Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), viêm phổi là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 2 triệu trẻ em mỗi năm trên toàn thế giới, nhiều hơn tổng số ca tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại.



Điều trị bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Phổi trung ương.

Ước tính, mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi. Điều này có nghĩa cứ 20 giây trôi qua lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi, trong đó có 4.000 trẻ tử vong. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới.

Một trường hợp cụ thể, đang chăm sóc con gái (1 tuổi) điều trị viêm phổi tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, chị Nguyễn Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Trước khi nhập viện 2 ngày, cháu xuất hiện tình trạng biếng ăn, ngủ li bì và khó thở. Sau 2 ngày điều trị tại nhà không đỡ, gia đình tôi đưa trẻ vào viện thăm khám thì được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp nên cần nhập viện điều trị”.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, trường hợp nói trên chỉ là 1 trong số rất nhiều các trường hợp trẻ nhập viện do viêm phổi tại bệnh viện trong thời gian vừa qua: "Thực tế, viêm phổi có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Khi bị viêm phổi, trẻ rất dễ bị suy hô hấp và nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tử vong. Ngoài ra, khi bị viêm phổi, trẻ còn có thể bị sốt cao, co giật, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải...”.

Tuy nhiên, không chỉ trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe vì viêm phổi. Thông tin từ Bệnh viện Phổi trung ương, thời tiết giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh khiến số bệnh nhân nội trú tại đây tăng rõ rệt. Đơn cử, tại khoa Bệnh Phổi mãn tính, nếu bình thường Khoa chỉ điều trị khoảng 200 lượt bệnh nhân/tháng thì tháng vừa rồi tăng lên hơn 130%. Với các trường hợp phải vào nội trú điều trị, đa số trong tình trạng phải thở ô xy, suy hô hấp. Thậm chí, có nhiều trường hợp rất nặng phải thở máy xâm nhập, đặt ống nội khí quản; cũng có trường hợp tử vong.

Bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi trung ương cho biết: "Hiện miền Bắc đang trong những ngày giá rét, nhất là 10 ngày gần đây, nhiệt độ hạ đột ngột; cũng như mọi năm, khoảng thời gian này bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến, kể cả bệnh nhân đến khám và phải nằm nội trú. Tại Khoa hiện có 55 giường bệnh, lúc nào cũng kín. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây, có 15 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, thở máy hỗ trợ; số còn lại đa số phải thở ô xy vì tình trạng suy hô hấp”.

Chuyên gia y tế lý giải, phổi là cơ quan trực tiếp giao tiếp với môi trường, hít thở luồng không khí bên ngoài môi trường vào cơ thể nên tất cả những thay đổi môi trường đều trực tiếp ảnh hưởng đến phổi, hệ hô hấp. Khi không khí từ bên ngoài vào cơ thể phải đi qua mũi để sưởi ấm mới đi vào phổi, do vậy khi không khí lạnh thì việc sưởi ấm này kém hiệu quả, chưa kể trong không khí còn có nhiều chất độc hại, khói bụi, vi sinh không nhìn thấy được… Khi yếu tố bảo vệ bị giảm sút sẽ tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ bùng phát, người bệnh dễ bị nhiễm trùng về hô hấp. Đặc biệt, khi bị nhiễm lạnh, viêm phổi, với những người có bệnh lý nền, bệnh thường nặng hơn so với người khỏe mạnh. Đa số những trường hợp đến khám phải nhập viện là những trường hợp nặng, nguy kịch.

Các bác sĩ khuyến cáo, với người có bệnh lý nền, việc phòng bệnh là quan trọng nhất. Với những trường hợp đã có sẵn bệnh lý nền cần được quản lý bệnh nền thật tốt, theo dõi chuyên khoa kể cả bệnh lý về hô hấp và các bệnh lý đi kèm. Người dân cần có chế độ bảo vệ cơ thể thật tốt như đảm bảo dinh dưỡng nhất là người cao tuổi, cần ăn uống đủ chất. Về chăm sóc, những ngày rét, người cao tuổi cần được giữ ấm, nhất là khi hay phải thức dậy về đêm, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh có thể gây bệnh về hô hấp, hoặc có thể gây những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý trẻ không để trẻ bị nhiễm lạnh về đêm, thay tã bỉm kịp thời tránh bị lạnh do trẻ tiểu đêm…

Đồng thời, để tăng sự bảo vệ chủ động, với người bệnh nền, những người trên 65 tuổi nên tiêm phòng cúm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh về phổi, tăng khả năng phòng bệnh.

Theo PGS. TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, viêm phổi là bệnh cấp tính thường gặp, nhưng bệnh sẽ có những diễn biến khó lường đối với đối tượng trẻ em, người cao tuổi hay người có bệnh lý nền, kể cả đối với người khỏe mạnh cũng có khả năng nguy kịch vì viêm phổi. Do vậy, người dân không nên chủ quan đối với căn bệnh này.

Theo báo Đại đoàn kết


Các tin khác


Tạo thói quen ăn uống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

(HBĐT) - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã và đang là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sáng 16/12: Việt Nam đã tiêm hơn 265 triệu liều vaccine COVID-19; những tỉnh, thành nào đang tiêm thấp?

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang tăng nhẹ; Việt Nam đã tiêm hơn 265 triệu liều vaccine COVID-19 nhưng nhiều địa phương vẫn tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Phân bổ 2.000 liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19

(HBĐT) - Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ PCD) Covid-19 tỉnh ban hành Quyết định số 3793/QĐ-BCĐ, ngày 13/12/2022 về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 55.

Trường PTDTNT THCS&THPT B Mai Châu:Xây dựng trường học nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

(HBĐT) - Vừa qua, tại trường PTDTNT THCS&THPT B Mai Châu, xã Pà Cò (Mai Châu), Ban Dân tộc tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT), giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho học sinh khối THPT.

Dinh dưỡng cho người bệnh, chỉ nên hướng dẫn hay coi như liệu pháp điều trị?

TS.BS Nguyễn Hữu Quân - Trưởng đơn vị Hồi sức A9, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, can thiệp dinh dưỡng là liệu pháp điều trị thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo.

Cảnh báo ngộ độc rượu cuối năm

Trong thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng khiến nạn nhân tử vong. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh bảo về việc sử dụng rượu không an toàn dẫn đến ngộ độc rượu, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi tiệc tùng, liên hoan, tất niên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục