Đừng lạm dụng kháng sinh vì có đến 90% các bệnh về viêm đường hô hấp không cần sử dụng đến kháng sinh.
Băn khoăn khi thấy con hay viêm họng, sổ mũi, nhiều bà mẹ đã tìm đến các diễn đàn trên mạng internet để hỏi han, trò chuyện. Thế nhưng, tại những diễn đàn này, nhiều cách chữa bệnh được hướng dẫn mà các thầy thuốc cho rằng khó có căn cứ để khẳng định là hiệu quả. Thậm chí là rất nguy hiểm, như việc dùng thuốc kháng sinh để “chặn” mầm bệnh, được hướng dẫn là để ngăn ngừa trẻ ho, sổ mũi.
3 tuổi: Kháng 23 loại thuốc
Chưa đầy 3 tuổi nhưng hầu như tháng nào bé Bông, con của chị Bình ở phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm- Hà Nội), cũng bị bệnh viêm mũi họng tái phát. Thế rồi khi lên mạng, nghe nói về việc uống thuốc dự phòng để “chặn” đường bệnh là rất hay, chị thử áp dụng. Mỗi khi con sổ mũi nhẹ là chị “dội” một liều kháng sinh căn cứ từ những đơn thuốc cũ và thấy bệnh con giảm hẳn nên tin rằng đã bắt bệnh đúng cho con. Những ngày sau đó, chị hồ hởi lên mạng chia sẻ kinh nghiệm cho các bà mẹ khác.
Khi trẻ bệnh, cần có sự thăm khám, tư vấn và kê đơn của thầy thuốc
Thế nhưng chỉ vài tháng sau, bé Bông lại bị ho kèm sổ mũi, triệu chứng ngày càng nghiêm trọng. Khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ phát hiện bé Bông đã kháng tới 23 loại kháng sinh phổ biến.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám đều cho biết đã tự trị bệnh cho con bằng một loại thuốc nào đó, phổ biến nhất là dùng kháng sinh. “Nhiều trường hợp bố mẹ tự chữa cho con theo cách dự phòng bằng kháng sinh để chặn bệnh ho. Có khi uống tới 2 tuần mà bệnh vẫn không khỏi. Khi đưa tới bệnh viện, bác sĩ khám mới biết là cháu bé chỉ bị dị ứng thời tiết, mà như thế thì không cần đến kháng sinh, bệnh cũng sẽ tự khỏi”- bác sĩ Lộc nói.
Cũng theo bác sĩ Lộc, có hàng trăm lý do khiến trẻ ho hoặc viêm mũi họng. Đó có thể là do dị ứng thời tiết, do các loại dị nguyên khác nhau có trong không khí, bụi, hóa chất, khói thuốc nhưng cũng không loại trừ đây là bắt đầu của một bệnh nào đó như cảm cúm, viêm phế quản, hen…
Dễ sốc phản vệ
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có đến 90% các bệnh về viêm đường hô hấp không cần sử dụng kháng sinh. Vì thế, phụ huynh đừng sử dụng kháng sinh tràn lan. “Kháng sinh rất tốt để điều trị các vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng phá hoại các vi khuẩn tốt sống cộng sinh trong đường tiêu hóa vốn rất yếu của trẻ”- bác sĩ Lê Thanh Hải lưu ý.
Nhiều thầy thuốc phân tích rằng vì dễ mua, dễ bán nên kháng sinh ngày càng bị lạm dụng, thậm chí có phụ huynh chưa biết vì sao con sốt, con ho nhưng vẫn cứ “dội” kháng sinh cho yên tâm. Việc tập cho vi khuẩn quen thuốc sẽ rất nguy hiểm vì sẽ làm tăng sức công phá của vi khuẩn với cơ thể trẻ, gây ra những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh làm việc điều trị sẽ gặp khó khăn đồng thời gây tốn kém về mặt thời gian và kinh tế cho gia đình. Đó là chưa kể nếu dùng sai kháng sinh thì trẻ có thể bị dị ứng thuốc, rối loạn tiêu hóa, sốc phản vệ… Vì thế, việc điều trị dự phòng mà không có sự tư vấn của bác sĩ sẽ không chỉ khiến bệnh càng thêm khó chữa mà thậm chí sẽ không còn “vũ khí” để chữa bệnh.
Không tự ý mua thuốc cho uống
Các bác sĩ khuyến cáo thời tiết thay đổi, trẻ không thích nghi kịp nên bị mắc bệnh về đường hô hấp là chuyện rất bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng. Nếu có dự phòng các bệnh thường gặp như viêm mũi họng cho trẻ thì cách tốt nhất là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược như mật ong, chanh, quất, lá hẹ, hoa hồng…
Ngoài ra, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; đeo khẩu trang khi đi ngoài đường; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; tránh tiếp xúc với những vật dụng và đồ chơi nghi nhiễm bẩn… Khi trẻ sốt, ho, nôn hay diễn biến bệnh nặng nhanh thì cần phải được đưa đi khám chứ không tự ý mua thuốc cho uống. |
Theo NLĐ
Bạn có thể thấy, ngồi ở bàn làm việc cả ngày mang lại cho bạn cảm giác uể oải, khó chịu, đặc biệt là khoảng thời gian sau khi ăn trưa khi mà cơ thể đang cần năng lượng để tiêu hóa hay chịu những ảnh hưởng từ cốc cà phê ban sáng.
Ngày 1.7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định quy định tạm thời mức giới hạn nhiễm DEHP trong thực phẩm. Bộ Y tế quy định mức DEHP nhiễm chéo cho phép là 1,5 mg/kg đối với thực phẩm rắn và lỏng (không bao gồm nước uống đóng chai).
(HBĐT) - Ngày 1/7, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND huyện Tân Lạc tổ chức triển khai dự án “Điều trị cai nghiện ma túy và các hậu quả liên quan đến sức khỏe, trong đó có HIV/AIDS thông qua hệ thống điều trị TREATNET giai đoạn II- mã số AD/GLO/J71” (gọi tắt là dự án J71) tại thị trấn Mường Khến.
(HBĐT) - Ngày 1/7, UBND xã Phú Minh (Kỳ Sơn) tổ chức lễ đón nhận xã chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2006 - 2010.
(HBĐT) - Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/T.ư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, khẳng định BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Dịp hè, nhiều cơ quan và nhóm bạn thường tổ chức đi du lịch, nghỉ mát, tắm biển… với mục đích tạo ra một kỳ nghỉ dưỡng, vui chơi vừa thoải mái về tinh thần vừa bồi dưỡng về thể chất cho mọi thành viên trong gia đình. Vấn đề mà các bạn quan tâm là làm sao để mọi người khỏe mạnh suốt chuyến du lịch. Bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong bài viết dưới đây.