(HBĐT) - Trong danh sách các thầy, cô giáo được Sở GD&ĐT đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú”, tôi đặc biệt ấn tượng với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà (Hiệu trưởng trường Mầm non Suối Hoa, xã Độc Lập). Trò chuyện với chúng tôi, cô Hà chia sẻ: Năm 2016, tôi được phân công chuyển công tác từ trường Mầm non Sao Mai (xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình) lên trường Mầm non Suối Hoa.


Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Suối Hoa, xã Độc Lập (TP Hoà Bình) đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, xây dựng cảnh quan nhà trường.

Lúc đó, đường lên Độc Lập đang làm, đi lại rất khó khăn, dốc quanh co nguy hiểm. Tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của trường khá cao nên vấn đề huy động xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ gặp không ít khó khăn. Trường có 1 điểm trường chính và có đến 4 điểm trường lẻ có những chi như chi Dối cách trường 10km khiến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, tốn kém.

Nhưng với lòng yêu trẻ, quyết tâm "thay áo” cho ngôi trường vùng cao, cô Hà đã chủ động tham mưu, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, các ban, ngành, Hội, đoàn thể địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua  đồ dùng, trang thiết bị dạy học cho nhà trường. Những năm gần đây, trường đã được đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng. Với mong muốn nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước mỗi trẻ được 7.450 đồng/ngày, cô Hà đã vận động các bậc phụ huynh đóng góp thêm để bữa ăn của các em được nâng lên mức 12.000 đồng/ngày. Đau đáu với nguyện vọng nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, cô Hà đã vận động phụ huynh đóng góp đồ dùng, vật liệu, ngày công… để trồng hoa, cây xanh, làm các mô hình vui chơi, giáo dục trẻ. Trên cương vị người đứng đầu nhà trường, cô Hà luôn quan tâm, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng học hỏi, sáng tạo để nâng cao chất lượng GD, chăm sóc trẻ. Nhờ đó, chất lượng GD, chăm sóc trẻ của nhà trường đã được nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%, trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 36,5%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn dưới 4%, thể thấp còi còn 4,4%. Năm học 2019 – 2020 vừa qua, nhà trường đã vinh dự được đón bằng công nhận đạt chuẩn mức độ 2.

Tạm biệt ngôi trường mầm non, chúng tôi đến thăm trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn), Ngay khi bước chân vào sân trường, giữa khoảng sân sạch sẽ, những khóm hoa đồng tiền, hoa hồng đủ màu sắc đang đua nhau khoe sắc tạo cảm giác rất bình yên, dễ chịu. Xây dựng trường học thân thiện, ngôi trường hạnh phúc chính là ý tưởng đã được cô giáo Đinh Thị Thanh Tươi, Hiệu trưởng nhà trường từng bước hiện thực hóa thành công. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Thanh Tươi chia sẻ: Tôi muốn xây dựng nhà trường trở thành một nơi không chỉ dạy học sinh kiến thức văn hóa mà còn phải dạy học sinh kỹ năng sống, niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, yêu lao động, có ý thức với xã hội… trở thành một công dân tốt. Cá nhân tôi cũng như BGH nhà trường luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các thầy, cô giáo nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2015, trường mới có 2% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ Thạc sỹ thì nay đã có 17% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ Thạc sỹ. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng lên đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Năm 2015, học sinh nhà trường tốt nghiệp lớp 12 chỉ có 27% thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH, năm 2020 nâng lên 42% học sinh thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH; trong đó có nhiều em đoạt thành tích cao…

Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, cô Tươi luôn trăn trở, tìm tòi tổ chức các hoạt động ngoại khóa hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình "Tìm hiểu bản sắc văn hóa Mường”, "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ trường THPT Lạc Sơn”, "Chúng em kể chuyện Bác Hồ” dưới hình thức sân khấu hóa, ngoại khóa "Chăm sóc sức khỏe vị thành niên và phòng chống xâm hại tình dục”, "Trường học không ma túy”… Đặc biệt gần đây cứ sáng thứ 2 đầu tuần, nhà trường duy trì hoạt động ngoại khóa "Chúng em yêu làn điệu dân ca Mường”. Cô hiệu trưởng luôn có mặt, sát sao, kịp thời "truyền lửa” trong tất cả các hoạt động ngoại khóa của các em. 

Sự tâm huyết, chăm chút cho sự nghiệp "trồng người” của cô hiệu trưởng đã nhận được sự yêu mến, kính trọng của các thế hệ học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn. Dịp 20/11 vừa qua, cô Tươi đã vinh dự là 1 trong 2 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh ta được chọn lựa, suy tôn tham dự các sự kiện "Tôn vinh Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2020” do Bộ GD&ĐT tổ chức.


Dương Liễu

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục