Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn sinh ngày 10-3-1918, đã ra đi vào ngày 3-2-2012. Với hơn 70 năm gắn bó với ngành sư phạm, ông không chỉ là một người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam, mà còn là một tác giả nghiên cứu văn học có uy tín.
Ðối với chúng tôi và nhiều thế hệ người học, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS NGND) Lê Trí Viễn là một bậc sư biểu "kính nhi cận chi" - vô hạn kính trọng và vô cùng gần gũi. Chúng tôi "kính nhi cận chi" trước con đường tự học của ông, từ một học sinh nghèo trở thành một giáo sư đầu ngành, một nhà khoa học uyên bác đông - tây, kim - cổ. Ông sinh trong một gia đình bần nho tại thôn Bào Ðông, xã Ðiện Hồng (Ðiện Bàn, Quảng Nam). Thuở nhỏ, ông học tại nhà, sau đi học ở trường và học hết cao đẳng tiểu học; năm 21 tuổi là giáo viên Trường tiểu học Bảo An tại quê nhà. Vừa dạy, vừa tự học, ông lần lượt đỗ Tú tài 1 tại Quảng Nam, rồi thủ khoa kỳ thi Tú tài 2 ngành triết học năm 1945 tại Huế. Vừa dạy vừa tự học, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đã có tiếng tăm về học vấn, nên sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giảng dạy tại Trường Quốc học Huế. Bên cạnh học vấn tự học từ sách vở, từ trường đời, ở Lê Trí Viễn đã xuất lộ thi tài với một số bài thơ mang phong cách riêng: Vườn khuya (1940), Tới đây (1942), Bào Nghi Châu (1943)... Tuy nhiên, duyên mệnh của thầy vẫn là nghiệp văn gắn liền với nghề giáo.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947, Trường Quốc học Huế chuyển ra Hà Tĩnh, đổi tên là Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Ông là giáo viên của trường chuyên khoa lớn nhất nước lúc bấy giờ. Từ ngôi trường này, sau này đất nước có các nhà khoa học nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, như khoa học xã hội có: Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ðức Nam; khoa học tự nhiên có Nguyễn Ðình Tứ... Năm 1950, ông về dạy rồi làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 Lê Khiết - Trường cấp 3 lớn nhất Liên khu V, đặt trên đất Quảng Ngãi. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông gắn bó với nghề giáo qua bài giảng, và những sáng tác văn chương. Bên cạnh cuốn lịch sử văn học đầu tiên được viết với quan điểm mác-xít: Việt Nam văn học sử - thời Lê mạt, Nguyễn sơ (1951), ông còn sáng tác nhiều truyện ngắn và ký đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu IV.
Năm 1954, ông tập kết ra bắc, làm việc tại Ban Tu thư - Bộ Giáo dục. Từ đây con đường tự học của ông càng gắn bó giữa nghề giáo với nghiệp văn - văn trong nhà trường từ phổ thông đến đại học, văn trong giảng dạy và nghiên cứu. Thời gian làm việc tại Ban Tu thư, ông viết sách giáo khoa văn cho các cấp 2, 3. Ông cùng các nhà văn, nhà khoa học tên tuổi như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ðình Liên, Huỳnh Lý, Trương Chính, Ðỗ Ðức Hiểu... thành lập nhóm nghiên cứu văn học mang tên Lê Quý Ðôn. Lê Trí Viễn còn là dịch giả nổi tiếng với những dịch phẩm như Thần khúc (Dante), Những người khốn khổ (V.Hugo, dịch chung)...
Con đường vừa dạy vừa tự học đưa thầy Lê Trí Viễn đến với giảng đường đại học, trở thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành ngữ văn lớn nhất của cả nước. Năm 1958, ông về giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội và ở cương vị Chủ nhiệm khoa từ năm 1963 đến năm 1978. Ông trở thành người lãnh đạo khoa lâu nhất, với 15 năm, trong đó có những năm kháng chiến gian khổ, Khoa Ngữ văn phải sơ tán, khi lên Thái Nguyên, khi về Hưng Yên. Dưới sự lãnh đạo của thầy, Khoa Ngữ văn đã phát triển lên một tầm cao mới. Về đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều công trình của Lê Trí Viễn có giá trị đặt nền móng cho việc giảng dạy, nghiên cứu văn học Việt Nam, nhất là văn học trung đại, như bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (đồng tác giả, ba tập, 1958), Một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam (1961, xuất bản tại Trung Quốc, trong thời gian làm chuyên gia tại Ðại học Bắc Kinh), Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương (1968). Thời gian ở Khoa Ngữ văn, Ðại học Sư phạm Hà Nội, ông mở mã ngành, viết giáo trình bộ môn Hán - Nôm, đưa mỹ học, nghệ thuật học vào giảng dạy. Việc làm này thể hiện trí tuệ và tầm nhìn của thầy Lê Trí Viễn. Năm 1978, ông chuyển vào giảng dạy tại Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đến ngày về hưu. Tuy nhiên, ông vẫn tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, viết sách, mở trường trung học phổ thông... Ông đã xuất bản một loạt công trình đạt tới sự "kết tinh" độ chín về khoa học cơ bản và khoa học sư phạm, như: Nguyễn Ðình Chiểu, ngôi sao càng nhìn càng sáng (1982), Lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ X - giữa thế kỉ XIX (1985), Ðặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương (viết chung, 1996), Ðến với thơ hay (1997), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998)... Từ các đóng góp của ông, Lê Trí Viễn đã được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990, được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Con đường tự học của GS, NGND Lê Trí Viễn làm chúng ta "kính nhi" mà "cận chi", và kính phục, ngưỡng vọng trước một con người có quyết tâm và nghị lực tự học. Tự học kiên trì để từ trình độ tiểu học, vượt xuất sắc qua trình độ tú tài rồi trở thành giảng viên, thành giáo sư đại học, thành chuyên gia đầu ngành tầm cỡ số một trong giảng dạy và nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Tự học quyết liệt để từ vốn chữ Hán ban đầu khiêm tốn học tại nhà, từ vốn tiếng Pháp không nhiều khi theo học bậc tiểu học, trở thành người uyên thâm về Hán - Nôm, tinh tường Pháp văn, dịch và viết thơ chữ Hán, dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong đó có bản dịch trở thành kinh điển như Những người khốn khổ. Tự học thông minh, sáng tạo để có được một phong cách lớn, một phong cách độc đáo, đặc sắc trong giảng dạy và nghiên cứu văn chương: uyên bác mà tài hoa, khoa học mà nghệ sĩ, trí tuệ mà tràn đầy cảm xúc, tỉnh táo mà say đắm hết mình. Tự học mà vươn tới đỉnh cao thành tựu, để lại một di sản đồ sộ: bộ Lê Trí Viễn toàn tập gồm bảy cuốn với gần 6.000 trang sách khổ lớn. Ở đó, chúng ta được gặp một nhà giáo với hơn 70 năm "trồng người", một nhà khoa học với hơn 70 năm miệt mài nghiên cứu, một nhà nghệ sĩ hơn nửa thế kỷ sáng tác... Từ con đường tự học của chính mình, GS,NGND Lê Trí Viễn lại vô cùng nhiệt huyết với sự nỗ lực vươn lên của những sinh viên nghèo vượt khó. Năm 2007, khi ở tuổi 90, từ TP Hồ Chí Minh, ông đã gửi tặng Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 50 triệu đồng để làm giải thưởng cho những sinh viên nghèo vượt khó. Giải thưởng này mang tên GS, NGND Lê Trí Viễn và hằng năm vẫn trao cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Chính điều này càng làm cho các thế hệ sinh viên "kính nhi cận chi" đối với ông.
Chúng tôi thuộc những thế hệ sinh viên cuối cùng của Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội có niềm may mắn lớn được thụ giáo, thụ nghiệp thầy (vì sau đó thầy chuyển vào TP Hồ Chí Minh). Chúng tôi được thụ giáo vì được giáo dục cả về kiến thức và nhân cách, được thụ nghiệp bởi được thầy truyền cho phương pháp giảng dạy, không phải từ lý thuyết khô khan, trừu tượng mà từ kinh nghiệm thực tế. Chúng tôi còn nhớ hôm tựu trường, một chủ nhiệm khoa đầy uy vọng mà chúng tôi từng biết tiếng lại đón tân sinh viên bằng nụ cười hiền từ, đôn hậu và câu thơ giản dị như không thể giản dị hơn, nhưng hết sức sâu sắc: "Ðến đây thì ở lại đây - Bao giờ chữ tốt văn hay hãy về". Và các sinh viên còn lưu truyền những giai thoại về bài giảng của thầy. Khi thầy giảng bài Nam quốc sơn hà, ánh mắt thầy long lanh như nhập cả hồn vía vào bài thơ. Giọng Thầy âm vang mà trầm: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...". Nghe giọng thầy, nhìn ánh mắt và dáng vẻ của thầy, có bạn như không chịu nổi, đứng lên xin thầy đừng đọc nữa. Lúc đó thầy phá lên cười một cách sảng khoái: "Thầy đọc bài thơ giữa giảng đường mà các anh chị còn sợ thế thì khi bài thơ Thần được phát ra từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát, trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, trong không khí của một đêm thiêng thì quân giặc sợ đến vỡ mật mà tháo chạy là phải rồi".
GS, NGND Lê Trí Viễn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thầy từ biệt dương gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chín mươi lăm năm tại thế của thầy làm ta nhớ đến 95 năm tại thế của Tuyết giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thầy Lê Trí Viễn từng nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tuyết giang phu tử là bậc sư biểu mà thầy luôn ngưỡng vọng. Ðể rồi chính GS, NGND Lê Trí Viễn cũng trở thành sư biểu - bậc sư biểu "kính nhi cận chi" của nhiều thế hệ học trò.
Trời đông Hà Nội bắt đầu tối lúc 17g30. 19g kém 15 phút, trước cổng trường THPT Kim Liên đông nghịt phụ huynh thấp thỏm chờ đón con. 19g, trường tan, học sinh ra về nhốn nháo. Phố Tây Sơn tắc đường kéo dài.
Nhiều trường ĐH cho biết bắt đầu từ tháng 2 sẽ công bố thông tin tuyển sinh năm 2012.
Bị di tật bẩm sinh từ khi vừa lọt lòng mẹ, giờ chỉ cao chưa đầy 1m nhưng cô bé người Chăm Hroi Ra Lan Luồn đã vượt qua nhiều mặc cảm, tự ty của bản thân để được đến trường học chữ, mang theo giấc mơ trở thành một kỹ sư tin học.
(HBĐT) - Sáng 1/2, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT tháng 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2012. Tham gia giao có 13 điểm cầu, trong đó có các điểm cầu xa trung tâm như ở THPT Mường Chiềng, THPT Yên Hoà (Đà Bắc).
Hôm nay 31/1 là ngày cuối cùng để các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ và TCCN phải gửi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 và kết quả tuyển sinh 2011 về Bộ GD-ĐT.
Đẩy mạnh giao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm nhưng kiểm soát chặt chất lượng là những bước đi tiếp theo mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện trong năm 2012.