Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Đây là giải pháp quan trọng để phòng, chống bệnh dại khi bước vào mùa hè, tránh những cái chết thương tâm do bệnh dại gây ra.
Thời điểm này, Thanh Hối là một trong những xã còn lại của huyện Tân Lạc tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó. Trên địa bàn xã hầu như hộ nào cũng nuôi chó để làm cảnh, trông giữ nhà, với tổng đàn trên 1.600 con. Những năm qua, tỷ lệ tiêm phòng dại của xã gần như đạt 100% đàn chó trong diện tiêm. Theo lịch tiêm, tất cả các hộ nuôi chó ở xóm Bào 1 đều cho chó đến nhà văn hoá xóm để tiêm phòng dại. Cũng như các hộ khác, ông Bùi Văn Lăng đã xích chó và dắt đến địa điểm tiêm phòng. Ông Lăng cho biết, gia đình ông nuôi chó nhiều năm nay để trông giữ nhà. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông biết có nhiều người không may bị chó dại cắn, lại không đi tiêm phòng dại nên đã tử vong. "Đã nuôi chó thì phải tiêm phòng dại đầy đủ, mỗi năm tiêm 2 đợt. Tiêm phòng để bảo vệ cho vật nuôi, cũng là bảo vệ cho bản thân mình và xã hội”, ông Lăng chia sẻ.
Đồng chí Bùi Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho biết: Để người dân chấp hành tốt việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, từ đầu năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch, quán triệt đến từng xóm để triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng. Đồng thời chỉ đạo cán bộ thú y trước mỗi đợt tiêm phối hợp với trưởng các xóm thống kê cụ thể số lượng chó của các hộ và đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh dại. Thông qua công tác tuyên truyền, bà con hiểu rõ mục đích của tiêm phòng dại nên chấp hành tốt các đợt tiêm phòng. Ngoài triển khai tiêm đợt 1, xã sẽ thực hiện tiêm vét với những con chó mới sinh sản để đảm bảo 100% chó trong diện tiêm được tiêm phòng dại đầy đủ.
Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng nên những năm qua, trên địa bàn xã Thanh Hối không ghi nhận trường hợp người bị chó dại cắn. Đối với địa bàn toàn huyện Tân Lạc, hiện có tổng đàn chó trên 15 nghìn con, chủ yếu nuôi để trông giữ nhà cửa. Huyện đã và đang triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, với tỷ lệ tiêm ước đạt trên 80%. Đây là tỷ lệ tiêm khá cao so với các địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, tổng đàn chó toàn tỉnh có trên 120 nghìn con. Thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm tiêm vắc xin dại cho vật nuôi. Do đó tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt yêu cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dại bùng phát và gây ra những cái chết thương tâm trong những năm gần đây. Như năm 2023 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Văn Sơn (Lạc Sơn). Đặc biệt, ngay đầu năm 2024, cũng tại huyện Lạc Sơn đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Ngọc Lâu.
Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: Vào các tháng 5, 6, 7, khi thời tiết nắng nóng gay gắt là điều kiện để virus dại phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh dại rất cao. Do đó, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung triển khai tiêm phòng đạt theo kế hoạch. Người nuôi chó, mèo cần quan tâm tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ vật nuôi cũng như bảo vệ con người. Khi bị chó, mèo nghi dại cào, cắn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm với bệnh dại. Tuyệt đối không chủ quan, hay sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị bệnh dại, bởi khi bệnh dại xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Viết Đào