Dưới cái nắng gần 40 độ C, để đảm bảo an toàn tính mạng, người dân vẫn phải xuống xe, dắt bộ khi đi qua cầu tạm Bến Khốm, xã Thượng Bì (Kim Bôi).
(HBĐT) - Giữa trưa hè tháng 6, ai cũng vội vã lao nhanh trên đường để trở về nhà hoặc tìm một bóng râm. Nhưng thà chịu nắng bỏng rát còn hơn nguy hiểm tính mạng nên bất chấp cái nắng 40 độ C hầm hập bủa vây, cứ đến cầu Bến Khốm (xóm Đầm Sáng, xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi) là người dân dừng xe, xuống dắt bộ qua cầu. Kể từ ngày khởi công năm 2008 đến nay, cầu Bến Khốm vẫn chỉ là mấy mố cầu dang dở. Cầu tạm được dựng lên, cầu gỗ đã sập rồi đến cầu tre cũng mục, giờ đây, những tấm bê tông được đổ tạm làm cầu.
Cùng chúng tôi khảo sát khu vực cầu Bến Khốm, đồng chí Bùi Văn Thượng, Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Bì cho biết: Một cây cầu rộng rãi, kiên cố, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá là mong ước từ bao lâu nay của người dân Đầm Sáng. Chính vì thế 9 năm trước, khi cầu Bến Khốm cũ được dỡ đi để xây cầu mới, người dân Đầm Sáng vô cùng vui mừng. Nhưng niềm vui, hy vọng đó nhanh chóng qua đi vì đơn vị xây dựng chỉ đổ được mấy cái mố cầu rồi bỏ vậy. Cầu cũ đã dỡ, cầu mới chưa xong, bí bách với nhu cầu đi lại nên người dân đóng góp vật liệu làm cầu tạm bằng tre. Theo thời gian và do nước lũ, cầu tre hỏng người dân lại góp nhau làm cầu gỗ rồi cầu gỗ hỏng. Xác định không biết đến bao giờ cầu mới làm xong nên xã Thượng Bì đã xin và được huyện hỗ trợ 14 triệu đồng. Xã vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công đổ tạm các tấm bê tông để ghép thành cầu tạm như hiện nay.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, việc thi công cầu Bến Khốm dang dở 9 năm nay dẫn đến 2 hệ luỵ lớn là ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đi lại, giao lưu hàng hoá và đặc biệt là gây mất ATGT.
Đồng chí Bùi Thị Thắng, Bí thư chi bộ xóm Đầm Sáng cho biết: Cầu thi công dang dở ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đây là con đường chính, quan trọng nhất để người dân Đầm Sáng đi lại, người lớn đi làm đồng, trẻ em đi học; nối từ Thượng Bì sang Vĩnh Đồng. Không có cầu, không có đường đi, khó khăn, vất vả vô cùng. Cầu tạm thì không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân lại liên tục bị hỏng do mưa lũ. Gần đây nhất, cơn mưa ngày 18/5 làm các chân cầu tạm bị xói mòn nghiêm trọng, đe doạ sập cầu, cắt đứt việc đi lại. Trước tình hình đó, xóm đã vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công, sử dụng rọ sắt để cố định và đắp các chân cầu tạm. Mùa mưa lũ năm nay, người dân Đầm Sáng nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của cầu tạm. Nếu cầu sập sẽ “chặt đứt” đường đi của bà con.
Như đã nói ở trên, một trong những vấn đề nguy hiểm đặt ra do thi công cầu Bến Khốm dang dở là gây mất ATGT. Cầu Bến Khốm nằm ở giữa cánh đồng, không gần nhà dân, không có điện chiếu sáng. Cầu đang thi công dang dở nhưng không có biển cảnh báo an toàn, không có barie hoặc vật cản chặn đường đi lên cầu. Vì thế, suốt thời gian dài, vị trí cầu Bến Khốm thi công trở thành “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm. Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Trưởng Công an xã Thượng Bì: Tại khu vực cầu thi công dang dở đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông. Điển hình như vụ tai nạn vào tháng 6/2012 làm 1 thanh niên 26 tuổi tử vong và 1 bé 6 tuổi bị thương nặng vì rơi xuống suối. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp gãy răng, gãy chân, tay hoặc xây xước phần mềm do ngã xuống suối, nhất là với người dân từ nơi khác đến, không quen đường nên cứ đi thẳng lên cầu đang làm dở. Đặc biệt có trường hợp vào cuối năm 2014, công an xã cùng người dân phát hiện có xe máy rơi xuống suối nhưng không tìm thấy chủ nhân.
9 năm đã trôi qua, 210 hộ dân xóm Đầm Sáng là hơn 1.000 tính mạng vẫn phải hàng ngày, hàng giờ “vắt vẻo” sự sống trên cây cầu tạm mỏng manh, rộng hơn 1 m và không lan can. Mong mỏi lớn nhất của người dân xóm Đầm Sáng là một cây cầu kiên cố, vững chắc để Bến Khốm không còn là “bến khổ” như gần một thập kỷ nay.
Dương Liễu
(HBĐT) - Mặc dù những đòi hỏi, nhu cầu về chuỗi thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng ngày một trở nên bức thiết nhưng đến thời điểm này trên thị trường tỉnh vẫn chưa có một khu vực, cửa hàng hay chợ ATTP đúng nghĩa để ở đó người dân có thể mua thịt, cá, rau mà không phải nơm nớp lo thực phẩm bẩn.
(HBĐT) - Đó là tâm trạng của bất cứ ai khi đến Đồng Nghê, xã nằm cách trung tâm huyện Đà Bắc trên 80 km, xã vùng hồ Hòa Bình có địa bàn giáp ranh với các xã Mường Bang, Nam Phong (Phù Yên - Sơn La) và Kim Thượng (Tân Sơn - Phú Thọ).
(HBĐT) - Đã qua rất lâu thời thực phẩm trong mỗi gia đình phải tự cấp, tự túc. Thị trường tiêu thụ nông sản giờ dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đi lên của người dân. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất và những mặt trái của thị trường về hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngại, băn khoăn lựa chọn thực phẩm an toàn.
(HBĐT) - Truông Bồn - huyền thoại chống Mỹ; “tọa độ lửa”, “cửa tử” Truông Bồn; tiểu đội “cọc tiêu sống” đã viết nên khúc tráng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Những câu, từ có lửa đó, chúng tôi đã được nghe trong một chương trình truyền hình trực tiếp cứ mãi thôi thúc mình một lần được về mảnh đất thép Truông Bồn để nghe tiếp những câu chuyện cứ ngỡ chỉ có trong phim ảnh.
(HBĐT) - Năm năm trôi qua, không nhớ rõ đã bao lần kiến nghị, đề xuất lên các cấp chính quyền mong được đền bù để có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Thế nhưng sau 2 lần giải ngân “nhỏ giọt”, bà con vẫn chưa được hưởng đủ số tiền mà đáng ra họ phải được nhận từ vài năm trước.
(HBĐT) - Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên xã Miền Đồi (Lạc Sơn) cách đây gần 8 tháng. Phải lòng mảnh đất thơ mộng này, sau nhiều lần hò hẹn, vượt qua cái nắng của những ngày hè oi ả, chúng tôi đã có mặt để một lần nữa được hòa mình vào gió trời trên thảo nguyên lộng gió và ngắm những thửa ruộng bậc thang xa ngút ngàn.