Bác sỹ Bùi Thị Sung - Trạm trưởng Y tế xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đang khám bệnh tại trạm.

Bác sỹ Bùi Thị Sung - Trạm trưởng Y tế xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đang khám bệnh tại trạm.

(HBĐT)- Tỉnh ta có địa hình phức tạp, dân cư phân tán, có 73 xã (chiếm 34,7%) và 89 thôn, bản trong vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trong những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cấp các trạm y tế cấp xã (tuyến y tế cơ sở- YTCS) từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, ĐBKK.

 

Hiệu quả hoạt động của tuyến YTCS

 

Chúng tôi đến Trạm y tế xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đúng lúc tập thể y- bác sỹ của Trạm đang tập trung cấp cứu cho bệnh nhân Vũ B., cán bộ của huyện xuống cơ sở làm việc. Anh B. có tiền sử tăng huyết áp nhưng lần này lại bị tụt huyết áp đột ngột tới mức 60/20 mmHg. Đây là trường hợp đầu tiên mà Trạm y tế Ngọc Mỹ gặp phải. Trạm trưởng - bác sỹ  Bùi Thị Sung phải gọi điện lên xin Bệnh viện đa khoa huyện cho hướng xử lý ban đầu, cử người xuống hỗ trợ. Theo đó, bác sỹ Trần Quốc Mạnh - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tân Lạc đã kịp thời có mặt để cấp cứu cho anh B. qua khỏi cơn nguy kịch và chuyển về bệnh viện huyện điều trị tiếp. Cũng với hình thức này, trước đó một tuần, Trạm y tế Ngọc Mỹ đã cấp cứu thành công cho sản phụ Trần Thị Ng., 21 tuổi có thai lần đầu đến Trạm để đẻ thường nhưng bị rách cổ tử cung, mất nhiều máu (do có tiền sử u xơ cổ tử cung nhưng sản phụ không khai vào bệnh án) nguy kịch đến tính mạng. Kết quả, chị Trần Thị Ng. đã “sinh nở mẹ tròn con vuông” một cháu gái khỏe mạnh, nặng 2,8 kg trong sự vui mừng của người thân trong gia đình. Cách cấp cứu này nằm trong  chuyên đề “chỉ đạo tuyến” của ngành y tế và áp dụng có hiệu quả trong nhiều năm qua. Bác sỹ Bùi Thị Sung cho biết: Trạm y tế xã Ngọc Mỹ có 7 cán bộ, nhân viên đều là nữ bao gồm 1 bác sỹ, 2 y sỹ (đa khoa và đông y), 2 điều dưỡng trung học, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sỹ trung học. Trạm y tế của xã được phân công theo dõi và triển khai các chương trình, mục tiêu y tế quốc gia đến từng người dân. Bình quân mỗi cán bộ, nhân viên của trạm phụ trách khoảng 2 - 3 chương trình. Trong khi đó những thôn, bản cách trạm y tế tới 15km. Đây là thử thách với các chị em trong trạm. Song, ý thức được trách nhiệm, chị em trong trạm thường xuyên động viên nhau thu xếp công việc gia đình hợp lý, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xứng đáng với sự tin cậy của bà con dân bản. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã Ngọc Mỹ không có dịch bệnh lớn hoặc không có người bệnh tử vong do không được cứu chữa kịp thời.

 

Thạc sỹ y khoa Bùi Thị Hằng - Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế cho biết, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực để  nâng cao chất lượng tuyến YTCS, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao và ĐBKK. Đã có 207 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Trạm y tế. Tuyến YTCS hiện có 1200 nhân viên y tế, trong đó có 124 bác sỹ, 461 y sỹ. Tính bình quân mỗi trạm có biên chế từ 4- 6 cán bộ, nhân viên và 4 giường bệnh; hơn 60% số trạm có bác sỹ. Mỗi trạm y tế cấp xã đều được trang bị dụng cụ cơ bản theo quy định của Bộ Y tế, có khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao như chăm sóc sức khỏe ban đầu; cung cấp thuốc thiết yếu, điều trị các bệnh thông thường...Tuyến YTCS còn có hơn 2.000 nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo nghiệp vụ y tế từ 3 tháng trở lên. Hệ thống y tế thôn bản được xem như “cánh tay nối dài” của Trạm y tế các xã và không thể thiếu được đối với các tỉnh miền núi như tỉnh ta có nhiều thôn, bản cách trung tâm xã tới 10 - 15km. Nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, sơ cứu ban đầu và chăm sóc các bệnh thông thường cho người dân tại địa bàn. Một số Trạm y tế còn sử dụng nhân viên y tế thôn, bản để thành lập đội chuyển tuyến hỗ trợ dựa vào cộng đồng. Đội này được trang bị những vật dụng cần thiết như xe đạp, võng cáng, áo mưa, đèn pin và sẵn sàng chuyên chở bệnh nhân cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên trong bất kỳ tình huống, thời gian nào. Trên thực tế, hoạt động của đội chuyển tuyến hỗ trợ dựa vào cộng đồng phù hợp với các xã vùng sâu, vùng xa, ĐBKK. Thí dụ, trong đợt rét vừa qua, đội chuyển tuyến của Trạm y tế xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) không quản đêm khuya giá rét đã đưa cháu Hà Thị V. bị viêm phổi cấp lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thủy. Việc nâng cao chất lượng tuyến YTCS còn tạo điều kiện cho ngành y tế làm tốt công tác phòng bệnh, chủ động giám sát, triển khai các biện pháp phòng- chống dịch bệnh. Vì vậy, từ nhiều năm nay, ở tỉnh ta không có dịch bệnh lớn xảy ra, kể cả những bệnh mang tính đặc thù địa phương như sốt rét, bướu cổ.

 

 

Những khó khăn và giải pháp khắc phục

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, hầu hết các trạm y tế cấp xã ở tỉnh đều xây dựng từ trước năm 1996 có quy mô, diện tích nhỏ lại hư hỏng, dột nát không bảo đảm cho khám- chữa bệnh. Tương tự, trang thiết bị y tế của các trạm đều được cấp từ khi “còn là tỉnh Hà-Sơn-Bình” nên cũ nát. Nhân viên các trạm phải tự mua sắm để sử dụng. Về nguồn nhân lực, tỷ lệ bác sỹ (BS) và dược sỹ đại học (DSĐH)/ 1 vạn dân hiện đang công tác tại các đơn vị công lập thuộc tuyến YTCS mới chỉ đạt 3,7BS và 0,09DSĐH. Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học tuyến y tế cơ sở tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2020”, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ BS, DSĐH phục vụ tại tuyến YTCS là 7BS và 1,5 DSĐH/1 vạn dân; 100% Trạm y tế cấp xã có bác sỹ; đủ số lượng bác sỹ theo quy định cho các đơn vị y tế tuyến huyện. Những đối tượng tham gia Đề án phải cam kết làm việc lâu dài tại tuyến YTCS ở Hòa Bình, được đào tạo theo các hệ chính quy, chính quy theo địa chỉ, cử tuyển, chuyên tu từ y sỹ lên bác sỹ và được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo. Song có một thực tế là tỷ lệ học sinh của tỉnh ta hàng năm đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chưa nhiều, nhất là vào các trường y- dược quá khiêm tốn. Thí dụ, Dự án “Nâng cấp dịch vụ y tế cộng đồng tỉnh Hòa Bình” do Chính phủ Bỉ tài trợ đã hỗ trợ cho khoảng 100 y sỹ đi ôn thi vào hệ đại học chuyên tu nhằm bổ sung đủ bác sỹ cho các Trạm y tế cấp xã nhưng chỉ có hơn 20 người “vượt vũ môn” vào học tại trường đại học Y dược Thái Nguyên. Trong khi đó, các cơ chế ưu đãi của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn thu hút những người ở nơi khác đến làm việc. Vì vậy, trong Đề án cần điều chỉnh tăng tỷ lệ đào tạo hệ cử tuyển có ưu tiên cho các xã vùng sâu, xa, ĐBKK để tăng nguồn nhân lực tại chỗ.

   

Theo Giám đốc Sở Y tế - thầy thuốc Nhân dân Quách Đình Thông, để có những giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn trong nâng cao chất lượng tuyến YTCS đáp ứng nhu cầu khám- chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, cần đưa tuyến YTCS về quản lý theo ngành dọc. Hiện, tuyến YTCS ở tỉnh ta vẫn chịu sự quản lý của bốn cơ quan chức năng. Trong đó, UBND cấp xã quản lý nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng nên thường xuyên xảy ra tình trạng nợ lương của nhân viên y tế hoặc bớt xén định mức chi thường xuyên của trạm (10 triệu đồng/trạm/năm) để làm việc khác. Cũng do có tới 4 cơ quan chức năng cùng tham gia quan lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” và khó tìm được sự thống nhất trong huy động các nguồn lực chăm lo cho tuyến YTCS phát triển ổn định, lâu dài. Trước thực trạng trên, ngày 31-12-2010, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thống nhất giao cho Trung tâm y tế dự phòng huyện quản lý Trạm y tế cấp xã theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLB -BYT -BNV ngày 25-4-2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Giám đốc Quách Đình Thông cho rằng, làm được như vậy sẽ khắc phục tình trạng khép kín mọi hoạt động cũng như việc điều động, sử dụng nhân lực ở mỗi Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặt khác, khi Sở Y tế làm đầu mối chính sẽ có điều kiện huy động mọi nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho Trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tại địa phương.

 

 

                                                                             Đặng Ngọc Oanh

                                                                              (Báo Nhân Dân)

 

 

Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục