Trường mầm non Đỗ Đình Thiện (Lạc Thủy) được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tạo môi trường thuận lợi cho thầy và trò "dạy tốt - học tốt".
Tính đến nay, 8/8 xã của huyện đạt tiêu chí số 14 về GD&ĐT; toàn huyện có 29/38 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 76,3%. Riêng giáo dục mầm non, 100% trường trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn, trong đó 5 trường đạt chuẩn mức độ 2. Mầm non cũng là cấp học có thành tích nổi bật trong bức tranh giáo dục khởi sắc của huyện những năm gần đây. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 99,5% (cao hơn tỷ lệ của toàn tỉnh là 98%); tỷ lệ huy động ra lớp nhà trẻ là 51,8% (của tỉnh là 43,6%). Đáng ghi nhận, cấp giáo dục mầm non của huyện có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, sự tích cực khi triển khai các mô hình đổi mới giáo dục... là những mảng màu tươi sáng của giáo dục mầm non ghép vào bức tranh chung của giáo dục toàn huyện.
Tại cấp TH&THCS, chất lượng giáo dục được thể hiện khá thuyết phục thông qua kết quả khảo sát chất lượng lớp 5 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 khi huyện đứng thứ 2/10 huyện, thành phố. Riêng cấp tiểu học, chất lượng học tập môn Toán, tiếng Việt của học sinh 2 mức độ "hoàn thành” và "hoàn thành tốt” duy trì từ 99,35% trở lên; phẩm chất, năng lực học sinh 2 mức độ "tốt” và "đạt” duy trì từ 99,4% trở lên. Đối với cấp THCS, chất lượng học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 đứng thứ 2/10 huyện, thành phố. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%... Cùng với những kết quả này, huyện không ngừng nỗ lực để củng cố, nâng cao các chỉ số quan trọng khác chi phối chất lượng giáo dục phổ thông cũng như hiệu quả thực hiện đổi mới GD&ĐT, như số học sinh được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ học sinh được học môn tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tỷ lệ giáo viên văn hóa/lớp học...
Đặc biệt, để tạo thêm động lực cho lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, huyện đã triển khai khá hiệu quả việc quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học. Giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện thực hiện sáp nhập các trường TH, THCS thành các trường TH&THCS, giảm từ 46 trường năm học 2016 - 2017 còn 33 trường năm học 2021 - 2022 (giảm 13 trường). Sáp nhập từ 110 điểm trường lẻ năm học 2016 - 2017 còn 77 điểm trường năm học 2021 - 2022 (giảm 33 điểm trường). Quy mô hiện nay sẽ cơ bản được giữ ổn định để thực hiện công tác GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo chỉ đạo định hướng của UBND huyện, thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới hàng năm, phấn đấu nâng mức độ đạt chuẩn đối với các trường kiểm tra công nhận lại, phấn đấu đạt 78,9% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Trong nỗ lực triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GD&ĐT, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện thực hiện nghiêm việc cam kết chất lượng giáo dục giữa phòng với hiệu trưởng các trường; thực hiện nghiêm việc bàn giao chất lượng học sinh giữa các cấp học và giữa các giáo viên với nhau vào cuối năm học. Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua trang thiết bị cho các nhà trường, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng thân thiện, tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới là ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó, phấn đấu giảm sự chênh lệch giữa vùng khó và vùng thuận lợi. Từ đó, tạo thêm động lực để thực hiện thành công lộ trình đổi mới GD&ĐT, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện trong giai đoạn phát triển mới.
Thu Trang