Cán bộ chấm thi trực tiếp sửa bài để nâng điểm hàng loạt, “giúp” những học viên cao học đủ điều kiện bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội khiến hơn 900 học viên cao học chưa được nhận bằng thạc sĩ.
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội - nơi đã xảy ra vụ sai phạm cán bộ chấm thi sửa bài để nâng điểm hàng loạt - Ảnh: Quang Thế |
Bắt đầu áp dụng thông tư 10 quy định quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT mới ban hành, trường tổ chức thi môn tiếng Anh với yêu cầu học viên phải có trình độ năng lực ngoại ngữ ở mức tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của khung châu Âu chung mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Theo quy định này, học viên phải đạt được tổng điểm ba bài thi (kỹ năng đọc/viết, nghe hiểu, nói) tối thiểu 50/100 điểm và điểm mỗi bài thi không dưới 30% (ví dụ điểm bài nghe hiểu không dưới 6,5/20 điểm tối đa).
Nâng điểm hàng loạt
PGS.TS Trần Đức Viên - hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội - Ảnh: Quang Thế |
Song ngay khi kỳ thi kết thúc, nhà trường đã nhận được thư tố cáo tiêu cực về việc cán bộ nhà trường nhận tiền của học viên để nâng điểm một cách phi lý.
Chính nội dung tố cáo này đã làm lộ ra việc sửa bài thi, nâng điểm thi cho hàng loạt học viên. Cán bộ chấm thi đã bắt tay nhau tự ý lấy bút sửa bài, chèn chữ, viết thêm câu rồi chấm lại trên bài thi đã được chỉnh sửa, “làm đẹp” điểm số cho học viên. Tiếp đến, tổ thư ký (thuộc Viện đào tạo sau ĐH) bất chấp những dấu hiệu “lạ” của những bài thi bị sửa điểm vẫn vào điểm một cách bình thường. Sai phạm được phát hiện gồm: một số bài thi đã đánh dấu bằng cụm từ giống nhau dưới bài thi, một số bài có ghi tên thật dưới bài yêu cầu viết thư, bài thi có nhiều nét chữ khác nhau, dùng nhiều loại mực khác nhau (bút chì, bút bi)...
Theo ông Nguyễn Huy Cường - quyền trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, kiểm tra bài thi từ hai đợt thi ngoại ngữ (những thí sinh trượt đợt 1 được thi lại trong đợt 2) phát hiện hơn 180 bài thi sửa điểm trực tiếp, điểm được nâng chênh lệch lên 0,5-5 điểm tùy từng bài thi. Trong số này, ở đợt 2 có 29 trường hợp được thay đổi điểm, trong đó sáu trường hợp nâng từ 49,5 lên 50 điểm để thí sinh vừa đủ điểm đạt yêu cầu. Với bài thi nghe hiểu, có quá nhiều thí sinh đạt điểm liệt (dưới 6,5 điểm) cũng được tìm cách nâng lên theo chủ trương... “đãi cát tìm vàng”.
Vi phạm có tổ chức
“Theo giải trình của các giáo viên tham gia chấm thi, khi chấm được một số bài, thấy điểm quá thấp nên tổ chấm đã đề xuất sửa lại barem để nâng điểm thí sinh lên. Việc sửa barem này không hề được báo cáo hay có văn bản nào ghi nhận. Dù là chủ tịch hội đồng thi, bản thân tôi cũng không được báo cáo gì về việc này” - PGS.TS Trần Đức Viên, hiệu trưởng nhà trường, nói.
Tuy nhiên, quá trình làm sai lệch điểm thi không chỉ do những giáo viên trực tiếp chấm thi can dự và quyết định. Trong phần giải trình với lãnh đạo nhà trường, ông Đinh Văn Chỉnh - phó hiệu trưởng - thừa nhận do biết khả năng ngoại ngữ của học viên hạn chế nên đã có ý nhắc các giáo viên cần chấm theo cách “đãi cát tìm vàng”, tạo điều kiện cho thí sinh có thêm điểm. Thực tế, ngoài việc sửa barem, việc chấm thi cũng được thống nhất nới lỏng theo chủ trương thí sinh chỉ cần viết câu hoàn chỉnh, không đúng đáp án vẫn cho điểm. Trong một số bài thi viết thư, thí sinh ghi tên thật của mình liền được hội đồng thi thống nhất... lấy bút phủ viết đè lên thay cho thí sinh, tránh lỗi đánh dấu bài.
Sai phạm quy chế không dừng lại ở việc giáo viên sửa bài thi, viết thêm cho bài thi để nâng điểm cho học viên mà ngay cả sau khi ráp phách, việc sửa điểm vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều bài thi bị phát hiện hiện tượng gạch điểm chấm trước đó để thay bằng điểm mới một cách lộ liễu, trực tiếp lên ô điểm, không cần căn chỉnh cho khớp với những phần chấm cụ thể trong bài. Các bài thi được thay điểm mới không hề có chữ ký của người chấm nhưng việc vào điểm sau đó vẫn diễn ra bình thường. Những bài thi có dấu hiệu nâng điểm đều chỉ viết điểm thi bằng số, mà không ghi cả bằng số và chữ nhưng quy trình nhập điểm do tổ thư ký thực hiện cũng diễn ra hết sức suôn sẻ.
Theo phòng tổ chức cán bộ, hiện có hơn mười cán bộ (thuộc Viện đào tạo sau ĐH, thanh tra nhà trường, khoa sư phạm ngoại ngữ...) bị xác định tham gia những phần việc khác nhau trong sai phạm này đang được hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét đề xuất các mức độ kỷ luật từ phê bình nhắc nhở đến cách chức. Riêng viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH đã thôi quản lý trước đó do hết nhiệm kỳ.
Giám định toàn bộ 2.700 bài thi
Theo PGS.TS Trần Đức Viên, nếu vụ tiêu cực này không xảy ra, học viên cao học K18 đã được nhận bằng tốt nghiệp từ tháng 6-2012.
Tuy nhiên, số bài thi đã bị phát hiện sửa chữa, nâng điểm... đến giờ vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Việc sàng lọc mới được thực hiện “điểm” ở hơn 500 bài thi, trong khi hơn 900 học viên của K18 tham gia thi đủ ba bài thi kỹ năng sẽ phải có tổng cộng hơn 2.700 bài thi. Trường đã mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định toàn bộ hơn 2.700 bài thi để trả điểm số thực về cho từng thí sinh. Việc kiểm tra chủ yếu nhằm phát hiện những bài viết bởi hai nét chữ khác nhau trở lên và những bài chấm điểm bằng nhiều nét chữ khác nhau.
“Khóa K18 đã thi tốt nghiệp xong, nhưng hiện chưa ai được cấp bằng. Tôi đã chuẩn bị khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi các học viên vì sai phạm của nhà trường, của các thầy cô giáo mà việc trao bằng bị chậm trễ. Trường đang chờ kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự để đưa ra phương án xử lý. Những bài thi “sạch”, không có dấu hiệu sửa bài, nâng điểm sẽ được trao bằng tốt nghiệp ngay. Những bài thi “không sạch” sẽ phải chấm lại.
Ngoài các thầy cô trong trường, việc chấm lại sẽ có sự tham gia của các giảng viên ngoại ngữ Trường ĐH Hà Nội. Kết quả chấm lại nếu thí sinh nào không đủ điểm sẽ phải thi lại. Trường sẽ làm tới cùng dù biết trong số học viên này không ít người thuộc diện cán bộ được quy hoạch tại các địa phương” - ông Viên cho biết.
Theo Báo Tuoitre
Năm học này, Bộ GD-ĐT nêu quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng này không có gì thay đổi.
Đó là một thực trạng khá mâu thuẫn nhưng phổ biến của sinh viên hiện nay. Họ tốt nghiệp với bằng cấp khá giỏi, nhưng kĩ năng mềm và kiến thức chuyên ngành chưa được đầu tư kĩ đã khiến họ thiếu tự tin và thậm chí sợ hãi khi phải làm việc…đúng chuyên ngành của mình.
Việc trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ ĐH... để trở thành bác sĩ, dược sĩ chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. Có trường điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng sàn.
HBĐT) - Bước vào lớp 1 là thời điểm quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, từ giai đoạn chuyển tiếp giữa vui chơi là chính, giờ đây trẻ phải tập trung học tập. Trước đây, trẻ được tự do vui chơi, ca hát, giờ phải nghiêm túc vào khuôn khổ theo từng tiết học. Sự thay đổi này dễ tác động đến tâm lý, nếu gia đình không có sự chuẩn bị chu đáo dễ làm trẻ có cảm giác chán nản hoặc lo sợ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến tiếp cận kiến thức sau này.
(HBĐT) - Chiều ngày 22/9 Trung tâm hoạt động TTN tỉnh tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Hòa Bình” năm 2012. Tham dự chương trình giao lưu có đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn; một số sở, ban ngàng của tỉnh, các nhà tài trợ chương trình và 100 ĐV-TN tiêu biểu của 11 huyện, thành phố.
(HBĐT) - Chiều ngày 21/9, tại Liên đội trường THCS Sông Đà (TP Hòa Bình) đã tổ chức Đại hội đại biểu điểm THCS năm học 2012-2013. Dự Đại hội có đại đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Thành đoàn, 35 tổng phụ trách Đội của các trường trên địa bàn thành phố và 60 đội viên xuất sắc, đại diện cho trên 600 đội viên của trường THCS Sông Đà.