông giữ xe cho 2 cửa hiệu kinh doanh ở quận Bang Na và quận Ban Khuon Thien. Bí mật tiếp cận, tổ công tác đã phát hiện không ai khác, Son và Toàn chính là Nguyễn Viết Sơn và Trần Văn Quân. Phương án vây bắt được thông qua. Ngày 24/8/2008, 2 đối tượng này lần lượt sa lưới...

Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên sang đất Thái thành công, Ban chuyên án đã họp bàn rút kinh nghiệm, bổ sung thêm các phương án mới nhằm xác minh, truy bắt 2 đối tượng còn lại là Trần Văn Quyền và Trần Sỹ Bá, nếu có cơ sở và điều kiện cho phép thì mở rộng truy bắt tiếp Nguyễn Minh Hùng.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt qua sự giúp đỡ của Interpol Thái Lan, các trinh sát đã xác định được địa điểm Trần Văn Quyền đang trú ngụ, đó là khu vực Đồng Mường, thủ đô Bangkok. Tại đây, Quyền thường xuyên sử dụng điện thoại có số sim 080 430 1048 để liên lạc với một số người thân. Ngày 23/9/2009, được sự nhất trí của lãnh đạo Bộ Công an, một đoàn công tác do Thượng tá Hoàng Minh Tân dẫn đầu lại lên đường sang Thái Lan lần thứ hai.

Ngày 27/9, đoàn công tác có mặt tại Nhà hàng Tonight, gần sân bay cũ thuộc khu vực Đôn Mường, Bangkok - nơi Quyền đang làm thuê với một cái tên giả, nhưng hắn đã nhanh chân lặn mất tăm. Đến 14h, Cảnh sát Interpol Thái Lan thông báo đã định vị chính xác vị trí Quyền đang đàm thoại, các trinh sát và lực lượng của bạn đã ập đến, bắt giữ được Quyền.

3 đối tượng Sơn, Quân và Quyền lần lượt bị bắt, nhưng dấu vết về đối tượng cuối cùng Trần Sỹ Bá vẫn bặt vô âm tín. Qua lời khai 3 đối tượng bị bắt, được biết sau khi từ Lào vượt biên sang Thái Lan, bọn chúng đã thỏa thuận từ nay đường ai người nấy đi, tuyệt đối không liên lạc, không gặp gỡ... Chính vì vậy, cả 3 tên đều không biết Trần Sỹ Bá trốn và sinh sống ở đâu.

 Được sự giúp đỡ của Interpol Thái Lan, Ban chuyên án mở rộng diện tìm kiếm qua hệ thống tàng thư của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Qua hệ thống này, các trinh sát phát hiện một đối tượng tên là Et, người Lào hiện đang thụ án tại Trại giam Bangkok Remand Prison (do Bộ Tư pháp Thái Lan quản lý) về tội trộm cắp tài sản có nhiều nghi vấn. Sau khi tra cứu danh chỉ bản do Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cung cấp thấy có nhiều điểm trùng hợp giữa Et và Trần Sỹ Bá.

Ngày 31/1/2010, đoàn công tác thứ ba do Thượng tá Hoàng Minh Tân dẫn đầu lại tiếp tục thực hiện chuyến xuất ngoại thứ ba sang đất Thái Lan. Tại nhà tù Bangkok Remand Prison, phạm nhân Et được dẫn giải ra gặp các cán bộ Công an Việt Nam, vừa thấy sắc phục Công an Việt Nam, Et đã khụy xuống; bộ mặt thật của Trần Sỹ Bá đã bị lật tẩy...

Ngày 4/2/2010, Trung tâm Giam giữ người nước ngoài thuộc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan đã làm thủ tục trục xuất và bàn giao Trần Sỹ Bá cho đoàn công tác của Công an Việt Nam.

2h ngày 5/2/2010, Trần Sỹ Bá được dẫn giải về Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh an toàn, kết thúc chuỗi ngày đào tẩu và lẩn trốn trên đất khách quê người, đồng thời cũng kết thúc 600 ngày truy lùng ráo riết của lực lượng Công an

                                                                        Theo Báo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
2 đối tượng trong vụ án.
Tiêu huỷ lượng hàng giả và hàng kém chất lượng.

Thiết bị tiết kiệm điện: Công dụng "ảo"

Để bán được thiết bị tiết kiệm điện, người bán đã sử dụng thủ thuật, đặt công tơ đang quay ra trước mặt khách hàng, sau đó cắm thiết bị và tắt bớt bóng đèn, tức thì công tơ quay chậm lại. Người tiêu dùng bị loá mắt nên đổ đi mua.

Phá đường dây ma túy lớn, thu giữ 30 bánh heroin

Công an TP Lạng Sơn vừa khám phá thành công vụ án mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng tang vật bắt giữ 30 bánh heroin.

Quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010

Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Hội nghị cấp cao ASEAN 16 và các sự kiện khác trong năm Chủ tịch ASEAN là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 của Lực lượng Công an, vì vậy đòi hỏi phải huy động sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Hội nghị, sự kiện cấp cao ASEAN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an lập Tiểu ban An ninh Hội nghị ASEAN 2010.

Thép đã tôi từ tình yêu thương

Chúng tôi mở đầu chuyên mục "Dưới những nếp nhà CAND" bắt đầu từ gia đình đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện KSNDTC, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh CANDVT.

Làm người yêu thuê - bi kịch sau vai diễn

Chuyên đề ANTG đã từng có bài viết về dịch vụ cho thuê người yêu - được cho là chưa từng có ở Việt Nam. Chọn nghề này, nhiều bạn trẻ đã có những suy nghĩ giản đơn rằng chỉ cần ăn mặc đẹp, biết nói nói, cười cười, đi bên cạnh một người đàn ông giàu có - thế là có tiền. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản chỉ có vậy. Chúng tôi đã khám phá những câu chuyện “tréo ngoe” đằng sau nghề nghiệp được cho là nhạy cảm này.

Đại đội Trinh sát: ĐV-TN xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị

(HBĐT) - Đại uý Nguyễn Long Giang, Chính trị viên Đại đội Trinh sát - Bộ CHQS tỉnh cho biết: Đặc thù nhiệm vụ của đơn vị được giao chủ yếu là thường xuyên trực SSCĐ và huấn luyện chuyên ngành trinh sát đặc nhiệm. Do vậy, hoạt động đoàn chủ yếu xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Những năm qua, ĐVTN của Đại đội đã luôn xung kích, tạo điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác dân vận của đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục