Đẩy mạnh giao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm nhưng kiểm soát chặt chất lượng là những bước đi tiếp theo mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện trong năm 2012.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo chí. Ông Ga nói:
- Đợt thanh tra, kiểm tra cuối năm 2011 vừa qua nằm trong kế hoạch đã xác định từ cách đó hơn một năm. Một năm đó là khoảng thời gian để các trường nỗ lực hoàn tất việc thực hiện những cam kết về chất lượng. Dựa trên phân tích kết quả kiểm tra các trường đợt đầu tiên này, sắp tới bộ sẽ lựa chọn danh sách những trường ưu tiên kiểm tra trước trong năm 2012, tiến tới kiểm tra toàn bộ các trường thành lập từ năm 1998 đến nay. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy công tác thanh tra, kiểm tra sẽ là việc làm thường xuyên của bộ trong những năm tới để đưa hoạt động giáo dục đại học đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.
"Trước đây bộ quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dựa vào dữ liệu các trường kê khai. Nay dựa vào những tiêu chí quy định, các trường tự xác định chỉ tiêu, báo cáo về bộ để theo dõi, kiểm tra. Các trường tự chịu trách nhiệm về độ chính xác của dữ liệu. Nếu xác định chỉ tiêu không đúng, người đứng đầu nhà trường sẽ bị xử lý nghiêm khắc" Thứ trưởng Bộ GD-ĐT |
* Năm 2012, Bộ GD-ĐT giao chủ động cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu. Vậy công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện của các trường, việc xử lý sai phạm của các trường thế nào?
- Ngày 2-12-2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, các trường căn cứ tiêu chí về tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi và tỉ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của cơ sở đào tạo/sinh viên để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012.
Khi thực hiện thông tư 57, bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các trường theo sự phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục quy định tại nghị định 115 của Chính phủ.
* Việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học là xu thế tất yếu. Vậy ở VN hiện tại, điều này có được xem là cần thiết để tăng cường tính cạnh tranh về chất lượng giữa các trường không? Để làm điều này, cần phải chuẩn bị những gì?
- Do yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn, phương pháp tác nghiệp của đội ngũ nhân lực rất đa dạng, nhất là khi đất nước ta hội nhập quốc tế nên các trường trong hệ thống giáo dục đại học cũng phải có mục tiêu đào tạo rõ ràng tương ứng với đối tượng nhân lực cần đào tạo. Hệ thống giáo dục đại học cần được phân tầng theo hướng đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo nghề nghiệp. Chương trình, phương pháp đào tạo cũng như đầu tư cho các loại hình trường này cũng khác nhau.
Tuy nhiên, cho đến nay nước ta chưa có quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phân tầng đại học để làm căn cứ đầu tư, giao nhiệm vụ, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học. Để khắc phục những hạn chế nêu trên về cơ cấu hệ thống, dự thảo Luật giáo dục đại học đã đưa ra nội dung quy định về chính sách phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Dự thảo luật cũng đưa ra những nội dung quy định về phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp, bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
Do vậy, khi Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua, việc phân tầng hệ thống giáo dục đại học của nước ta mới có cơ sở pháp lý để thực hiện. Cũng cần nhấn mạnh rằng việc phân tầng hệ thống giáo dục đại học khác với việc xếp hạng chất lượng đại học. Trong dự thảo Luật giáo dục đại học cũng đã đưa ra những điều khoản về kiểm định chất lượng giáo dục. Khi hệ thống kiểm định chất lượng hoạt động tốt, việc xếp hạng chất lượng các trường có thể được tiến hành.
* Khi Luật giáo dục đại học được ban hành, các trường đại học sẽ được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn. Bộ có giải pháp nào để các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đúng tinh thần của Luật giáo dục đại học sắp tới?
- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học là tư tưởng xuyên suốt trong dự thảo Luật giáo dục đại học. Việc tạo điều kiện cho các trường thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình là một yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Việc thực hiện quyền tự chủ của các trường phụ thuộc vào bốn yếu tố: vị trí, vai trò, nhiệm vụ; năng lực thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học gồm: tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Dự thảo luật cũng cho phép cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Chất lượng này phụ thuộc từng trường. Do đó dự thảo luật quy định cơ sở giáo dục đại học được in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy, nếu Luật giáo dục quy định giá trị pháp lý của văn bằng do các trường cấp là như nhau thì trong dự thảo Luật giáo dục đại học giá trị văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường.
Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu để các trường thực hiện quyền tự chủ. Cơ chế này đã được xác định trong Luật giáo dục và cụ thể hóa trong điều lệ trường đại học. Các trường cần có hội đồng trường đủ mạnh, có chức năng đầy đủ theo luật định thì việc thực hiện quyền tự chủ mới khả thi.
Trên thực tế, mặc dù Luật giáo dục đã ban hành từ lâu nhưng hội đồng trường chưa được thiết lập trong các nhà trường. Một số nơi đã thành lập hội đồng trường nhưng mang nặng tính hình thức, chưa thực chất. Vì chưa có thiết chế đầy đủ nên các trường đều rất dè dặt khi tiếp nhận quyền tự chủ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ. Thực hiện chỉ thị 196 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý đại học, Bộ GD-ĐT đã từng bước phân cấp quản lý cho địa phương và giao quyền tự chủ cho các trường. Đây là những động thái ban đầu để các trường quen dần với việc thực hiện quyền tự chủ, một thuộc tính vốn có của trường đại học.
Theo Báo Tuoitre
(HBĐT) - Rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, yêu mến thiên nhiên và động vật, thể hiện mơ ước của mình qua những thước phim... Đó là những điều tốt đẹp mà tổ chức ChildFund Việt Nam (CFV) đã gieo vào tâm hồn thơ bé của trẻ em các vùng khó khăn thuộc phạm vi triển khai dự án. Với nhiều hoạt động cụ thể, dự án đã gieo “hạt giống tâm hồn” cho trẻ em miền núi, góp phần nâng niu cuộc sống của các em hướng đến những chân trời tươi sáng, đầy hứa hẹn.
“Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp”.
Công việc của cả cuộc đời ông là hướng mọi người đến suy nghĩ có phương pháp để ra các quyết định đúng.
(HBĐT) - Một chiều đi qua cổng trường mầm non, tiểu học Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn đúng lúc các em học sinh tan buổi học, lòng bỗng dưng vui trẻ với niềm vui của tuổi học trò. Các em như đàn chim non ùa ra, tíu tít bên cha mẹ. Bất chợt một câu hát ai đó cất lên từ ngôi nhà bên đường. “Đi qua vùng cỏ non, thấy mùa xuân đang đến, bâng khuâng chiều 30, tóc em xanh màu trời... Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót, ta nghe đời vui hơn”.
(HBĐT) - Ngày 19/1, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ trong tâm năm 2012.
Gặp giáo viên, hỏi về chuyện thưởng Tết, đa phần họ đều ngậm ngùi không muốn kể ra vì rất chạnh lòng. Khái niệm thưởng Tết đối với giáo viên chỉ gọi là cho vui, có giáo viên khi được hỏi đã thốt lên “Thương lắm Tết ơi!”…