Nhiều chủ trương của Nhà nước và các văn bản pháp luật về trường ngoài công lập (NCL) thiếu nhất quán khiến các trường không biết phải hoạt động thế nào cho đúng.
Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Nghị quyết số 05/2005 ngày 18.4.2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao có quy định: các trường NCL có thể hoạt động theo cơ chế lợi nhuận (chia lãi cho những người góp vốn) và phi lợi nhuận, đồng thời “Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận”. Tuy nhiên, Quy chế về ĐH tư thục ban hành năm 2005 chỉ nêu loại hình các trường hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận. Khi nói về cơ cấu của hội đồng quản trị (HĐQT) trong các trường ĐH tư thục, Nghị định của Chính phủ ban hành năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục cũng chỉ bao gồm “những người góp vốn xây dựng trường”. Đến năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Quy chế về ĐH tư thục thay cho quy chế năm 2005, nhưng quy chế này cũng coi trường ĐH NCL như một doanh nghiệp.
Sự phát triển của một trường ĐH dân lập hay tư thục phụ thuộc rất nhiều vào quy chế mà Nhà nước ban hành cho nó. Quy chế phù hợp với quy luật khách quan thì sẽ giúp nó cất cánh, còn không sẽ làm cho nó thui chột đi tới chết dần, chết mòn | |
GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long |
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, cho biết: “Theo quy chế này thì nhà đầu tư sẽ làm chủ trường, còn các nhà khoa học, nhà giáo chỉ là người làm thuê. Quy định về biểu quyết thì theo tỷ lệ vốn. Như vậy, những người có tiền sẽ toàn quyền trong việc điều hành trường”. Đồng thời GS Quân cảnh báo: “Do có những quy định bất cập như vậy nên hiện ở một số trường NCL diễn ra tình trạng các nhà giáo, nhà khoa học không muốn phải làm thuê nên đã bán lại cổ phần của mình để ra đi. Đây là điều rất nguy hiểm vì các trường NCL sẽ biến thành nơi kinh doanh và chạy theo lợi nhận tối đa”.
GS Quân cũng thông tin rằng Quy chế về ĐH tư thục năm 2009 cũng còn nhiều bất cập khác làm hạn chế sự phát triển các trường. Trong các văn bản chỉ đạo và việc thực hiện đều có khoảng cách. Quá trình phát triển lại không được hỗ trợ. Đặc biệt trong một số trường hợp cụ thể thì cơ quan quản lý còn vi phạm với chính quy định do mình soạn thảo. Ví dụ: chủ tịch HĐQT của trường ĐH NCL là do HĐQT bầu và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra quyết định công nhận. Thế nhưng có lúc Bộ GD-ĐT tự chỉ định người làm chủ tịch HĐQT cho trường NCL.
Khổ với quy định liên tục thay đổi
Do có nhiều quy định không phù hợp nên khi áp dụng, các trường NCL đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Trường ĐH Thăng Long, trường NCL đầu tiên của cả nước, đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm và không ít khốn đốn với những quy định bất cập. GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long, tâm sự: “Từ khi ra đời, trường đã phải trải qua nhiều quy chế. Lúc đầu là quy chế dân lập tạm thời, sau đó là quy chế trường dân lập, tiếp theo là quy chế ĐH tư thục ban hành năm 2005 và năm 2009. Điều đáng nói là trường khốn khổ vì quy chế thay đổi liên tục nhưng lại không phù hợp. Ví dụ: quy chế dân lập yêu cầu nhà trường phải có hội bảo trợ, vì vậy những trường chưa có thì phải đi tìm một tổ chức nào đó tham gia vào HĐQT. Mặc dù tổ chức này chẳng có vai trò gì nhưng cũng nghiễm nhiên được hưởng quyền lợi. Đến khi chuyển sang quy chế ĐH tư thục thì không cần hội bảo trợ nữa nhưng ở nhiều trường, tổ chức này đòi hỏi phải có cổ phần ở trường thì mới chịu ra. Vì vậy, những trường NCL đã khó khăn còn bị “cấu véo” đủ đường!”.
Không chỉ có vậy, các quy chế về ĐH tư thục cho đến nay vẫn chỉ dành cho các trường hoạt động vì lợi nhuận mà chưa có quy định cho loại hình trường hoạt động phi lợi nhuận, trong khi ĐH Thăng Long triển khai theo mô hình này. Vì vậy, trường vẫn phải hoạt động theo giấy “khai sinh” mà trường đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31.12.2007 (trường phi lợi nhuận) nhưng đi “ngoài lề” với quy chế hiện hành.
Cùng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT, nói: “Các quy định, chính sách của Bộ từ trước tới nay chủ yếu là để áp dụng cho việc quản lý các trường công. Sự ra đời của các trường tư thục với những đặc thù khác biệt hẳn nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đã gây ra nhiều rắc rối, vướng mắc. Ví dụ: Quy chế chi tiêu của các trường ĐH hiện nay là áp dụng cho trường công lập vì các trường này được Nhà nước đầu tư kinh phí nhưng cũng đem áp dụng cho trường ĐH tư - vốn là những trường tự bỏ kinh phí đầu tư và phải hoạt động theo luật doanh nghiệp. Điều đó khiến việc thực hiện rất khó khăn, quản lý chồng chéo...”.
Còn GS Hoàng Xuân Sính trăn trở: “Ngoài những nỗ lực tự vận động của mỗi trường, sự phát triển của một trường ĐH dân lập hay tư thục phụ thuộc rất nhiều vào quy chế mà Nhà nước ban hành cho nó. Quy chế phù hợp với quy luật khách quan thì sẽ giúp nó cất cánh, còn không sẽ làm cho nó thui chột đi tới chết dần, chết mòn”.
Theo Báo Thanhnien
Gần Tết, như là một cái lệ, phụ huynh nào dù giàu, dù nghèo cũng chuẩn bị phong bao "chúc Tết" giáo viên dạy con mình từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Ở thành phố lớn, mỗi giáo viên bậc mầm non, tiểu học nhận quà biếu từ phụ huynh có thể lên tới vài chục triệu cho một cái Tết là chuyện thường.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đang cận kề, học sinh lớp 12 ở các trường trung học phổ thông (THPT) đang đứng trước nhiều lựa chọn cũng như băn khoăn với nhiều câu hỏi nên chọn học ngành nghề nào, trường đại học nào phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình.
Giáo sư Ahn Kyong Hwan, ĐH Chosun, Hàn Quốc là một trong 5 người nước ngoài vinh dự được Nhà nước ta mời với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vì những đóng góp lớn lao với Việt Nam.
Một giáo viên đang nằm trong biên chế của trường huyện, bỗng dưng xin chuyển vào dạy hợp đồng cho một trường khác ở TP.Đồng Hới, rồi chỉ một thời gian ngắn lại nghiễm nhiên trở lại biên chế viên chức ở một trường tiếng tăm nhất nhì tỉnh, như chưa hề rời biên chế nhà nước.
Rất nhiều lỗi về nội dung kiến thức lẫn kỹ thuật biên soạn được phát hiện trong “Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn cấp THCS” của Bộ GD-ĐT.