Người dân tránh để tồn dư hay tích trữ thuốc diệt cỏ trong nhà.

Người dân tránh để tồn dư hay tích trữ thuốc diệt cỏ trong nhà.

(HBĐT) - Hai năm trở lại đây, số vụ tự tử bằng thuốc diệt cỏ tại địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc xảy ra tới mức báo động. Chỉ thống kê riêng từ quý III/2009 đến tháng 4/2010, Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc đã tiếp nhận 7 ca tự tử có sử dụng chai thuốc diệt cỏ “màu xanh”. Hầu hết các trường hợp là người dân tộc thiểu số Mường, Tày, Dao, nhiều nạn nhân đã không thể qua khỏi...

 

Vì đâu nên nỗi

         

Ngày 1/4/2010, anh Triệu Văn Minh ở xóm Bon, xã Tân Pheo hốt hoảng đưa vợ là chị Lê Thị Mai, 43 tuổi, người dân tộc Dao vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc cấp cứu trong tình trạng bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ gần 24 giờ trước đó. Anh Triệu Văn Hùng, bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân Mai cho biết: Khi nhập viện, vùng niêm mạc miệng của bệnh nhân đã bị loét đỏ và có dấu hiệu suy hô hấp. Các y, bác sĩ của bệnh viện phải mau chóng tiến hành rửa dạy dày, gây nôn để ngăn chặn độc chất đi vào máu. Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các chất giúp bất hoạt độc chất, truyền dịch làm tăng thải độc chất qua đường thận. Hiện tại, sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, cơ hội sống sót của bệnh nhân Mai vẫn mong manh.

 

Anh Triệu Văn Minh, chồng chị Mai buồn bã, thẫn thờ: “Lúc đó, anh và 2 đứa con đi vắng, chỉ còn chị Mai và mẹ chồng ở nhà. Không rõ mẹ chồng, nàng dâu lời qua tiếng lại ra sao, chỉ biết khi anh về thấy vợ nằm bẹp trên giường, hỏi gì cũng không nói”. Hết đêm đó cho đến sáng sớm hôm sau, gia đình “tá hoả” khi thấy chị Mai không dậy được nữa, thể trạng lừ đừ, luôn kêu nóng rát trong cổ.

 

Trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Mai cũng như nhiều trường hợp khác đã tìm đến chai huỷ diệt “xanh” trong lúc buồn, giận nhất thời. Bác sĩ Hoàng Đại Tá, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc cho biết: Đa số các ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ đều xuất phát từ việc mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Thường là xích mích vợ chồng, bất đồng quan điểm giữa cha mẹ, con cái, có trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ví như trường hợp anh Triệu Duy Tiến, 40 tuổi, người dân tộc Dao ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lấy vợ cũng là người dân tộc Dao ở xóm Mạ, xã Tu Lý. Do mâu thuẫn với bố đẻ, anh Tiến đã uống thuốc diệt cỏ để tìm lấy cái chết. Ngày 8/1/2010, anh Tiến được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện. 12 ngày sau đó, diễn biến bệnh có chiều hướng nặng hơn, nạn nhân Tiến bị viêm loét dạ dày thực quản, vỡ mạch máu, bệnh viện buộc lòng chuyển về cho gia đình...

 

Có một thực tế là diễn tiến các ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ ngày càng nhiều mà nguyên nhân chính được bắt nguồn xoay quanh mâu thuẫn gia đình. Có thể kể tới hàng loạt vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng như trường hợp anh Xa Văn Lưu, 37 tuổi ở xã Hào Lý do xung đột vợ chồng đã cầm dao chém vợ rồi dùng thuốc diệt cỏ để kết liễu đời mình. Ngày 11/12/2009, anh này được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện  và đến ngày 9/1/2010, nạn nhân đã tử vong. Một số trường hợp do uống ít, lượng thuốc được pha loãng, được đưa đi cấp cứu kịp thời đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần, như chị Lường Thị Oanh, 23 tuổi ở xóm Kìa, xã Yên Hoà; chị Triệu Thị Loan, 19 tuổi ở xã Cao Sơn và chị Hà Thị Khuyên, 43 tuổi ở xã Trung Thành. Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở về với gia đình, bệnh viện và nạn nhân vẫn phải thường xuyên giữ liên lạc để nắm rõ tình trạng sức khoẻ. Không ít bệnh nhân sau khi xuất viện về nhà hàng tuần đã “ra đi” chỉ sau một cơn suy hô hấp.

 

Hãy cẩn trọng với chai thuốc “huỷ diệt xanh”

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chai “huỷ diệt xanh” được các nạn nhân sử dụng là thuốc diệt cỏ hiệu Paraquat. Kể từ khi ra đời, thuốc diệt cỏ hiệu Paraquat đã phát huy tác dụng trong việc giúp những người nông dân, người làm vườn diệt cỏ hại một cách nhanh chóng, đơn giản. Vào vụ gieo trồng, trong mỗi gia đình sản xuất nông nghiệp hầu như đều có mua và tích trữ loại thuốc diệt cỏ này. Song kéo theo tính hữu ích ấy, Paraquat có thể gây ra tác dụng tiêu cực khác gây huỷ hoại cơ thể người và dẫn đến tử vong. Paraquat là loại thuốc diệt cỏ cực độc, mặc dù tai nạn nghề nghiệp trong lúc sử dụng ít gây tử vong do đã pha loãng nhưng nếu yếu trực tiếp thì cơ hội sống sót của bệnh nhân là rất thấp.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Đại Tá cho biết thêm: “Dấu hiệu sớm ngay sau khi uống thuốc diệt cỏ Paraquat là bệnh nhân bị loét niêm mạc miệng, nuốt đau. Độc chất vào máu sẽ nhanh chóng làm hoại tử tế bào. Nặng sẽ gây tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp, tuỵ tim mạch, hôn mê. Tử vong sau vài giờ đến vài ngày. Dấu hiệu muộn thường có sau một tuần: suy hô hấp do xơ phổi, suy thận cấp, suy gan (vàng da, gan to)”. Tình trạng bệnh sẽ đặc biệt nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ trong lúc đói. Vì bệnh nhân có thể bị triệu chứng tán huyết dẫn tới lạnh run, nước tiểu màu xanh thẫm….

 

Hiện nay chưa chưa có thuốc đối kháng đặc hiệu, chỉ có thể cứu sống nếu tích cực cấp cứu ngay sau khi dùng thuốc, “thời gian vàng” là 6h đầu và tiếp tục chạy chữa trong 24h. Và việc cứu sống bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat chỉ có ý nghĩa là “còn nước còn tát”. Có rất nhiều biện pháp khác nhau có thể áp dụng với người ngộ độc Paraquat như rửa sạch dạ dày, cho uống dung dịch đất sét mịn Fuller earth, lọc máu hấp thụ hay vừa lọc máu hấp thụ vừa tách huyết tương, chạy thận nhân tạo. Song để thực hiện kỹ thuật này cũng không hề dễ dàng vì một lần thực hiện cần tới 4 – 5 lít máu và đòi hỏi chi phí rất cao trong khi kết quả như mong đợi lại rất thấp. Do đó, khả năng cứu sống được các trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat là vô cùng mong manh. Nếu có được cứu sống thì bệnh nhân vẫn phải đối diện với những biến chứng muộn do độc chất gây ra như xơ phổi, suy hô hấp, vô sinh (ở phụ nữ)…. Thực tế đã cho thấy, dù nhà sản xuất đã cố tình pha sẵn vào loại hoá chất này một chất có tác dụng gây nôn ói khi con người uống phải nhưng với cơ thể người nó vẫn là một chất huỷ diệt, tàn phá cơ thể khủng khiếp.

 

Đáng tiếc hơn cả là ngoài những trường hợp chủ động tìm đến thuốc diệt cỏ Paraquat để kết liễu cuộc đời thì có những bệnh nhân đã bị uống nhầm thứ chất lỏng chết người này do sự bất cẩn của người thân trong gia đình. Câu chuyện đáng tiếc xảy ra ở một xã vùng cao của huyện Đà Bắc, khi bệnh nhân đi làm về, do khát nước đến đã uống ngay thứ chất lỏng trong chai nước lavie mà không ngờ rằng đó là thuốc diệt cỏ do người thân trong gia đình mình mới chắt sang. Dù bệnh nhân có kịp phản ứng nhổ ra kịp thời thì hiện tượng viêm loét vòm miệng và những biến chứng nhẹ là điều không thể tránh khỏi.

 

Sự thật đau lòng và nhức nhối về tình trạng tử tự bằng thuốc diệt cỏ đang diễn ra ở Đà Bắc đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự mất an toàn khi bà con nông dân sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật này. Và biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng tránh hậu quả đáng tiếc là sự cẩn thận của chính những người mà công việc cần sử dụng đến thuốc diệt cỏ Paraquat. Quan trọng hơn hết là chỉ mua sử dụng vừa đủ cho nhu cầu, không nên để tồn dư, tránh nguy cơ có thể gây nên tai hoạ huỷ diệt cơ thể, sinh mạng con người.

 

 

                                                                Bùi Minh - Dương Liễu

 

Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục