Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc tay chân miệng trên cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Số mắc năm 2018 chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền nam với 47.955 trường hợp, chiếm 77,6%.



Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cung cấp thông tin.

Đây là thông tin được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh đông xuân chiều 9-10.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và sáu trường hợp tử vong tại năm tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền nam với 47.955 trường hợp (chiếm 77,6%), miền bắc có 6.558 trường hợp (chiếm 10,6%), miền trung có 6.236 trường hợp (chiếm 10,1%) và Tây Nguyên là 1.072 trường hợp (chiếm 1,7%). Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận1.711 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tay chân miệng phân bố rải rác tại 443 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong. Hiện chỉ còn 65 ca bệnh đang điều trị.

10 tỉnh có số mắc tích lũy trên 100.000 dân cao nhất nước gồm Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới một tuổi (chiếm 17%).

Các týp virus chủ yếu là EV71 chiếm 21%. EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới năm tuổi.

Ông Đặng Quang Tấn nhận định, bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở nước ta, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%,tuy vậy có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.

"Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống", ông Tấn cho hay.

Ngoài dịch bệnh tay chân miệng, hiện bệnh sởi và sốt xuất huyết cũng đang là nỗi lo của cộng đồng. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với một ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần với các ca mắc lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.

Bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.


Để chủ động phòng bệnh chân tay miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Theo Nhandan

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục