Các chính sách hỗ trợ bậc học mầm non đang được Chính phủ, Bộ GD-ĐT liên tục triển khai trong thời gian gần đây, cho thấy sự quan tâm của ngành với bậc học này. Tuy nhiên, với chính sách thuế mà quận 12 đang triển khai với các trường mầm non ngoài công lập lại là một việc làm hết sức khó hiểu. Nó không chỉ khiến các trường than trời mà còn gián tiếp kìm hãm công tác phổ cập giáo dục mầm non của địa phương.

 

Bữa ăn của trẻ phải gánh chịu thêm thuế là điều rất bất hợp lý.

Làm khó các trường

Theo phản ánh của các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận 12, mức thuế mà Chi cục Thuế quận 12 đang triển khai thu hiện nay (25%) chẳng khác gì mức thuế đã từng gây nhiều bức xúc cho các trường như hồi năm 2008. Cụ thể, theo Chi cục Thuế quận 12, bài toán thuế được tính: tổng thu nhân 28% ra tỷ lệ thu nhập chịu thuế, trừ cho thu nhập bản thân và miễn trừ gia cảnh, sẽ ra tỷ lệ thu nhập cá nhân chịu thuế nhân lũy tiến theo khung, sẽ ra số tiền thuế phải đóng. Ví dụ, một cơ sở giáo dục nuôi giữ 350 cháu, với mức thu 750.000 đồng/cháu thì cách thu là: tổng thu 262.500.000 x 28% (tỷ lệ thu nhập chịu thuế) = 73.500.000. Lấy 73.500.000 – thu nhập cá nhân và miễn trừ gia cảnh (chủ trường và 2 con = 7.200.000) sẽ ra số tiền chịu thuế thu nhập cá nhân là 66.300.000 x 32% (lũy tiến theo khung) = 21.216.000 đồng. Với 350 trẻ, số tiền thuế phải đóng hàng tháng lên tới 21.216.000 đồng, thật sự là một con số quá khủng khiếp với các trường.

Sự bức xúc của các trường ngoài việc phải đóng thuế quá cao, còn vì chính sách không cho hoàn thuế bằng các hóa đơn, chứng từ chi hợp lệ như trước. Bởi hình thức thu thuế 28% trước kia đã bị thay thế bằng cách gói gọn một cục 28% trên tổng thu. Mà hình thức thu kiểu gói gọn trên, theo nhiều trường đã và đang gián tiếp thu thuế trên tiền ăn của trẻ.

Vì sự phi lý trên mà mới đây, bà Nguyễn Kim Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 12, đã có báo cáo nhanh gửi Phòng Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM ngày 8-12-2010 kiến nghị Cục Thuế TPHCM xem xét lại chính sách thuế cho các cơ sở ngoài công lập. “Tiền ăn của trẻ phải được dành trọn cho các cháu, để đảm bảo sức khỏe, không được phép sử dụng vào mục đích khác” - bà Phượng kiến nghị.

Bức xúc trước sự phi lý của chính sách thuế trên, không ít hiệu trưởng các trường mầm non ngoài công lập tại quận 12 đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm với chúng tôi khi cho rằng: Cách thu thuế như kiểu Chi cục Thuế quận 12 đang làm chẳng khác nào việc đưa ra cái thòng lọng để “siết cổ” các trường. Mà trong thực tế, không ít trường đã phải đóng cửa vì không thể kham nổi mức thuế trên.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ nhóm trẻ gia đình Tuổi Ngọc 2, quận 12 vừa phải đóng cửa 3 tháng trước, nói: “Cơ sở của tôi chỉ nuôi giữ 40 cháu, vậy mà hàng tháng phải đóng 1.360.000 đồng tiền thuế trong khi chúng tôi chỉ thu 600.000 đồng/cháu/tháng cho tất cả các khoản học phí, ăn, phục vụ bán trú, vệ sinh… thử hỏi làm sao chịu nổi?”.

Giống doanh nghiệp kinh doanh ăn uống?

>> Ông Nguyễn Minh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 12, cho biết: Chính sách thuế mà chúng tôi đang thực hiện chỉ là thu thuế thu nhập cá nhân của người chủ trường, chứ không thu tiền ăn của trẻ. Việc thu này được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Cục Thuế TPHCM và Quyết định 16334 về tỷ lệ ấn định phần trăm chịu thuế trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Còn việc các trường cho rằng chúng tôi thu thuế trên tiền ăn của trẻ thì cứ gửi đơn lên Cục Thuế TP kiến nghị.

Đây là một vấn đề gây khá nhiều bức xúc cho các trường mầm non ngoài công lập ở quận 12 khi bị áp khung thuế, tỷ lệ phần trăm ấn định chịu thuế trên doanh thu theo Quyết định 16334. Không bức xúc sao được khi theo phân tích của nhiều trường, cơ sở giáo dục của họ không phải là nơi kinh doanh, mua bán trẻ. Họ cũng không làm ra được các dịch vụ đi kèm như ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn nên không thể xem họ là một đơn vị DN được. “Nhà hàng, dịch vụ kinh doanh ăn uống còn có hóa đơn chứng từ, các biểu giá để xuất còn chúng tôi lại không được hưởng bất cứ một ưu đãi nào. Tiền lương của giáo viên, tiền đóng BHXH theo quy định, các khoản chi linh tinh cho trẻ… đều không được quyết toán là một sự bất hợp lý. Chúng tôi thu tiền trẻ dựa trên sự thỏa thuận với phụ huynh, vì mục đích phục vụ và chăm sóc trẻ. Đánh thuế chúng tôi như vậy chẳng khác nào gián tiếp cắt đi khẩu phần ăn của các cháu” - bà Hồ Việt Hiệp, chủ Trường Mầm non Hoa Mai 2, bức xúc.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên chính là hiện nay chỉ có quận 12 tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân đối với các đơn vị trường học, còn các quận, huyện khác gần như không có động tĩnh gì.

Rõ ràng, việc đánh đồng trường mầm non ngoài công lập với DN kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ăn uống chính là điều khiến nhiều chủ trường bức xúc nhất. Bà Đoàn Thị Thơm, chủ Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, nói: “Tôi không hiểu tại sao lại xếp trường học như loại hình kinh doanh ăn uống. Trường tôi chỉ có 360 trẻ nhưng tiền thuế hàng tháng phải đóng là hơn 12 triệu đồng”.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Tuyên truyền hỗ trợ thuế, Cục Thuế TPHCM, cho biết: Việc thu thuế thu nhập cá nhân mà quận 12 đang thực hiện là áp dụng theo Nghị định 73 và Quyết định 16334 về tỷ lệ phần trăm ấn định chịu thuế trên doanh thu là hoàn toàn đúng luật, không có gì sai sót. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động tự phát, không có sổ sách kế toán chứng từ theo quy định sẽ áp mức thuế suất 28%... Chủ trường là một chủ thể DN nên phải chịu mức thuế theo quy định của Cục Thuế TPHCM (?!)

 

                                                                                     Theo SGGP

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Giáo sư Việt kiều trả ơn quê hương

Sau gần 30 năm định cư tại Mỹ, nay giáo sư Trương Nguyện Thành dành phân nửa thời gian làm việc tại quê hương, tiếp tục gieo hạt giống mới phát triển khoa học công nghệ nước nhà khi trở về giữ chức viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tính toán TPHCM.

Lắp camera ở trường mầm non sẽ quản lý tốt hơn?

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ thí điểm lắp camera ở trường để tăng cường công tác quản lý hoạt động của giáo viên và trẻ mầm non. Trước thông tin này, nhiều giáo viên hoang mang. Thậm chí ban giám hiệu các trường mầm non và các bậc phụ huynh cũng không mấy mặn mà trước giải pháp mà sở đề xuất.

Lại có hệ B trong trường công!

Việc mở hệ B trong trường công không chỉ trái với Luật Giáo dục mà còn không phù hợp với thực tế tuyển sinh trong một “gia đình lớn” là nền giáo dục Việt Nam

Cha ngỡ ngàng nghe con lớp 1 kể chạy chức

Để có được chức tổ phó, một cô bé lớp 1 đã bỏ ra 2.000 đồng để mua lại của cậu bé. Còn cậu bé thì ngây ngô nhận và sẵn sàng nhường lại chức đó của cô bạn cùng lớp.

Kỳ Sơn xây dựng trường học thân thiện

(HBĐT) - “Xây dựng trường học thân thiện là tạo môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng và thân thiện. Ngôi trường vừa là nơi trang bị cho học sinh những kiến thức văn hóa, vừa là nơi cuốn hút các em vào những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh để tạo hứng thú trong học tập, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, tìm hiểu kiến thức và tham gia các hoạt động xã hội.

Tuổi trẻ huyện Kim Bôi: Quyên góp 40 triệu đồng tặng học sinh nghèo miền Trung đón Tết

(HBĐT) - Hưởng ứng Chiến dịch mùa đông tình nguyện với chủ đề “Hướng về thiếu nhi nghèo”, Đoàn Thanh niên huyện Kim Bôi đã vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi trong huyện quyên góp được trên 40 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục