Đại tá, Nhà giáo Ưu tú Phạm Văn Các.

Đại tá, Nhà giáo Ưu tú Phạm Văn Các.

Có lần, nghe tin ở vùng quê mà các con sơ tán bị máy bay Mỹ bắn phá, không quản đêm hôm, Đại tá Phạm Văn Các đạp xe về. Thấy các con vẫn bình yên, ông lại đạp xe về cơ quan để sáng mai kịp giờ lên lớp.

Trong lực lượng CAND có một cán bộ lão thành, một nhà giáo sắc sảo về nghiệp vụ và tận tâm với sự nghiệp trồng người. Đó là Đại tá, Nhà giáo Ưu tú Phạm Văn Các, người mà những sinh viên khóa I, Trường Đại học An ninh trước đây và Học viện An ninh ngày nay vẫn quen gọi là "Thầy Phạm Các". Thầy vừa qua đời ở tuổi 92 trong niềm tiếc thương của gia đình, người thân, đồng chí, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò ở Học viện An ninh.

Trong lễ tang thầy Phạm Các được tổ chức tại nhà tang lễ số 5 Trần Nhân Tông (Hà Nội), ngoài các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND, người  trong gia đình, bạn bè thân hữu, đại diện các thế hệ sinh viên, nhà trường, người ta thấy sự hiện diện của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông vẫn đến vĩnh biệt người bạn của mình - Đại tá Phạm Văn Các.

Với chúng tôi là thế hệ hậu sinh, nhưng từ hơn 40 năm về trước, chúng tôi - những sinh viên khóa I, Đại học An ninh ngày ấy đã biết đến thầy Phạm Các. Hồi đó, ông là Trưởng khoa Nghiệp vụ 1. Bài học nghiệp vụ về công tác an ninh đầu tiên mà nhà trường trang bị cho chúng tôi là do thầy Phạm Các truyền đạt. Năm tháng trôi đi cùng những biến cố lịch sử, người còn, người mất, song giờ đây chắc hẳn mỗi người chúng tôi vẫn còn nhớ những bài giảng, những tình huống về nghiệp vụ của công tác Công an do thầy Phạm Các đảm nhận vẫn còn ẩn hiện ở mỗi người chúng tôi.

Cơ sở vật chất của Trường Đại học An ninh ngày ấy đâu có được như bây giờ. Khó khăn, thiếu thốn từ nơi ăn, chốn ở đến các phương tiện phục vụ cho công việc của thầy và trò. Đã vậy, do hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh nên thầy và trò thường xuyên phải đi sơ tán về nhiều địa điểm khác nhau. Đình, chùa, miếu mạo là nơi giảng đường. Ấy vậy mà mỗi lần được nghe thầy Phạm Các giảng bài, tiếp đó là những minh họa bằng các báo cáo chuyên đề về các chuyên án chống gián điệp, biệt kích mà lực lượng CAND đã khám phá trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cuốn hút niềm đam mê của mỗi người chúng tôi. Nhờ những kiến thức nghiệp vụ mà thầy Các và các thầy, cô ở các khoa nghiệp vụ ngày ấy mà sau khi cầm bằng tốt nghiệp trong tay, các sinh viên khóa 1 cũng như nhiều khóa tiếp theo đã trở thành những cán bộ CAND "vừa hồng, vừa chuyên".

Kết thúc khóa học cũng là ngày đại quân ta tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Chúng tôi - những cán bộ Công an vừa rời mái trường Đại học An ninh như những cánh chim đến với mọi miền đất nước tham gia bóc gỡ nhiều tổ chức gián điệp, tình báo, các tổ chức phản động nhằm góp phần giữ bình yên đất nước. Nhiều người đã trưởng thành và giữ những cương vị quan trọng trong lực lượng CAND. Mặc dù vậy, mỗi lần có dịp trở lại Học viện An ninh là mỗi lần mỗi người chúng tôi lại trào dâng những ký ức về hình ảnh các thầy, các cô - người đã tận tình dạy dỗ và chăm sóc chúng tôi như những người con trong gia đình; trong số các thầy cô ấy có thầy Phạm Các.

Như nhiều cán bộ Công an lão thành, thầy Phạm Các tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Hồi đó, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, các tổ chức phản động mọc lên như nấm với dã tâm câu kết với các thế lực nước ngoài nhằm lật đổ Nhà nước công nông non trẻ. Lực lượng Công an vừa thành lập đã phải lao ngay vào cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ các thành quả cách mạng. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Đảng đã lựa chọn nhiều người con ưu tú bổ sung vào lực lượng Công an, trong số đó có thầy Phạm Các.

Sử sách còn ghi rằng, trong điều kiện muôn vàn khó khăn, song những chiến sĩ Công an ngày ấy đã mưu trí, dũng cảm bóc gỡ nhiều tổ chức phản động cũng như chặn đứng nhiều âm mưu thâm độc của kẻ thù. Kháng chiến bùng nổ, theo yêu cầu cấp trên, thầy Phạm Các được điều về làm cán bộ nghiên cứu của Ty Công an Phú Thọ.

Rồi từ đây, theo yêu cầu của cách mạng, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau: Trưởng ban Tư pháp Ty Công an Vĩnh Yên; rồi chuyển tiếp về làm Trưởng văn phòng Ty Công an Vĩnh Phúc. Dường như bất cứ công việc gì ông cũng hoàn thành xuất sắc. Do tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác, khi được Bộ điều chuyển về công tác tại Trường Công an Trung ương, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa rồi Trưởng khoa Nghiệp vụ 1 của nhà trường; ít lâu sau ông được lãnh đạo Bộ bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng rồi Phó Cục trưởng Cục Đào tạo cán bộ (Bộ Công an).

Cũng như thầy Phạm Các, phu nhân của thầy là bà Vũ Phạm Thị Thăng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương là một nhà giáo mẫu mực. Có thể nói cuộc đời bà là một tấm gương về một nhà giáo tận lực, tận tâm với sự nghiệp trồng người. Mấy chục năm đứng trên bục giảng, chồng mải lo công việc, phải nuôi 6 người con ăn học trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề, song bà vẫn tự "trang bị" cho mình tấm bằng đại học và "học thông, viết thạo" 5 thứ tiếng nước ngoài.

Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, bà vẫn tận tâm với nghề. Ngày ngày bà vẫn kiên trì đi vận động, tìm nguồn tài trợ cho các học sinh nghèo vượt khó. Có lẽ tài sản duy nhất mà thầy Phạm Các và bà Vũ Phạm Thị Thăng để lại cho con cháu là sự đức độ, lối sống giản dị, liêm khiết, sự ham học hỏi và tận tụy với công việc.

Noi theo tấm gương của cha mẹ, 6 người con của vợ chồng thầy Phạm Các đều là những người con ngoan, học giỏi. Nhà nghèo, vừa phải đi học, vừa phải đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ, nhưng họ đều là những người con trí hiếu. Cả 6 người con khi trưởng thành đều tốt nghiệp đại học.

Gia đình Đại tá Phạm Văn Các.

Điều đáng nói là trong số 6 người con của vợ chồng thầy Phạm Các thì có 5 người đều là cán bộ Công an. Trừ người chị cả là Phạm Anh Thư, sau khi tốt nghiệp đại học là giáo viên khoa hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, 5 người con còn lại đều tiếp bước con đường mà người cha đã đi. Trong đó, người con thứ 2 là anh Phạm Mạnh Hùng, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp về công tác tại Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 Bộ Công an, người con thứ 3 là chị Phạm Vân Thư, tốt nghiệp Đại học  tại Cộng hòa Dân chủ Đức cũng được ngành tuyển dụng về công tác tại Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 của Bộ. Người con thứ 4 là Phạm Quỳnh Thư, theo gợi ý của người cha, chị đã thi đỗ vào Đại học An ninh. Tốt nghiệp lớp D5, Đại học An ninh, chị về công tác tại Công an Hà Nội. Tiếp đó là Phạm Trọng Dũng, sau khi tốt nghiệp khóa 7, Đại học An ninh, anh được Bộ điều về công tác tại Cục Bảo vệ chính trị 1.

Còn người con trai cuối cùng của vợ chồng thầy Phạm Các là anh Phạm Quốc Tuấn, nguyên là sinh viên D2 Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, nay là Trung tá, cán bộ Đội CSĐT, Công an quận Ba Đình, Hà Nội. Như vậy là trong một gia đình có 8 người thì có 6 người là những cán bộ công tác trong ngành Công an.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Phạm Trọng Dũng, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 1, Bộ Công an đã nói: "Sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cả bố và mẹ đều là nhà giáo, 6 anh em chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều về tính cách cũng như nề nếp gia phong, truyền thống gia đình, đặc biệt là những lời chỉ bảo của người cha. Do vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định thi vào Trường Đại học An ninh, nơi đã rèn rũa cho bao thế hệ các chiến sĩ Công an. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khóa 7, Trường Đại học An ninh, tôi được phân công công tác về Cục Bảo vệ chính trị 1, Tổng cục An ninh. Môi trường công tác đã đưa tôi đến với nhiều địa danh của đất nước, trực tiếp tham gia các chuyên án, bóc gỡ các đường dây nội gián, góp phần bảo vệ sự bình yên của đất nước".

Kể về những kỷ niệm về người cha, Đại tá Phạm Trọng Dũng vẫn còn nhớ vanh vách về những lần mấy anh chị em anh còn sống ở nơi sơ tán. Ngày ấy, theo anh kể, do hoàn cảnh chiến tranh, bố, mẹ anh vì phải lo công việc của cơ quan nên con cái phải đưa về sơ tán tại một vùng quê cách xa Hà Nội. Đường sá xa xôi, vậy mà hầu như tuần nào bố anh - nhà giáo Phạm Các vẫn lóc cóc đạp chiếc xe đạp cà tàng về thăm các con. Mỗi lần nhìn thấy các con trong điều kiện sống kham khổ, thiếu thốn, chịu đói, chịu rét, mà vẫn ham học, ham làm, lòng ông như se lại.

Rồi lại có lần, nghe tin ở vùng quê mà các con sơ tán bị máy bay Mỹ bắn phá, không quản đêm hôm, ông đạp xe về. Thấy các con vẫn bình yên, ông lại đạp xe về cơ quan để sáng mai kịp giờ lên lớp. Mỗi lần như thế, anh em của Dũng lại càng thương bố, mẹ.

Trong điếu văn đồng chí Đại tá Phạm Văn Các, nguyên Phó cục trưởng Cục Đào tạo cán bộ - Bộ Nội vụ; nguyên Phó hiệu trưởng Học viện ANND đã nêu rõ: "Đồng chí Đại tá Phạm Văn Các không còn nữa, một trái tim đầy nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước đã ngừng đập. Đảng mất đi một người đảng viên ưu tú, một người cán bộ suốt đời tận trung với Đảng, lực lượng Công an mất đi một người cán bộ Công an cách mạng liêm khiết, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu và tận tụy với công việc…".

Còn trong sổ tang Đại tá Phạm Văn Các, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã viết: "Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tá Phạm Văn Các, người cán bộ lãnh đạo Công an, Nhà giáo ưu tú, mẫu mực, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và đào tạo nhiều thế hệ cán bộ Công an nhân dân trưởng thành, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vĩnh biệt người thầy, người đồng chí thân thương, chúng tôi nguyện tiếp tục thực hiện sự nghiệp của Đảng và nhân dân mà đồng chí đã cống hiến".

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu thì viết: "Một đôi câu không đủ nói hết nghĩa tình sâu sắc giữa chúng ta. Hôm nay thắp nén hương trên bàn thờ trước linh vị Các (Đại tá Phạm Văn Các), những nén hương cũng đau buồn ấy gợi lên trăm nỗi nhớ thương, bao nhiêu kỷ niệm không bao giờ nhạt phai tình bạn trên 70 năm của chúng ta. Chỉ biết rằng, 92 tuổi của Các là 92 năm sống trong sáng và vinh quang, với một tấm lòng son với Đảng, với dân, với gia đình, với tình yêu và tình bạn. Tôi chia buồn với Vũ Phạm Thị Thăng (phu nhân của Đại tá Phạm Văn Các). Người vợ hiền sống bao năm cùng chiến đấu với chồng, một người bạn thân thiết của tôi. Mong Thăng phát huy bản tính kiên cường làm tròn nhiệm vụ mà Các để lại là tiếp tục vun trồng cho các con, các cháu yêu thương, ngày một phát huy trí tuệ, đạo đức, tài năng, thành đạt trong mọi công tác, xứng đáng với cha mẹ của các cháu.

Một tấm lòng son sắt không bao giờ phai, với Các đã đi xa, với Thăng và các cháu, chắt thân yêu của tôi.

Ba nén hương buồn trăm nỗi nhớ
Chín hai tuổi hạc một lòng son.
Đau thương vĩnh biệt Phạm Các".

Với chúng tôi, lớp thế hệ hậu sinh, mặc dù thầy Phạm Các đã đi xa, song hình ảnh thầy vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi người chúng tôi

                                                                            Theo Báo CAND

Các tin khác

Lương Sơn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để ngăn ngừa và phòng- chống tệ nạn xã hội.
Hùng
Không có hình ảnh
Đồng chí Nguyễn Thanh tại một Hội nghị quốc tế ở Pháp (1996).

Khủng bố điện thoại - thủ phạm là thuê bao "ảo"

Không chỉ đơn vị Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát 113 mà Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 cũng thường xuyên diễn ra tình trạng quấy nhiễu từ các số điện thoại "rác". Có tới 20% xe cấp cứu 115 nhận được tin báo sau khi tới nơi thì đã phải trở về không. Nguyên nhân không có nạn nhân... cần cấp cứu.

Tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động văn hoá

(HBĐT) - Thực hiện Đề án “Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở” giai đoạn 2006-2010, Sở VH-TT&DL đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động. Việc triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Công an tỉnh khám phá 87 vụ án, bắt 138 đối tượng

(HBĐT) - Sáng ngày 17/3, Công an tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I và đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

'Binh chủng em út' xứng với 16 chữ vàng

Những năm 1960, cả hai miền đất nước sống trong không khí hào hùng kháng chiến chống Mỹ.

Nhật Bản nâng mức báo động hạt nhân

Theo đó, mức độ nguy hiểm được tăng từ mức 4 lên mức 5 trên thang cảnh báo từ 1 tới 8.

Tài xế taxi liều mình bắt cướp

Lợi dụng lúc đoạn đường vắng, 2 vị khách ngồi ghế sau chồm lên kẹp cổ rút hung khí khống chế và đâm vào vai trái anh Tiến - lái xe taxi. Trong lúc nguy cấp, anh Tiến liều mình, đạp bung cửa xe lao ra ngoài và tri hô rồi cùng người dân truy đuổi, bắt gọn một trong hai đối tượng nói trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục