(HBĐT) - Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các trường có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Tân Lạc luôn được quan tâm. Nhờ đó, học sinh có những bữa ăn đảm bảo an toàn, đủ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các em được học tập và chăm sóc tốt nhất.
Bếp ăn của trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có khu vực phân loại, sơ chế, chế biến thực phẩm riêng biệt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, sự việc hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, trong đó có 1 học sinh tử vong đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Trước sự việc này, các nhà trường, những người làm công tác quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện Tân Lạc không khỏi trăn trở. Ngành GD&ĐT huyện đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, ngành liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra tình hình sử dụng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trên địa bàn.
Tại bếp ăn của trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), các cô nuôi tất bật chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm nấu bữa trưa cho học sinh. Thăm quan khu bếp có thể thấy, khu vực này được phân thành khu chế biến thực phẩm sống, khu nấu chín thức ăn; các dụng cụ nấu ăn riêng biệt, sạch sẽ. Quá trình làm việc, tất cả nhân viên bếp ăn thực hiện đầy đủ các quy định VSATTP. Đồng chí Đào Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường mầm non Mường Khến cho biết: Xác định việc đảm bảo VSATTP có ý nghĩa quan trọng, nhà trường đã chọn, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy; thực phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc; thực hiện tốt quy trình bếp ăn một chiều, giám sát chặt chẽ công tác VSATTP bữa ăn; thức ăn được nhà trường lưu mẫu 24 giờ theo đúng quy định, có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ. Nhân viên nấu ăn được tham gia tập huấn, có kinh nghiệm lâu năm trong phục vụ bếp ăn bán trú, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng thay đổi thực đơn trong bữa ăn hàng ngày và chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn của học sinh.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, toàn huyện có 26 trường học tổ chức ăn bán trú (1 trường TH&THCS, 25 trường mầm non). Mỗi năm học, ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp tổ chức kiểm tra công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng quy định pháp luật về đảm bảo VSATTP. Yêu cầu các trường, đặc biệt là các trường có tổ chức bán trú không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu về VSATTP. Trong đó, lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu tiếp nhận thực phẩm, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đun sôi. Đặc biệt, lưu ý nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ quy định về VSATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Các trường chủ động đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, VSATTP tới phụ huynh thông qua các buổi họp, tranh ảnh để cha mẹ các em có trách nhiệm quan tâm hơn đến sức khỏe con em mình.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên viên phụ trách chuyên môn mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Trước sự việc tại trường Ischool Nha Trang, huyện đã chỉ đạo siết chặt các giải pháp VSATTP tại bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các trường học chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ thực phẩm với đơn vị cung cấp có đủ điều kiện về VSATTP, hiệu trưởng các nhà trường là người chịu trách nhiệm. Hiện, 100% bếp ăn của các trường học được cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn của tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản được sử dụng tại các bếp ăn bán trú; tăng cường lấy mẫu kiểm định chất lượng thực phẩm để đảm bảo an toàn cho các bữa ăn bán trú của học sinh trong toàn huyện.
Thu Hằng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), viêm phổi là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 2 triệu trẻ em mỗi năm trên toàn thế giới, nhiều hơn tổng số ca tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại.
(HBĐT) - Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 227.572 trẻ em, trong đó có 2.746 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), hơn 49.800 trẻ em nguy cơ rơi vào HCĐB. Các em rất cần được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm, chăm lo.
(HBĐT) - Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực phát triển KT-XH. Trong đó có không ít tấm gương sáng đã, đang thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp "trồng người” và cứu người.
(HBĐT) - Ngày 16/12, Bộ CHQS tỉnh tổ chức chương trình quân dân y kết hợp với nội dung khám bệnh, tư vấn sức khoẻ và cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã Tiền Phong (Đà Bắc).
(HBĐT) - Ngày 16/12, tại huyện Mai Châu, Ban quản lý dự án chăm sóc mắt tuyến huyện tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động dự án "Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện” năm 2022.
(HBĐT) - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã và đang là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP cho bản thân, gia đình và xã hội.