Lễ tôn vinh Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields 2010, đã diễn ra trọng thể tối 16-11 tại hội trường lớn Khoa Toán Đại học Paris Nam (Paris 11), ở thành phố Orsay, ngoại ô phía nam thủ đô Pari.
Buổi lễ có sự hiện diện của Bộ trưởng Đại học và Nghiên cứu của Pháp, bà Valérie Pécresse; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài; đại diện Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Paris, cùng đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, sinh viên Việt Nam và Pháp đang công tác, học tập tại trường Paris 11.
Phát biểu khai mạc lễ tôn vinh, Chủ tịch Đại học Paris 11, ông Guy Couarraze khẳng định niềm tự hào của khoa Toán và Đại học Paris 11 được đón tiếp người học sinh cũ, người đã đoạt giải thưởng Clay danh giá năm 2007 cùng với Giáo sư Gérard Laumon khi giải quyết hoàn toàn bổ đề cơ bản. Công trình này cũng được tạp chí Time của Mỹ xếp là 7 trong 10 khám phá khoa học nổi bật của thế giới năm 2009.
Theo ông Couarraze, trong con người Ngô Bảo Châu nổi lên hai điều vô cùng quý giá, là 'tuổi trẻ của người học trò đam mê khoa học' và 'sự trung thành với đất nước Việt Nam nơi đã sinh ra anh'. Ông Couarraze cho rằng Ngô Bảo Châu là 'cây cầu nối' quý báu thúc đẩy hợp tác Pháp-Việt trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, được đánh dấu bằng dự án hợp tác giữa trường Đại học Paris 11 với Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội.
Phát biểu tại lễ tôn vinh, Bộ trưởng Đại học và Nghiên cứu Valérie Pécresse khẳng định Ngô Bảo Châu là vị giáo sư của ba nước (Pháp, Việt Nam và Mỹ), đại diện cho ba châu lục (châu Âu, châu Á và châu Mỹ).
Bà Valérie Pécresse nhấn mạnh, Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu giành được là phần thưởng cao quý đối với ngành toán học nói chung, Việt Nam nói riêng, đồng thời đem lại niềm vinh dự cho ngành toán học Pháp, đặc biệt là Đại học Paris 11. Bộ trưởng Valérie Pécresse bày tỏ vui mừng trước quyết định của GS Ngô Bảo Châu trong việc tạo dựng cầu nối nghiên cứu khoa học giữa ba châu lục.
Đề cập đến vinh quang của GS Ngô Bảo Châu, Đại sứ Lê Kinh Tài khẳng định đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của ông, của các thầy giáo, đặc biệt là của Giáo sư Gérard Laumon. Đại sứ Lê Kinh Tài cho rằng giải thưởng Fields là niềm tự hào của ngành giáo dục, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các thầy cô giáo Việt Nam, Pháp và Mỹ đã giúp đỡ, giảng dạy và đồng hành cùng GS Ngô Bảo Châu trong suốt chặng đường học tập, nghiên cứu và rèn luyện của ông.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng với sự giúp đỡ của chính phủ Pháp, của các giáo sư, nhà nghiên cứu Pháp, và đồng nghiệp Việt Nam cùng quyết tâm của GS Ngô Bảo Châu, sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu Việt-Pháp sẽ ngày càng 'đơm hoa kết trái' đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để GS Ngô Bảo Châu có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành toán học nước nhà.
Hiện tại Pháp có khoảng 6.000 sinh viên và gần 700 nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt Nam đang theo học và làm các đề tài nghiên cứu.
GS Ngô Bảo Châu bày tỏ sự xúc động đặc biệt khi được có mặt tại nơi ông đã trải qua những tháng ngày học tập và nghiên cứu toán. GS Ngô Bảo Châu nói rằng, Paris 11 chính là nơi đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời khoa học của ông. Ôn lại kỷ niệm về người thầy đã tận tình giúp anh từ buổi chập chững ban đầu đọc hiểu từng trang tài liệu, GS Ngô Bảo Châu muốn chia sẻ niềm tin rằng nơi đây sẽ tiếp tục gieo mầm cho những thành công lớn về toán học trong tương lai. Khiêm tốn, giản dị, những lời nói tự đáy lòng của GS Ngô Bảo Châu đã được cả hội trường Khoa Toán Đại học Paris 11 tán thưởng trong những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt.
Buổi lễ tôn vinh càng thêm ý nghĩa khi các giáo sư, thầy giáo, những người từng làm việc với GS Ngô Bảo Châu phát biểu cảm nghĩ của họ về một người thân trở về nhà.
Theo ND
( HBĐT) - Trong 2 tháng 10 – 11 vừa qua, Hội Bảo trợ NTT & TMC tỉnh đã trích 40 triệu đồng từ nguồn quỹ hội hỗ trợ 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các em nhỏ là trẻ mồ côi, tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó, học giỏi trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Bà Hà Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Lương Sơn cho biết: Sau Đại hội Hội khuyến học huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2007 - 2012, các hoạt động của Hội đã tiếp tục được củng cố, mở rộng phong phú và đa dạng hơn.
32 tuổi, hiện là giảng viên khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS.TS Từ Diệp Công Thành đã từ chối mọi lời mời của các công ty, các trường đại học nước ngoài để quay về ngôi trường mình đã học tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ đàn em.
Ngày hôm qua, Trường đại học Y Hà Nôi tổ chức Ngày hội trường đầu tiên và kỷ niệm 108 năm Ngày thành lập. Ðây cũng là ngày cách đây 65 năm (năm 1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khai giảng và phát bằng tốt nghiệp đại học của trường
Cơn lũ tràn qua, ngôi nhà của 4 chị em cũng chẳng có gì để cuốn đi. Ngôi nhà của của các em: Trần Thị Thảo, Trần Thị Quyên, Trần Thị Trang, Trần Thị Thương, ngoài thùng rỗng, quần áo rách, chăn màn cũ mèm, mốc meo và vài cái nồi không trong bếp thì không còn thứ gì đáng giá.
30 giáo viên tiêu biểu đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, mỗi người đến với nghề giáo bằng một câu chuyện của số phận nhưng điểm chung là họ đều chấp nhận gắn bó và sống hết mình với nghề. Cô Huỳnh Thị Thanh Xuân (giáo viên Trường THCS Phú Mỹ, quận Bình Thạnh) đã lặng lẽ tìm ra hướng đi mới giúp học sinh hứng thú học văn trong suốt 34 năm qua.