Ngôi nhà tranh, vách đất là nơi bà Nguyễn Thị Hiếm, xóm Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc) sinh sống khi thiếu vắng trụ cột trong gia đình.
(HBĐT) - Ở xóm Đồng Chanh (xã Tu Lý - Đà Bắc) ai cũng bảo chị Nguyễn Thị Hạ là người may mắn khi có được một tấm chồng chịu thương, chịu khó, yêu vợ, thương con. Còn anh Đinh Văn Nhu (sinh năm 1972) - chồng chị luôn là một tấm gương mẫu mực trong xóm bởi sự cần cù, chịu khó. ấy thế, đùng một cái cả xóm, cả xã xôn xao về việc anh Nhu tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. “Ngày 25/5 vừa rồi là tròn một năm.
Nhà vừa làm lễ bỏ tang (giỗ hết theo phong tục người Mường - NV) cho anh ấy”, cố giấu đi những giọt nước mắt mặn đắng, đôi mắt chị Hạ ngước nhìn về phía bàn thờ - nơi đặt di ảnh người chồng quá cố - trong nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ngày 25/5/2015, cả gia đình chị chẳng thể nào quên. Sau bữa cơm trưa đạm bạc giữa nắng hè oi ả, họ đã mất đi người chồng, người cha. Giấu những giọt nước trên khoé mắt, chị Hạ kể: Hôm đấy cũng như mọi khi, cả nhà cơm nước xong thì không thấy bố cháu đâu. Cứ nghĩ là anh ấy chạy sang nhà hàng xóm chơi nhưng đợi mãi vẫn không thấy về. Linh tính mách bảo như có điều chẳng lành, khi mọi người trong nhà đi tìm thì phát hiện anh ấy đang nằm ở vườn, bên cạnh là vỏ chai thuốc diệt cỏ đã mở nắp, miệng anh ấy nồng nặc mùi thuốc. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. “Có chồng thì còn được san sẻ. Mất chồng cả gánh nặng dồn lên vai”, nỗi đau đã chìm lắng giờ như được khơi lại, cào xé tâm can người đàn bà khốn khổ.
Cũng là nỗi đau của người ở lại nhưng với bà Nguyễn Thị Hiếm, xóm Mè (xã Tu Lý) lại là một hoàn cảnh bi thương hơn cả. Vốn là một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống của 2 vợ chồng và 5 người con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp chẳng đủ ăn. Tuy vậy, bản thân bà Hiếm thường xuyên đau yếu nên mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền công làm thuê bấp bênh của ông Đinh Văn Niến (sinh năm 1959) - chồng bà. Tuy nhiên, vào ngày 14/2/2016, “trụ cột” của gia đình ấy bất ngờ tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. Trò chuyện với chúng tôi, trên khuôn mặt khắc khổ, già nua lăn dài những giọt nước mắt khi nỗi ám ảnh về cái chết của người chồng còn chưa nguôi ngoai. Theo lời kể của hàng xóm, ông Đinh Văn Niến là người nghiện rượu. Từ rượu, ông Niến bắt đầu xuất hiện các biểu hiện loạn thần, hay nói lảm nhảm một mình. Cho đến ngày 14/2/2016, ông đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Khi cái “trụ cột” gãy đổ, dường như cả gia đình nghèo này cũng muốn đổ ụp xuống theo.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều gia đình ở Đà Bắc nói chung và xã Tu Lý nói riêng lâm vào hoàn cảnh chới với khi người đàn ông trụ cột trong gia đình bất ngờ tìm đến cái chết theo cái cách đau đớn và ám ảnh - uống thuốc diệt cỏ. Theo thống kê sơ bộ của Công an huyện Đà Bắc, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có hàng chục trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Hầu hết các trường hợp sau khi uống thuốc diệt cỏ đều tử vong. Trong đó, xã Tu Lý là một trong những nơi có nhiều người tự tử bằng thuốc diệt cỏ nhất huyện. Theo thống kê của xã Tu Lý, từ năm 2010 đến nay xã có 8 người tự tử. Trong đó, 1 trường hợp treo cổ tự tử, còn lại 7 trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Riêng 6 tháng đầu năm nay, địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ làm 1 người chết. Ngoài vụ tự tử của ông Đinh Văn Niến, xóm Mè và Phạm Tiến Đạt (sinh năm 1994), trú tại Bình Lý (Tu Lý) trên địa bàn huyện cũng xảy ra một số vụ tương tự. Trong đó, mới nhất là vụ Hà Văn Pìn (sinh năm 1959) trú tại xã Tân Pheo, ngày 14/5/2015, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Trong quá trình bỏ trốn, do mặc cảm tội lỗi nên đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Trước đó, vào ngày 16/4/2016, tại xóm Tuổng Bãi, xã Mường Tuổng, Xa Văn Cảnh (sinh năm 1996) do bế tắc trong cuộc sống cũng đã uống thuốc diệt cỏ tự tử tại nhà riêng.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đau lòng trên theo đồng chí Nguyễn Văn Tuyển, Bí thư Đảng uỷ xã Tu Lý thì: Có người do bế tắc trong cuộc sống, có người do giận dỗi người thân dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực tìm đến cái chết. Sau những vụ việc xảy ra, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, coi đây là việc đáng lên án. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn nhiều người mang cái chết ra để đe dọa người thân. Vì thế nên chẳng thể biết khi nào những vụ việc tương tự xảy ra, đó là điều đáng buồn. Với những người không muốn sống, việc tìm đến cái chết là một sự giải thoát. Thế nhưng, nỗi đau để lại cho những người còn sống. Kéo theo đó là cả một hệ lụy xã hội không chỉ giới hạn trong mỗi gia đình mà nó còn có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội không thể giải quyết đơn giản trong ngày một, ngày hai.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Ngoài “kho” kiến thức tích lũy được qua 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, hàng ngày các cô, cậu học trò còn được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác từ các phương tiện truyền thông, hoạt động xã hội mang tính trải nghiệm... tuy nhiên, phần đông trong giới trẻ hiện nay vẫn loay hoay trước ngưỡng cửa “vào đời”.
Sự có mặt kịp thời cùng với tinh thần dũng cảm quên mình của những thuyền viên trên 2 chiếc cano và 2 tàu du lịch đã cứu sống 53 con người trong đêm tối giữa sông Hàn. Ngay sau cuộc tìm kiếm 3 người mất tích kết thúc, chúng tôi đã tìm đến họ...
(HBĐT) - Chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Nhà máy nước Cao Phong ngừng hoạt động. Hơn 1 tháng nay, hàng nghìn hộ dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) bị mất nước sạch sinh hoạt. Giữa mùa hè, người dân phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh uỷ về phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình, giai đoạn 2014-2020; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10, ngày 27/4/2015 quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2015-2020. Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 269, ngày 9/2/2015 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10 của UBND tỉnh.
(HBĐT) - Mặc dù những đòi hỏi, nhu cầu về chuỗi thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng ngày một trở nên bức thiết nhưng đến thời điểm này trên thị trường tỉnh vẫn chưa có một khu vực, cửa hàng hay chợ ATTP đúng nghĩa để ở đó người dân có thể mua thịt, cá, rau mà không phải nơm nớp lo thực phẩm bẩn.
(HBĐT) - Đó là tâm trạng của bất cứ ai khi đến Đồng Nghê, xã nằm cách trung tâm huyện Đà Bắc trên 80 km, xã vùng hồ Hòa Bình có địa bàn giáp ranh với các xã Mường Bang, Nam Phong (Phù Yên - Sơn La) và Kim Thượng (Tân Sơn - Phú Thọ).