ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã gây xôn xao dư luận khi công bố sẽ thí điểm xét tuyển thẳng học sinh của trường PT năng khiếu trực thuộc ngay trong năm 2011. Điều này có nghĩa các đối tượng được tuyển thẳng không cần tham gia kỳ thi "3 chung" do Bộ GD-ĐT tổ chức
Cách làm này hứa hẹn là bước đột phá thúc đẩy các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mạnh dạn thực hiện chủ trương đổi mới tuyển sinh. Nhưng cũng còn đó những lo ngại.
Có lợi cho thí sinh
Mặc dù chính sách ưu tiên nói trên nằm ngoài quy định về ưu tiên tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT, song lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào cơ sở pháp lý hiện hành, nhà trường hoàn toàn có đủ thẩm quyền trong việc quyết định hình thức tuyển sinh... Trước khi đưa hình thức này vào thí điểm, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát kết quả học tập, các kỳ thi học sinh giỏi, kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh năng khiếu trường mình trong nhiều năm liền.
Theo quy định của trường, việc xét tuyển dựa trên nguyên tắc áp dụng duy nhất một lần vào đúng các khối ngành học phù hợp với chuyên ban của học sinh. Học sinh không sử dụng quyền ưu tiên này vẫn có quyền dự thi vào các trường ĐH khác và được hưởng quyền ưu tiên xét tuyển theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Để bảo đảm chất lượng đầu vào của học sinh trường PT năng khiếu được tuyển thẳng, nhà trường có đưa ra điều kiện: Trong 3 năm học THPT, các em phải có hạnh kiểm tốt và đạt danh hiệu học sinh giỏi, hoặc là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic quốc tế và có kết quả thi tốt nghiệp loại khá trở lên.
Lý do chính của việc tuyển thẳng là nhà trường muốn tạo động lực cho học sinh năng khiếu có cơ hội phát triển tốt nhất chuyên môn của mình mà không phải lo lắng về kỳ thi tuyển sinh chung. Các chuyên gia tuyển sinh của trường hy vọng chính sách này sẽ phần nào giúp nhiều ngành, đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản, thu hút được học sinh giỏi.
ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là trường đầu tiên "dám" thực thi chính sách này sau nhiều năm ấp ủ. Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn chưa thực hiện dù cũng có thẩm quyền tương đương. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) Bùi Duy Cam cho biết nhà trường đã từng đề ra phương án tuyển thẳng, không chỉ với học sinh trường PT năng khiếu mà còn xét tuyển thẳng cả học sinh giỏi quốc gia, học sinh được chọn vào vòng 2 thi Olympic quốc tế.
Có hút được học sinh giỏi?
Trực thuộc Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có khối THPT mạnh, nơi sản sinh nhiều thủ khoa trong các mùa tuyển sinh. Hiệu phó, TS Nguyễn Thị Tĩnh của nhà trường cũng khẳng định việc tuyển thẳng với các học sinh năng khiếu, học sinh chuyên là rất xứng đáng, cách làm nói trên có thể tạo thêm cơ hội cho các học sinh giỏi. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Tĩnh lo rằng, khó đạt được mục tiêu thu hút thí sinh giỏi bằng chính sách này, bởi phần lớn các em học khối chuyên, năng khiếu đều đi du học nước ngoài. Số còn lại thường lựa chọn các trường học, ngành học hấp dẫn khác như Ngoại thương, Y, Kinh tế...
Số liệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH của khối THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2011 đã minh chứng cho ý kiến của TS Nguyễn Thị Tĩnh: Ngoài những học sinh đi du học, số hồ sơ thi vào Trường ĐH Ngoại thương là 148, Kinh tế quốc dân có 140 hồ sơ, Y Hà Nội nhận 99 hồ sơ, ĐH Khoa học tự nhiên là 58 hồ sơ, Bách khoa Hà Nội 46 hồ sơ. Chỉ có 29 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, để giữ chân được học sinh, các trường phải thay đổi mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo một trường chuyên bày tỏ lo ngại: Chủ trương nói trên có thể tạo áp lực đầu vào cho trường THPT Năng khiếu của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, bởi học sinh vào được trường là phần nào có thể yên tâm về "đầu ra". Liệu điều đó có tạo làn sóng đổ xô vào các trường chuyên, trường năng khiếu trong thời gian sắp tới, khi ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng tuyển thẳng sang học sinh ngoài trường, hoặc khi các trường khác cũng áp dụng cách làm tương tự? TS Nguyễn Thị Tĩnh cho rằng, mỗi chính sách ưu tiên đều có điểm hay, điểm hạn chế nhất định. Hiện tại, việc tuyển thẳng học sinh khối chuyên chưa thực sự là mối lo vì nói chung các em đều giỏi, thi là đỗ.
Vẫn phải là đổi mới cơ bản
Xét tuyển thẳng học sinh chuyên có thể là hướng đi phù hợp cho một số cơ sở đào tạo và phần nào khắc phục những điểm còn hạn chế của cách tuyển sinh hiện nay. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó Trường ĐH Y Hà Nội, nơi hút rất nhiều học sinh chuyên và năng khiếu, khẳng định: hướng đi của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là hợp lý, là điều mà đa số các trường ĐH trên thế giới thực hiện. Với trường mang tính đặc thù như trường y, ở nhiều nước, học sinh cũng được xét tuyển và thường phải đạt kết quả học tập cao gần như tuyệt đối mới được nhận vào. Sau đó, người học còn được sàng lọc qua mỗi năm, nếu không đạt thì bị loại. Ngoài ra, học sinh còn có thể phải trải qua sát hạch các kỹ năng gắn với đặc trưng của ngành. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Tú, dùng chính sách này để "giữ chân" học sinh giỏi là rất khó khăn nếu như trường không có các ngành học hấp dẫn.
Trăn trở về phương án tuyển sinh, TS Nguyễn Thị Tĩnh chia sẻ, "điều quan trọng nhất là chúng ta phải nỗ lực để có được kỳ thi "2 trong 1" chất lượng cao, để kỳ thi tốt nghiệp phản ánh chính xác thực lực của học sinh. Trên cơ sở đó, việc xét tuyển có thể áp dụng một cách rộng rãi mà vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào". TS Nguyễn Hữu Tú cũng đồng tình với quan điểm này: Cách sàng lọc tốt nhất là dựa vào kết quả học tập phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với điều kiện bảo đảm được sự nghiêm túc, chính xác.
Theo HNM
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố tỷ lệ "chọi" trung bình toàn trường trong kỳ tuyển sinh năm 2011 là 5,34. Hiện đã có 29.370 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy của toàn trường là 5.500 chỉ tiêu.
Bộ GD-ĐT vừa cho biết đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT bổ sung hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
(HBĐT) - Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định số 366/QĐ -UBND công nhận thêm 04 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Đó là các trường: THCS Đông Phong (Cao Phong), THCS Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), Xuất Hóa (Lạc Sơn) và THCS thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy).
(HBĐT) - Trường mầm non xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) đã được khởi công xây dựng mới trên diện tích hơn 7.000 m2 thuộc thôn 2A, xã Cố Nghĩa, cạnh khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 14 tỷ đồng thuộc vốn ngân sách Nhà nước và vốn từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Quy mô trường bao gồm: nhà lớp học 2 tầng, nhà hiệu bộ 2 tầng, sân chơi, vườn cổ tích và nhà bếp 1 chiều liên hoàn từ sơ chế, chế biến cho đến thành phẩm…
Việc các trường ĐH được phép đào tạo cả bậc trung cấp với số lượng lớn đã góp phần khiến các trường TCCN khó tuyển sinh.
Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ có hiệu lực vào ngày 12-6 tới quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường phổ thông, trong đó có quy định “trường học phải dành 40-50% diện tích làm sân chơi, sân tập cho học sinh”.