(HBĐT) - Bác Nguyễn Văn Nhàn, nguyên trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào chia sẻ: Mỗi hội viên, chiến sĩ từng chiến đấu trên đất nước Triệu Voi đều lưu trong lòng những ký ức đẹp về tình quân dân Việt - Lào anh em. Mỗi kỷ niệm đều nâng bước anh em hội viên có thêm động lực, phấn đấu đóng góp hơn nữa để củng cố thêm tình hữu nghị bền vững.


Dẫu đã 85 tuổi nhưng bác Bùi Minh Khai (tổ 9, phường Chăm Mát - TP Hòa Bình) vẫn hồ hởi, sôi nổi khi nhắc lại những năm tháng chiến đấu, công tác tại Lào trong kháng chiến chống Pháp. Quê gốc Nam Định nhưng sinh ra ở Thái Lan, năm 1949, nhận thức được trách nhiệm đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bác đã tham gia quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể là tham gia nhiệm vụ cùng Đoàn 82 giúp đỡ nước bạn Lào xây dựng lực lượng quân đội, chính quyền, các đoàn thể, mặt trận Lào, chung sức giải phóng đất nước Lào anh em.

Có được lợi thế biết nói, biết viết chữ Lào và am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, văn nghệ nước bạn đã giúp chiến sĩ trẻ Bùi Minh Khai nhập cuộc nhanh hơn trong việc tiếp cận, tuyên truyền giác ngộ nhân dân. Những năm tháng đó, bác và đồng đội chia sẻ, thấu hiểu cặn kẽ những gian khổ, vất vả và hy sinh, mất mát của quân dân nước bạn. Tuổi trẻ với nhiệt huyết, trách nhiệm, bác và các đồng đội không ngại gian khổ làm tròn trách nhiệm của mình. Nay vừa qua cơn sốt rét run người đã đến Mường Sinh(Luông Nậm Thà) gặp người dân nơi xóm bản. Mai đã vượt sông Mê Kông có mặt ở Mường Ngòi, Nậm Bạc, Nậm Sương, Nậm U, Pak Xeng ở Luông Pra Băng để gây dựng cơ sở mặt trận, đoàn thể. Có chút năng khiếu về hát tiếng Lào, thổi khèn bè, bác đến với mọi người thuận lợi hơn để tuyên truyền sâu hơn về cuộc kháng chiến chống Pháp của 2 dân tộc; khơi lên trong lòng người dân Lào về ý nghĩa, hình ảnh của Việt Nam, quân đội Việt Nam trong nhiệm vụ cao cả này trong việc chung chiến hào đánh giặc.


Bác Bùi Minh Khai, tên được các bạn Lào gọi là "Bun Khai” ở tổ 9, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) vẫn trân trọng lưu giữ Huân chương giải phóng do nước bạn Lào trao tặng.

Cùng ăn, ở, cùng làm nương rẫy với bà con càng giúp bác làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Bác chia sẻ rằng: Bà con người Lào tốt và thương bộ đội Việt Nam lắm. Lần đơn vị bị địch bao vây bất ngờ ở bản Phả (huyện Nậm Bạc), lạc đơn vị, lạc trong rừng chúng tôi đã được 1 bà mẹ Lào giúp đỡ. Biết quần áo chúng tôi có nhiều chấy, rận, bà đã lấy ống bương và nhét quần áo vào để đun sôi diệt chấy, rận cho chúng tôi…

Với nước Lào, bác Bùi Minh Khai có gần 10 năm gắn bó, chưa kể những lần khác cùng quân đội nước bạn tiến về giải phóng Chiềng Cọ, Mường ét, giải phóng Sầm Nưa. Năm 1998, được thăm lại nước Lào, ông và các đồng đội đã được đến thủ đô Viên Chăn và 5 tỉnh, 3 huyện của nước bạn. Gặp lại đồng đội, người dân Lào năm nào trong lòng ông lại rưng rưng nhớ tới những ngày tháng công tác chiến đấu, công tác trong những cánh rừng Lào năm nào. Kỷ niệm đó đã theo ông đi suốt cuộc đời. Viên chăn, Thà Khẹt, Chăm pa sắc, Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ, Luông Pra băng…mỗi địa danh đối với ông đều thấy thân thương, quen thuộc như chính quê hương, đất nước mình…

Ông trân trọng những bức ảnh về lần trở lại chiến trường xưa cùng Huân chương giải phóng vì có công giúp cách mạng Lào thời kỳ 1945 - 1975 do nước bạn trao tặng. Với các bạn Lào, cái tên Lào "Bun Khai” vẫn luôn được nhắc đến.

Với bác Nguyễn Văn Hợi (tổ 3, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình), kỷ niệm với nước bạn Lào là cả một thời tuổi 20"chân đi không bén đất” chiến đấu ở vùng Pak beng (tỉnh U-đôm-xay) và cả những gì thuộc về hiện tại. Bác trân trọng biểu tượng Thạt Luông (Viên Chăn) do con một đồng đội cũ ở tỉnh Hủa Phăn tặng trong lần đến thăm gia đình cách đây không lâu, cùng tập bản thảo viết tay với những vần thơ bác viết về các địa danh từng qua như bài "Nhớ về bản Na Sao-Mường Xay”. "Chốt Na không”, chốt Tông Sơ, mường Hùm, đánh tàu địch trên sông Mê Kông…Những vần thơ chân chất, chứa chan tình cảm của anh bộ đội Việt Nam đang tuổi thanh niên, "chia lửa” cùng bộ đội Pa thét Lào và dân quân, du kích Lào đánh giặc ở U-đôm-xay, trái tim của vùng Bắc Lào.

Bác Hợi cho biết: "Những ngày chiến đấu ở Lào có bao điều để nhắc, để nhớ…Nào chuyện tự học tiếng Lào, chữ Lào để có thể nắm dân, bàn bạc các phương án tác chiến với bạn. Nào tình cảm quân dân Việt Nam và quân dân Lào; những chia sẻ ngọt bùi, đắng cay…Đất nước Lào cho chúng tôi nhiều cảm nhận đặc biệt”. 2 lần đến Lào, mỗi lần đều đọng lại trong bác những kỷ niệm khó quên. Gian khổ, hy sinh đấy, nhưng tình cảm, sự gắn bó giữa bạn và ta thật khó có thể nói hết.

Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm đều theo suốt cuộc đời. Nhưng có 1 kỷ niệm khiến bác luôn xúc động, đó là lần đi đánh thọc sâu ở Pak Beng gần bờ sông Mê Kông. Hành quân 4-5 ngày thì đến trung tâm huấn luyện quy mô của địch. Do có sự chuẩn bị tốt về phương án tác chiến, trận đánh phối hợp giữa bộ đội 2 bên giành thắng lợi lớn nhưng nỗi mất mát lại khó quên. Trận đó, đại đội phó Lò Văn Sương (Mường La - Sơn La) vĩnh viễn nằm lại bên cánh rừng Lào ở độ tuổi 24-25. Sau này, bác Hợi đã có những thông tin cần thiết gửi cho ngành chức năng của tỉnh Sơn La nhằm có thể quy tập hài cốt anh về nước. Chưa có điều kiện trở lại chiến trường xưa, bác đành "trở lại” qua những vần thơ tươi trẻ, đầy nhớ nhung năm nào cùng các kỷ vật được trân trọng lưu giữ như 2 tấm Huân chương giải phóng được nước bạn Lào tặng vào năm 1979 và năm 1993 cùng biểu tượng Thạt Luông được tặng năm nào.

Mỗi CCB, mỗi cán bộ, chuyên gia từng chiến đấu, công tác tại Lào đều lưu lại trong lòng những ấn tượng tốt đẹp về xứ sở hoa Chăm pa. Trong cuộc sống hôm nay, mỗi người đều cố gắng góp sức mình xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt đó.

 

                                                               Bùi Huy

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục