Cậu học trò Trần Ngọc Huy của lớp 12A5 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được bạn bè biết đến như “cây” đa năng thứ thiệt. Mê học Hóa, vào đội tuyển học sinh giỏi Sinh học, thi “ké” nhưng lại giật giải môn Địa lý. Không chỉ là học sinh giỏi toàn diện 11 năm liền, cậu còn liên tục “bắn tỉa” nhiều giải thưởng về nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa học.
Ba mẹ chỉ học hết lớp 12 và chỉ là dân buôn bán bình thường ở ngôi chợ ngoại thành Thủ Đức nên ít ai ngờ “kẻ ngoại đạo” Trần Ngọc Huy lại sớm bộc lộ năng khiếu thông minh, học giỏi và nghiên cứu khoa học. Từ những năm học cấp 2, cậu bé Huy “sưu tập” không ít giải thưởng học sinh giỏi cấp quận. Năm lớp 9, Huy giành cùng lúc giải nhất học sinh giỏi môn Hóa và giải nhì môn Địa cấp TP. Rồi 3 năm liên tiếp giành huy chương vàng cuộc thi Hóa của Hoàng gia Úc…
Nhưng bí quyết giúp cậu học trò cận thị này học siêu lại nhờ… lười học và mê chơi: “Do em lười và ghét mấy môn học bài nên đành dành thời gian học các môn tự nhiên. Học những môn như Hóa, Lý có thể chơi mà học, làm thí nghiệm cũng là cách giải trí hiệu quả nên những lúc có hứng “chơi” bao nhiêu cũng không thấy đủ. Nhiều lúc thấy em cứ thử nghiệm cái này, làm thiết bị kia đến 1-2 giờ sáng, mẹ la hoài”.
Cũng xuất phát từ trò chơi tập làm bác sĩ khám bệnh thuở nhỏ, không biết từ lúc nào đã khiến Huy mê trở thành bác sĩ thật. Cậu nhóc ham vui bắt đầu lập kế hoạch học thật giỏi những môn thuộc ban B để thi làm bác sĩ. Thi đậu cấp 2 vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng Huy không nhập học vì ba mẹ không thể đưa rước mỗi ngày từ Thủ Đức đến trường. Lên cấp 3, Huy quyết tâm đỗ vào lớp chuyên Hóa của ngôi trường hụt một lần nữa và bắt đầu chuỗi ngày tự đi học bằng xe buýt để thực hiện giấc mơ khoác blouse trắng.
Trần Ngọc Huy biểu diễn thí nghiệm lửa đa sắc tại Hội trại truyền thống của trường. |
Vào trường chuyên, Huy có thêm điều kiện tiếp xúc với nhiều thí nghiệm, phản ứng hóa học và nhen nhóm niềm đam mê với… chai lọ. “Ngày hai bận đến trường bằng xe buýt, thời gian ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ chẳng biết làm gì nên em nghĩ linh tinh: Ăn bưởi xong thì vỏ bưởi ngoài nấu chè ra còn làm được gì ta? Vỏ xốp, có chứa tinh dầu chắc có khả năng lọc được chất lỏng nào đó…”. Từ suy nghĩ lan man trên những chuyến xe xuôi ngược, cậu nhóc bén duyên khoa học từ năm học lớp 10. Huy đề nghị mẹ mua thật nhiều bưởi về ăn để lấy vỏ, tạo một hỗn hợp nước và dầu rồi “bắt” vỏ bưởi phải lọc tách hỗn hợp. Lúc đầu bố mẹ cứ thắc mắc không biết em làm gì với mớ vỏ bưởi.
Nhiều lần thí nghiệm thấy vỏ bưởi có chức năng lọc được dầu, Huy liền nói với cô giáo dạy Hóa. “Đây là đề tài hay. Ít ai nghĩ lấy vỏ bưởi để lọc lầu và hầu như rất ít tài liệu đề cập đến tính năng này của vỏ bưởi. Sau khi giúp Huy kiểm chứng lại thí nghiệm thấy khả thi, tôi khuyến khích em viết bài gửi ra Hà Nội tham dự cuộc thi cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi thời hạn chỉ còn 1 tuần. Không ngờ đề tài của Huy đoạt giải khuyến khích”, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, cho biết. Cũng với đề tài có tính ứng dụng cao, Huy giành thêm giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ cấp TPHCM, giải nhì cuộc thi Nhà khoa học trẻ cấp trường…
Huy bắt đầu xin mẹ mua sắt gỉ hay phá hỏng đèn pin làm thí nghiệm. “Thấy con ham học nên gia đình cũng khuyến khích. Với lại, những thí nghiệm của Huy thường bắt nguồn từ những vật dụng gần gũi, dễ tìm nguyên liệu như vỏ bưởi, bã trà… nên khi nó đòi mua sắt thép gỉ là bố nó lại đi tìm một mớ về cho con làm thí nghiệm”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, mẹ Huy cho biết.
Có lần học được lý thuyết trên lớp, về nhà Huy len lén lấy thử sắt gỉ trộn với bã trà để tạo ra hỗn hợp thuốc nhuộm. Thí nghiệm không thành nhưng Huy không nản chí, bắt đầu nảy ra ý tưởng làm nên cây bút đa năng, tích hợp đèn pin, bút bi, bật lửa… Nghĩ là làm, Huy thức suốt đêm cặm cụi vẽ corel thiết kế các bộ phận của bút, rủ bạn lân la tìm các địa chỉ để mua được các dụng cụ phù hợp về lắp ráp, rồi chạy đi tìm các xưởng cơ khí làm giúp bộ khung cho cây bút đa năng. Mất gần tháng trời, mô hình cây bút đa năng của Huy hoàn thiện và giành luôn giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ cấp TP. Rồi từ muối kim loại khác nhau, Huy nghĩ ra trò chơi từ bài học là tạo ra những ngọn lửa đa sắc từ phản ứng hóa học…
Tuy đam mê những thí nghiệm nằm ngoài giáo trình nhưng Trần Ngọc Huy vẫn đảm bảo nhiệm vụ học đều các môn, tham gia hoạt động văn nghệ và vừa tham gia một chuyến giao lưu ở Nhật. Mặc dù có rất nhiều thành tích nhưng trong nhà, tuyệt đối không có một bằng khen nào của Huy được treo. Như cậu nhóc tâm sự, nếu lúc nào cũng ngủ quên trên chiến thắng, sợ là mình sẽ ỷ lại, không còn động lực phấn đấu và gây áp lực cho cậu em vừa đậu vào Trường Trần Đại Nghĩa.
Theo SGGP
Thành thạo 5 ngôn ngữ như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Việt, nữ sinh Vũ Kim Hoàn được tờ Der Spiegel của Đức lấy làm ví dụ về những học sinh gốc Việt học vượt trội các bạn cùng lứa người bản địa.
Một lần đang trao đổi về công việc, tôi có đề xuất một ý kiến hơi "vĩ mô", anh Châu không phủ quyết đề xuất này của tôi mà chỉ góp ý nhẹ nhàng: "Mình chỉ nên làm thật tốt việc mà mình có thể làm được, mình không thể làm thay xã hội".
(HBĐT)- Sau 20 năm tái lập, sự nghiệp giáo dục tỉnh ta đã có những bước phát triển đáng mừng. Thành tựu đó là sự cộng hưởng của truyền thống 65 năm giáo dục cách mạng; là nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Có một câu chuyện liên quan đến việc trở về quê hương Việt Nam cống hiến của hơn 400 nhà khoa học trên thế giới.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống toán học, từng đoạt giải ba Toán Quốc tế năm 1975, TS Nguyễn Long lại có niềm say mê lớn nhất là tin học. Nhân dịp xuân mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam về lĩnh vực này…
Học kì đầu tiên, Lại Thị Hoài Linh, du học sinh tại Offenburg (Đức) phải thi 10 môn. Ngày 30 Tết và mùng theo lịch Việt đều có lịch thi.