Trên thực tế, vấn đề khó cải thiện nhất của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn là đội ngũ giáo viên.
|
Mới chuẩn ở... bằng cấp
|
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6.2012, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2, 2.785 GV đạt B1. Con số này quá ít ỏi so với tỷ lệ 60,17% GV tiếng Anh hiện nay có trình độ ĐH và sau ĐH trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 - Bộ GD-ĐT, nhận định khiếm khuyết của GV thể hiện trên tất cả các mặt nghe, nói, đọc và viết. Chính vì thế, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh của đề án phải tập trung phát triển cả 4 kỹ năng này cho GV. Tình trạng GV không đạt chuẩn xảy ra ở tất cả các địa bàn trong cả nước. “Hiện tượng GV giỏi chỉ tập trung ở một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có thật”, ông Hùng nói.
“Ngại” nói tiếng Anh với người nước ngoài
Cách đây hơn một năm, học sinh lớp 7 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3, TP.HCM) phản ánh với Ban giám hiệu việc GV tiếng Anh của lớp phát âm sai, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Thậm chí, khi nói chuyện với người nước ngoài, GV này cũng không nghe được và học sinh phải dịch, chuyển ý cho câu chuyện của thầy cô mình.
Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình - Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Các GV thử việc tại trường đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí có GV tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng khi có khách nước ngoài, GV nào cũng ngại, không dám giao tiếp. Đến khi trường nhờ một cô giáo được đánh giá là giỏi nhất tiếp đoàn và làm phiên dịch thì cô này cũng rất khổ sở”.
Nhận định về chất lượng GV tiếng Anh hiện nay, nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM, nhớ lại: “Mỗi năm, khi tuyển GV tiếng Anh, Phòng đều có phỏng vấn và thường xuyên tiếp nhận những ý kiến phản hồi của phụ huynh về chất lượng giảng dạy. Qua nhiều năm, cho thấy đa phần GV tiếng Anh mắc lỗi về phát âm”.
Chất lượng GV tiếng Anh ở Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế ở kỹ năng nghe, nói và phát âm. Kết quả khảo sát của UBND TP.Hà Nội vào đầu năm nay cho thấy chỉ có khoảng 40% GV ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu, phải phiên dịch sang tiếng Việt.
Vừa thiếu vừa yếu
|
Tỉnh Hà Nam, một trong những địa phương tham gia triển khai đề án ngay từ giai đoạn đầu cũng trong tình trạng GV vừa thiếu vừa yếu. Hiện toàn tỉnh có 655 GV tiếng Anh ở cả 3 cấp học. Nếu xét về bằng cấp, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trong đợt khảo sát năng lực GV tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tiến hành, toàn tỉnh chỉ có 12/648 GV tham gia khảo sát đạt yêu cầu. Đáng quan tâm hơn, ở bậc THPT có 100% GV đều được đào tạo trình độ ĐH chính quy lại không hề có người nào đạt chuẩn. Tỷ lệ GV dưới chuẩn hai bậc trở xuống ở THCS xấp xỉ 40%, tiểu học và THPT trên 55%. Trong đó, nghe là kỹ năng yếu nhất, đọc cũng chỉ đạt mức trung bình.
Để đánh giá được trình độ của GV, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức khảo sát bài thi gồm kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm theo chuẩn của Nhà xuất bản Oxford. Thi vấn đáp trực tiếp với GV bản ngữ về kỹ năng nói. Có khoảng 1.756 GV tiếng Anh các cấp tham gia khảo sát. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở, cho biết: “Kết quả cụ thể chúng tôi không thể công bố vì ảnh hưởng đến uy tín của GV, nhưng có thể nói rằng khoảng 700 GV tiểu học (trong 756 GV tham gia - PV) phải đào tạo lại”. Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có 5% GV của 2 bậc học còn lại đạt chuẩn. Chẳng hạn H.Nhà Bè chỉ có 1/20 GV khảo sát đạt chuẩn. Gần 100 GV tiểu học và THCS của Q.5 tham gia khảo sát không đạt chuẩn. Toàn Q.4 chỉ có 3 GV đạt chuẩn, Q.10 có 10 người…
Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng có nhiều lý do khiến GV không đạt chuẩn trong các cuộc rà soát trình độ vừa qua, trong đó có các lý do chính: Môn tiếng Anh tiểu học trước đây là tự chọn, nơi nào có điều kiện thì tổ chức nên việc tuyển chọn GV chưa được bài bản. Đại đa số GV này học các hệ không chính quy tại các cơ sở tiếng Anh chất lượng chưa bảo đảm. Trước đây, GV dạy tiếng Anh chỉ chú trọng chuẩn bị cho học sinh thi ngữ pháp, từ vựng và dịch nên lâu dần kỹ năng giao tiếp của thầy cô cũng bị mai một. Một số trường sư phạm chưa bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh.
Theo Báo Thanhnien
Nếu như trước đây, học trò lớp 1 thường “làm dữ” trong những ngày đầu đi học thì bây giờ, nhờ được “rèn” từ bậc mầm non, việc đến trường của trẻ thuận lợi hơn. Những trẻ bỏ qua bước đệm này thì bị “lệch pha” rất rõ so với bạn bè.
(HBĐT) - Ngày 9/9, Tỉnh Đoàn Hòa Bình phối hợp với Ngân hàng Standard Chanrtered tại Việt Nam tổ chức chương trình trồng cây tình nguyện và trao học bổng cho 20 học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
(HBĐT) - Cách đây 54 năm, ngày 1/4/1958, trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình (nay là trường PT DTNT tỉnh) được thành lập trên cơ sở một công trường thanh niên vừa lao động, vừa học văn hóa. Trường ra đời trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh và bước đầu xây dựng kinh tế, văn hóa.
(HBĐT) - Ngày 7/9, trường MN tư thục Sao Mai (TPHB) đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2012 – 2013. Lãnh đạo Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT TP Hòa Bình cùng đông đảo phụ huynh học sinh đã đến dự và chung vui với nhà trường.
(HBĐT) - Năm học 2012-2013, huyện Yên Thuỷ có 12.612 học sinh và 1.370 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã chú trọng đầu tư, củng cố, tu sửa cơ sở vật chất, trường lớp.
(HBĐT) - Sáng 7/9, Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2005-2010. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng XHHT chủ trì hội nghị. Tham gia tại điểm cầu Hoà Bình có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo nhiều Sở, ngành đoàn thể hữu quan của tỉnh.