(HBĐT) - Sáng 22/2 ghi nhận một nữ nhân viên y tế làm nhiệm vụ tiếp đón, phân luồng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó cũng đã có những trường hợp nhân viên y tế mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Nghề y với trọng trách cứu người, luôn là một nghề rất cao quý và không ít hiểm nguy. Hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 xuất hiện, lây lan trên diện rộng với những diễn biến phức tạp. Đó thực sự là quãng thời gian vất vả nhưng cũng đầy vinh quang của các chiến sỹ áo trắng trên tất cả các mặt trận, từ thôn xóm, bản làng cho đến khu vực phong tỏa, cách ly, khu vực cách ly điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19.



Cán bộ trạm y tế xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đến từng hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ y tế cơ sở - lá chắn thép phòng dịch bệnh

Có lẽ bác sỹ Nguyễn Thị Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lâm Sơn (Lương Sơn) sẽ không bao giờ quên được những gì diễn ra trong ngày 5/2/2021 đáng nhớ ấy. Cảm giác của sự lo lắng vẫn còn vẹn nguyên, bác sỹ Hương chia sẻ: Mặc dù chúng tôi luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã được tập dượt lần 1 khi có trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19 đi qua sân golf Phượng Hoàng, nhưng lần đó có thể khoanh vùng, truy vết, khử khuẩn, dập dịch ngay trong khuôn viên sân golf. Vấn đề của ca nghi ngờ tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn nghiêm trọng hơn. Trường hợp này trực tiếp tiếp xúc với 2 ca F0 tại Hải Dương, về địa phương từ cuối ngày 24/1, rồi đi học, sinh hoạt tại địa phương, đến 9h ngày 5/2, khi có biểu hiện ho, sốt mới đến trạm y tế xã khai báo. Khi tiếp nhận thông tin khai báo, chúng tôi vô cùng lo lắng vì đây là trường hợp tiếp xúc trực tiếp với 2 F0, khả năng lây nhiễm rất cao, và vì không kịp thời khai báo đã tạo ra số F1 trên địa bàn xã 10 người, trên địa bàn toàn huyện 62 người, cùng hàng trăm F2, hàng nghìn F3. Nếu trường hợp đó dương tính thì xã Lâm Sơn nói riêng cũng như huyện Lương Sơn sẽ phải đối mặt với tình trạng hết sức nguy hiểm.

Chắc chắn là rất lo lắng, nhưng cán bộ trạm y tế xã Lâm Sơn hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ những việc cần làm của đội quân tiên phong trong công tác chống dịch. Ngay trong ngày 5/2, 8/8 cán bộ trạm khẩn trương vào cuộc, phối hợp lực lượng Công an xã tiến hành rà soát, truy vết, tổ chức cách ly, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời báo cáo Trung tâm Y tế huyện về lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã để thực hiện ngay việc phong tỏa khu vực nhà riêng ca nghi ngờ, tiến hành phun khử khuẩn. Sáng 6/2, khi UBND huyện có quyết định về việc thành lập các chốt kiểm soát, cán bộ y tế đã có mặt tại 7/7 chốt kiểm soát của xã, thực hiện việc đo thân nhiệt, sàng lọc sức khỏe người ra, vào địa bàn. Mặc dù tối 5/2, ca nghi ngờ đã có kết quả âm tính, nhưng với quan điểm "tuyệt đối không lơ là, chủ quan”, hàng ngày, trạm y tế xã vẫn tiếp tục duy trì quân số 100%, đảm bảo yêu cầu công tác chống dịch. Khi các chốt kiểm soát có thông tin người về từ vùng dịch, bất kể ngày đêm, cán bộ trạm sẽ lên đường thực hiện việc giám sát, truy vết, hướng dẫn, làm thủ tục cách ly; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giữ liên lạc, nắm tình hình các trường hợp F2, F3 trên địa bàn.

Bận rộn, lo lắng nhưng vượt lên tất cả là thái độ làm việc trách nhiệm của các cán bộ trạm y tế xã Lâm Sơn cũng là điều ghi nhận được ở các trạm y tế xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua, nhất là ở các trạm y tế địa bàn có đối tượng F0, F1. Cán bộ y tế cơ sở tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với các ca nghi ngờ, có khả năng bị lây nhiễm rất cao. Mặc dù còn thiếu thốn, khó khăn về trang thiết bị bảo hộ, thậm chí chế độ phụ cấp chống dịch năm 2020 còn chưa được chi trả đầy đủ, nhưng bất kể ngày đêm, cứ có việc là các anh chị lên đường. Sự trách nhiệm, nhiệt huyết của cán bộ y tế cơ sở đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như khẩn trương thực hiện được việc truy vết, khoanh vùng và dập dịch.

Đón Tết cùng Covid!

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, cao điểm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tạm lắng xuống, tất cả các trường hợp F1 và người dân trong khu vực phong tỏa đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khu phong tỏa được gỡ phong tỏa, F1 được về nhà đón Tết với gia đình. Bất ngờ nhận được bức ảnh các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang cắt tóc giúp nhau trong khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong ảnh, các bác sỹ cười rất tươi, nụ cười đó khiến người xem cảm thấy yên tâm phần nào nhưng cũng vô cùng xúc động, nể phục. Suốt mấy tháng trong khu cách ly, hàng ngày trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 gần 1 năm nay, các bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Khoa Truyền nhiễm đã gác lại niềm vui, hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ, chiến thắng Covid-19. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trên địa bàn tỉnh đã có 23 trường hợp nhiễm Covid-19 (trong đó có 21 trường hợp là công dân Việt Nam về từ nước ngoài được cách ly tập trung tại Trung đoàn 814, 2 trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng). 23 trường hợp này đều được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và cả 23/23 trường hợp đều đã khỏi bệnh, ra viện. Đây là thành tựu rất đáng ghi nhận của các bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế Khoa Truyền nhiễm nói riêng, cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Hà Lê Cường, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Truyền nhiễm cho biết: Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 để điều trị, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn. Do vậy, Bệnh viện và Khoa đã yêu cầu nhân viên y tế tuyệt đối tuân thủ việc khử khuẩn, chăm sóc tại giường, quản lý mầm bệnh trong phòng cách ly. Các bác sỹ, nhân viên y tế phải ở lại khoa và mang đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Trong những ngày điều trị, thời tiết nắng nóng, chỉ mặc bộ bảo hộ vào một lúc là mồ hôi ra rất khó chịu. Không chỉ mặc cả ca trực 8 tiếng đồng hồ, mà các y, bác sỹ, điều dưỡng phải mặc 24/24h để phòng tránh bệnh. Nhưng đây là điều trị cho bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao nên mọi quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt. Với mỗi bệnh nhân, khi bị mắc bệnh có tâm lý lo lắng, hoảng loạn sợ bị kỳ thị, đặc biệt với những ca nhiễm ngoài cộng đồng. Do đó, ngoài thực hiện đúng phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng phù hợp…, bác sỹ, điều dưỡng phải là người bạn, người đồng hành với người bệnh để chiến đấu với dịch bệnh, trấn an tâm lý cho người bệnh. Khi ra viện, nhiều bệnh nhân cảm động viết thư cảm ơn các y, bác sỹ. Những lời động viên chân thành của họ giúp chúng tôi có động lực, thêm vững tin trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa qua, 2 trường hợp nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh là ca bệnh 1703, 1704 phát hiện vào đúng thời điểm giáp Tết, vậy là đêm 30 Tết, cả bệnh nhân và các bác sỹ, nhân viên y tế cùng động viên nhau đón giao thừa trong khu cách ly. Nhiều tháng không được về nhà, đến cả khoảnh khắc giao thời thiêng liêng cũng không được ở cạnh gia đình, đó là sự hy sinh thầm lặng, rất đáng trân trọng của các bác sỹ, nhân viên y tế. Trưa mồng 2 Tết Tân Sửu 2021, 2 ca bệnh 1703, 1704 khỏi bệnh, ra viện và được về nhà đón Tết muộn cùng gia đình, nhưng các bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Khoa Truyền nhiễm tiếp tục phải cách ly tại khoa thêm 14 ngày nữa, đồng thời tiến hành công tác khử khuẩn, chuẩn bị chủ động cho việc đón tiếp, điều trị bệnh nhân mới. Rất nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi và hy sinh, nhưng mỗi bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, ra viện là động lực ý nghĩa để các cán bộ, nhân viên y tế gạt bỏ nỗi niềm riêng, tiếp tục cố gắng, vững vàng đương đầu trực tiếp và chiến thắng visus SARS-CoV-2.     


 Dương Liễu

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục