Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010.

Các trường đại học lúng túng trong việc thực hiện miễn, giảm học phí cho sinh viên. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tp.hcm đóng học phí năm học 2010-2011- Ảnh: NHƯ HÙNG

Thế nhưng đến nay do vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này nên các trường đang rất lúng túng...

Trong khi chờ thông tư, ngày 21-9 Bộ GD-ĐT đã có công văn số 5997/BGDĐT-KHTC hướng dẫn các trường thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2010-2011. Nhưng đến ngày 10-11, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp lại “thổi còi” công văn này của Bộ GD-ĐT vì cho rằng trái pháp luật, khiến các trường càng thêm bối rối.

Các trường bối rối...

Theo ông Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nghị định 49 có hiệu lực gần sáu tháng nay nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường không thể triển khai được. Trong đợt tập huấn các trường ĐH, CĐ toàn quốc vào tháng 8-2010 của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã thắc mắc về việc ban hành thông tư này.

“Khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT hứa chậm nhất đầu tháng 9-2010 sẽ có thông tư liên bộ hướng dẫn cụ thể gửi đến các trường. Tuy nhiên, tháng 10-2010, chúng tôi liên hệ các đơn vị chức năng của bộ lại được trả lời vẫn chưa có và thông tư này liên quan nhiều bộ nhưng không cho biết bị tắc ở cơ quan nào” - ông Đức cho biết.

Tương tự, một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn... đều cho biết đang rất lúng túng nên vẫn thực hiện việc miễn, giảm học phí cho các sinh viên thuộc diện miễn, giảm như các năm trước đến khi có thông tư hướng dẫn của liên bộ về việc thực hiện nghị định 49.

Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM đã thực hiện việc thu học phí cả những đối tượng sinh viên thuộc diện miễn, giảm. Theo quy định của trường, nếu chưa đóng học phí sinh viên sẽ không được dự thi học kỳ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó trưởng phòng công tác chính trị - sinh viên nhà trường, lý giải: “Theo nghị định 49, nhà trường sẽ không được cấp bù kinh phí cho các đối tượng sinh viên thuộc diện miễn, giảm từ năm học này nên không thể tiếp tục miễn, giảm cho sinh viên. Với những đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí, trường vẫn thu và đến khi nào có hướng dẫn của các đơn vị chức năng sẽ hoàn trả cho sinh viên phần được miễn, giảm”.

Đầu năm học này, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM ra thông báo tất cả sinh viên học sinh của trường đều phải đóng học phí theo quy định mới. Một số sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí lo sợ bị cấm thi giữa học kỳ đã vay mượn tiền để nộp. Nhưng cũng có không ít sinh viên diện chính sách phản ứng nên trường rút lại thông báo này.

PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn - phó hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận: “Chúng tôi thật sự bối rối trong việc này. Do chưa có thông tư hướng dẫn, trường đã thông báo lại với sinh viên diện chính sách là vẫn chưa phải đóng”. Cũng theo ông Ngoạn, sinh viên diện miễn, giảm vừa qua đã đóng học phí, sau này có hướng dẫn nhà trường sẽ hoàn trả.

Đừng để ảnh hưởng đến việc học

Theo quy định tại khoản 2, điều 7 của nghị định 49, các đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập sẽ được trực tiếp nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí của Nhà nước và thực hiện đóng học phí đầy đủ cho nhà trường.

Hầu hết các trường đều hiểu việc miễn, giảm học phí cho sinh viên được thực hiện tại địa phương, sinh viên nhận tiền tại địa phương và đóng học phí cho nhà trường. Nhưng nghị định lại không hề nêu sinh viên phải về địa phương nhận tiền và chưa có hướng dẫn rõ ai sẽ là người cấp khoản tiền này cho sinh viên, điều này khiến mỗi trường làm mỗi kiểu.

Về đối tượng được miễn học phí, nghị định 49 quy định “sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, đại diện các trường cho rằng nên sớm có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc này. Theo các trường, trước đây các bộ đã ban hành nhiều văn bản xác định các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa... hiện có nhiều thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào cập nhật, tổng hợp lại nên các trường rất khó khăn trong việc thực hiện việc miễn, giảm học phí.

Ông Phạm Trí Thức, trưởng phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Hiện muốn thu học phí cũng khó vì các em thuộc diện miễn, giảm đang khó khăn, họ vẫn chờ hướng dẫn mới có tiền để đóng, sinh viên vẫn chưa được vay vốn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Trước mắt, những sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM thuộc diện chính sách đang khó khăn nhà trường tạm thời không thu học phí đối với trường hợp này. Tuy nhiên, sinh viên phải làm đơn xin nợ học phí và phải cam kết khi có hướng dẫn phải nộp học phí cho trường để trường xem xét giải quyết”.

Ông Nguyễn Anh Đức đề xuất: “Theo tôi, trước mắt, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên để không ảnh hưởng đến việc học tập của họ, bằng việc thực hiện miễn, giảm học phí như mọi năm. Trong lúc chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ không nên tạo ra những xáo trộn quá lớn để sinh viên yên tâm học tập.”

 

                                                                              Theo Báo Tuoitre

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Trường THCS Hùng Tiến(Kim Bôi) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Học sinh vùng lũ với bữa ăn đạm bạc, chỉ có cơm với rau.

22 năm xóa mù cho trẻ nghèo

Thấy dân nghèo khát khao cho con đi học, thầy Võ An quyết định mở lớp học tình thương. Học phí chỉ 1.000 đồng/học sinh/tháng do phụ huynh tự nguyện đóng góp

Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011

Nhiều trường ĐH tiếp tục gửi về Bộ GD-ĐT chỉ tiêu (CT) tuyển sinh dự kiến năm 2011.

“Phao cứu trợ” tuyển sinh vô hiệu

Đầu tháng 11, Bộ GD-ĐT ký văn bản gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập đến ngày 15/11. Tuy nhiên, việc "thả phao cứu trợ" muộn mằn của Bộ không giúp các trường thay đổi được tình thế khủng hoảng thiếu chỉ tiêu.

Trường THPT Công Nghiệp Hòa Bình 40 năm xây dựng và trưởng thành

(HBĐT) - Trường THPT Công Nghiệp Hoà Bình tiền thân là trường Thanh niên vừa học, vừa làm TXHB được thành lập ngày 27/8/1970. Ngay trong những ngày đầu thành lập tuy chỉ có một lớp 10 với 30 học sinh và 8 giáo viên thỉnh giảng, một dãy nhà lớp học đơn sơ, một xưởng trường nhưng thầy và trò nhà trường đã bắt tay vào thực hiện tốt nhiệm vụ: vừa học tập, vừa lao động sản xuất.

Thanh tra Sở GD - ĐT: Góp phần tăng cường nề nếp, kỷ cương giáo dục

(HBĐT) - Chánh Thanh tra Sở GD - ĐT Vũ Trấn Phương cho biết: Trong những năm qua, Thanh tra Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với các phòng chức năng, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những năm qua, Thanh tra Sở đã chú trọng tới công tác CCHC, nâng cao chất lượng công vụ, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót để nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trường THPT Công Nghiệp kỷ niệm 40 năm thành lập trường và đón Huân chương Lao động hạng Nhất

(HBĐT)- Ngày 19/11, trường THPT Công Nghiệp đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập, đón Huân chương Lao động hạng nhất và kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục