(HBĐT) - “Vinh dự và trách nhiệm” - đó là tựa đề bài viết của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bạch Đằng trên Báo Hòa Bình, số đặc biệt chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1991 - hơn 1 tháng sau khi tái lập tỉnh Hòa Bình. Vâng, chính vì niềm vinh dự và tự hào đó mà gần 8.000 thầy, cô giáo sau tái lập tỉnh đã khắc phục muôn vàn khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng Hòa Bình trở thành một điểm sáng về giáo dục của cả nước như ngày hôm nay.
Giáo dục Hòa Bình với mục tiêu “ngói hóa”
Năm 1991, sau khi tái lập tỉnh, Hòa Bình có 420 trường mầm non, tiểu học, PTCS và PTTH với trên 8.000 giáo viên. Toàn ngành có 107 tổ lao động XHCN. Đặc biệt, các trường PTTH đều đã được “ngói hóa” nhưng tỷ lệ này ở cấp PTCS (mới đạt 40%), tức là còn 60% lớp học là nhà tranh tre vách đất.
Nhà giáo ưu tú Trần Mạnh Hòa, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 1991-1993 cho biết: Giai đoạn này, hệ thống giáo dục quốc dân chưa hoàn chỉnh. Kinh tế tỉnh gặp muôn vàn khó khăn; cơ sở vật chất ngành Giáo dục vô cùng thiếu thốn, không có phòng học, nhiều nơi phải học nhờ trụ sở UBND, HTX. Ngoài ra, do đồng lương thấp, đời sống khó khăn, một số giáo viên đã bỏ nghề. Trong khi đó Nhà nước có chủ trương huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường. Thiếu lớp học, thiếu giáo viên, mất cân đối giáo viên giữa các bộ môn, nhà trường phải tổ chức giảng dạy 2 - 3 ca/ ngày. Nhiều giáo viên phải dạy cả những môn không đúng chuyên môn. Đặc biệt, tại các trường vùng khó khăn, không chỉ thiếu thốn về trường lớp, phòng học mà còn thiếu nghiêm trọng sách vở, đồ dùng, trang thiết bị dạy học.
Trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn bủa vây, trên Báo Hòa Bình ngày 20/11/1991, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bạch Đằng - lúc đó là Giám đốc Sở GD &ĐT có bài viết “Vinh dự và trách nhiệm”. Trong đó nhấn mạnh: “Nhiều đồng chí giáo viên đang công tác ở những vùng xa, vùng cao, vùng hẻo lánh chịu nhiều thiếu thốn để ở lại bản làng dạy dỗ đàn em nhỏ. Nhiều gương mặt, nhiều tấm lòng gắn bó với học sinh, gần gũi với nhân dân các dân tộc trong tỉnh được mọi người yêu mến… Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi giáo viên ý thức về vinh dự, trách nhiệm của mình nhưng cũng mong muốn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự săn sóc, thương yêu giúp đỡ của nhân dân các dân tộc để cho thầy và trò yên tâm, phấn khởi, nỗ lực dạy và học”.
Trường DTNT THCS huyện Tân Lạc được đầu tư cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.
Tâm tư của người “thủ lĩnh” ngành Giáo dục cũng là tiếng lòng của hàng nghìn giáo viên, sự mong mỏi của hàng vạn học sinh thể hiện sự quyết tâm, mong muốn xây dựng giáo dục Hòa Bình ngày càng phát triển. Sau tái lập tỉnh, kinh tế tỉnh ta từng bước ổn định và có bước phát triển nhanh chóng, vững chắc. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng, nhân lực và vật lực giành cho ngành Giáo dục cũng từng bước được đầu tư, hoàn thiện.
Giáo dục Hòa Bình - khẳng định vị trí trong khu vực và cả nước
Nhờ sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng như thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay, sau 25 năm tái lập tỉnh, cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh ta đã lớn mạnh và dần hoàn thiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 83% phòng học đã được kiên cố hóa, chỉ còn 17% phòng học tạm. Đặc biệt có gần 40% trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Gần 100% giáo viên của tỉnh đã đạt chuẩn, trong đó có trên 30% vượt chuẩn. Riêng trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật trên 50% giáo viên vượt chuẩn.
Đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD &ĐT khẳng định: “Sau tái lập tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của ngành Giáo dục đã được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Các trường học được xây mới khang trang, trang thiết bị đồ dùng dạy học được đầu tư đầy đủ và đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng thất học, bỏ học bị chặn đứng; chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên. Chất lượng đại trà có nhiều chuyển biến rõ nét; chất lượng mũi nhọn được đầu tư tăng cường đạt kết quả cao”.
Đặc biệt, phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trong ngành cũng lớn mạnh vượt bậc. Trước đây đảng viên là cán bộ, giáo viên trong các nhà trường phải tham gia sinh hoạt ghép do nhà trường không có chi bộ, thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó không phải là đảng viên. Hiện nay, toàn ngành đã có 748 chi, Đảng bộ với gần 11 nghìn đảng viên (chiếm hơn 50% tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành). 100% nhà trường đều thành lập được chi bộ và các hội, đoàn thể; 100% cán bộ quản lý là đảng viên.
Kể từ khi tái lập tỉnh, 25 năm liên tục ngành giáo dục Hòa Bình đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GD &ĐT. 8 năm liên tục ngành được Bộ GD &ĐT tặng cờ đơn vị dẫn đầu tiêu biểu xuất sắc phong trào thi đua yêu nước ngành GD &ĐT.
Một điểm đặc biệt, tuy là tỉnh miền núi, điều kiện KT -XH còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm liên tục Hòa Bình đứng đầu trong các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long về học sinh giỏi quốc gia. Những năm gần đây, tỉnh ta tham gia thi học sinh giỏi quốc gia cùng bảng với các thành phố lớn, vùng có điều kiện thuận lợi và thật phấn khởi khi học sinh trong tỉnh liên tục mang về nhiều kết quả đáng phấn khởi, khẳng định vị thế GD &ĐT tỉnh nhà trong khu vực và cả nước.
Dương Liễu
(HBĐT) - Việc thành lập trường cấp III nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thủy. Tháng 8/1966, trường cấp III Lạc Thủy ra đời. Huyện uỷ, UBND huyện chọn Đồi Hoa, xã Lạc Long làm nơi đặt trường.
(HBĐT) - 50 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, con người, xã hội, từ mái trường THPT huyện Lạc Thủy, nhiều thế hệ học sinh đã lớn lên và trưởng thành vượt bậc, góp sức vào sự nghiệp phát triển KT - XH của địa phương.
(HBĐT) - Được thành lập trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn khốc liệt, đến nay, trường THPT Kim Bôi đã trải qua 50 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển. Dưới mái trường thân thương này, biết bao thế hệ học sinh đã được học tập, rèn luyện để rồi hôm nay, các thế hệ học sinh của trường đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
(HBĐT) - Những năm gần đây, trường THPT Kim Bôi không chỉ được biết đến là ngôi trường với bề dày thành tích giáo dục văn hóa mà còn là điểm sáng toàn tỉnh về công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, bao gồm cả kiến thức văn hóa, văn nghệ, TD-TT, hoạt động ngoại khóa và tình nguyện vì cộng đồng.
(HBĐT) - Nguyễn Anh Tú là học sinh duy nhất của tỉnh Hòa Bình đoạt giải nhất cuộc thi giải toán trên internet toàn quốc năm học 2015 - 2016. Hiện em là học sinh lớp 12A, trường THPT Kim Bôi. Trò chuyện với chúng tôi, Tú chia sẻ: “Em rất mừng khi đoạt giải nhất cuộc thi giải toán trên internet toàn quốc. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự tận tình hướng dẫn ôn luyện của các thầy, cô giáo trong toàn trường. Các thầy, cô đã tìm tòi và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới. Ngoài ra, Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường thường xuyên động viên tinh thần em. Các thầy, cô không quá đặt cao thành tích mà luôn tạo cho em tâm lý thoải mái trong quá trình ôn luyện. Từ đó, em đi thi với tâm lý thoải mái, mang tinh thần quyết tâm chinh phục đỉnh cao. Sau cuộc thi, em vinh dự là 1 trong 3 học sinh lớp 11 xuất sắc nhất miền Bắc được trường Đại học FPT trao học bổng trị giá 280 triệu đồng”. Nguyễn Anh Tú là một trong rất nhiều học sinh đạt thành tích nổi bật trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường THPT Kim Bôi trong thời gian qua.
(HBĐT) - (HBĐT) - Tháng 8/1968, Ty Giáo dục Hòa Bình ra quyết định điều động tôi - Hiệu trưởng trường cấp III Cù Chính Lan – về làm Hiệu trưởng trường cấp III Kim Bôi. Một vấn đề lớn đặt ra lúc này là làm thế nào để nhanh chóng thích nghi với cơ sở mới còn đang thiếu thốn vô cùng và xây dựng nhà trường phát triển?