5 năm liền học ĐH đạt điểm trên 9 phẩy với nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế về Tin học, Toán học; 12 năm phổ thông là HS giỏi toàn diện… Đó là những thành tích học tập đáng nể của chàng sinh viên chân ngắn do bị di chứng não tên là Nguyễn Lương An Phú.

 

Thành tích ấy dường như tương phản với chiều cao chỉ nhỉch hơn 1 m, nặng chưa đầy 36 kg của Nguyễn Lương An Phú (sinh 1987, học lớp 05T1, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Vì vậy, dù chưa đầy 3 tháng nữa sẽ là tân kĩ sư nhưng Phú trông không khác nào một cậu học trò cấp 2.

Chàng sinh viên có thành tích học tập đáng nể Nguyễn Lương An Phú.

Chàng tí hon cởi mở, vui tính

Quê An Phú ở xã nghèo Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Gia đình có 3 anh chị em thì mình Phú bị khuyết tật khi mới sinh. “Em bị di chứng não nên thân hình không phát triển. Dù bố mẹ cố gắng chạy chữa nhưng đến đại học, thân hình em vẫn như một cậu bé. Mắt phải của em cũng không nhìn được”, Phú cho biết. Bù lại, An Phú có khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn và nụ cười lạc quan luôn nở.

Tuổi thơ của Phú là những ngày dài chỉ biết làm bạn với sách vở. Phú lủi thủi cắp sách đến trường, rồi cặm cụi về một mình. “Vì thân hình không bình thường nên bạn bè thường chọc ghẹo nên lúc nhỏ em có rất ít bạn”, Phú kể. Nghịch cảnh và sự trêu đùa đó không làm chùn bước chàng trai “chân ngắn”. 9 năm học cấp 1 và 2 em vẫn đều đặn đến trường.

Phú tâm sự: “Đường xóm em bằng đất nên đi lại khó lắm. Để đến trường, em thường đi tắt qua cánh đồng trước mặt. Những hôm trời mưa to, ruộng lúa trước nhà mênh mông nước em vẫn tìm cách đi vòng hơn 5 km để tới trường”. Quãng đường tới trường phải băng qua cánh đồng, những đoạn đường làng khúc khuỷu càng rèn luyện ý chí của chàng trai trẻ có thân hình tý hon.

An Phú bên con đường làng mà lúc nhỏ em phải đi qua hằng ngày để đến trường. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)

Lên cấp 3, Phú học chuyên Toán tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiểm (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Một thân một mình trọ học xa nhà, Phú phải tự lập hoàn toàn, từ nấu nướng đến giặt giũ và đặc biệt là phải phấn đấu học tập thật tốt để có thể theo kịp chương trình cùng những bạn trong trường lớp. Với quyết tâm khẳng định mình, 12 năm học phổ thông, Phú đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, sở hữu hàng chục tấm bằng khen, giấy khen học sinh giỏi các cấp. Trong đó, một số thành tích đáng nể của An Phú có thể kể đến là: giải nhất môn toán cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh và huy chương bạc Cuộc thi Olympic Toán học năm lớp 10; giải nhì cuộc thi giải toán trên máy tính Casio và giải 3 toán cấp tỉnh năm lớp 11; giải nhì cuộc thi giải toán trên máy tính Casio quốc gia và giải khuyến cuộc thi toán cấp tỉnh năm lớp 12.

Nghị lực, ý chí vượt lên nghịch cảnh giúp An Phú gặt hái nhiều thành công trong học tập. Kỳ thi ĐH, Phú đạt 28 điểm, đỗ thủ khoa ngành CNTT, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Tấm gương về ý chí, nghị lực

Ở trường, dù là bậc học nào, Phú vẫn luôn là một trong những học sinh, sinh viên xuất sắc nhất. Tổng kết 9 học kỳ ĐH, Phú đạt điểm 9,2, được xếp loại xuất sắc. Các bạn trong lớp vẫn thường xem Phú là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên.

Vừa học tập, Phú vừa làm thêm để phụ giúp gia đình. Mỗi sáng, Phú cắp sách đều đặn đến trường, chiều lại ngược đường gần 10 km lên quận Hải Châu làm thêm. Ngoài ra, Phú còn thường mày mò tìm tài liệu viết bài gửi các tờ báo chuyên về công nghệ thông tin như Echip, Thế giới @... Các tối thứ 2, 4, 6 lại đến trường để hoàn thành khoá học tiếng Nhật miễn phí. 

Phú dí dỏm khi nói về vóc dáng của mình: “Tết nào em cũng được nhận tiền lì xì… vì thân hình nhỏ bé. Ở giảng đường cũng như ở nơi làm thêm, rất nhiều người bỡ ngỡ vì sự xuất hiện của em”. Từ chỗ trọ đến nơi làm thêm khá xa, nên Tết vừa rồi, Phú dành dụm và xin thêm gia đình một khoản tiền nhỏ để mua chiếc xe máy hiệu Chaly.

Nhận xét về cậu học trò “cưng” của mình, thầy Hồ Phan Hiếu (giảng viên khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: “Phú là trường hợp điển hình của tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi. Không những học giỏi mà em còn là người bạn tốt đối với những sinh viên cùng lớp”.

Thông minh và học giỏi, Phú khao khát được ở lại trường để cống hiến công sức và trí tuệ. “Em sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để trở thành người thật sự có ích cho gia đình và xã hôi, để ba má không phải lo âu nhiều nữa…”, Phú nói.

 

                                                                       Theo DanTri

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục