(HBĐT) - Chiều ngày 19/5, hàng trăm người dân xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đã tập trung tại UBND xã và nhà văn hóa xóm Tân Lập, ra bờ sông Đà để phản đối tình trạng khai thác cát rầm rộ diễn ra từ tháng 4 đến nay. Lý giải của người dân là quá bức xúc trước “đại công trường” khai thác cát trên sông Đà với mức độ quá lớn làm đảo lộn cuộc sống và đã kiến nghị lên cấp trên nhưng không chuyển biến.

 

Khi tổ công tác liên ngành của tỉnh xuống giải quyết vấn đề khai thác cát, người dân đã đề nghị đối thoại về vấn đề này. Theo phản ánh của người dân, từ ngày 8/4, bắt đầu xuất hiện nhiều tàu hút cát, tàu cuốc trên sông Đà khu vực xã Hợp Thành, Hợp Thịnh. Tàu tập kết, neo đậu kín đặc một khúc sông và hoạt động suốt ngày đêm đinh tai nhức óc, chưa kể hàng trăm tàu đến chở cát đi về phía Hà Nội nhộn nhịp. Khúc sông bị cào móc, sục sôi, nguy cơ sạt lở.  

 

   Tàu hút cát trên sông Đà địa phận xã Hợp Thịnh vào sáng ngày 19/5.

 

Ông Nguyễn Trọng Hùng, xóm Tân Lập, xã Hợp Thịnh bức xúc nói: Nhà tôi cách khu vực tàu hút cát chỉ khoảng hơn 100 m. Tàu hoạt động ầm ĩ cả ngày lẫn đêm không tài nào ngủ được. Bãi cát trước đi mỏi chân nay sụt xuống vào tận ruộng ngô. Tôi 60 tuổi rồi, còn con cháu, nếu đất bị sạt lở sẽ ở đâu?! Cần làm rõ việc khai thác rầm rộ, nếu sạt lở mất đất sẽ đền bù cụ thể như thế nào?! Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc dừng việc khai thác cát, trả lại bình yên cho khúc sông để dân ăn được, ngủ được, mới làm được.

 

Cùng chung bức xúc, ông Hà Huy Thực, xóm Hạnh Phúc nêu ý kiến: Tôi thấy mức độ khai thác cát quá lớn, quá rầm rộ. Hệ lụy đến cả đời sống dân sinh, môi trường, dân mất ăn, mất ngủ. Ý nguyện của dân mong chấm dứt tình trạng này. Bây giờ dân bất an, lúa đã chín vàng ruộng nhưng không có tâm trạng nào đi gặt mà cứ lo nơm nớp ở bờ sông.

 

Đại diện cho nhân dân xóm Tân Lập, bà Trần Thị Hương cho biết: Trước đây, trên khúc sông ở 2 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành chỉ có 5 - 6 tàu hút. Từ tháng 4, tàu cuốc rầm rập đến hoạt động, neo đậu giữa sông như một “làng”. Ngày 6/5, tôi đã viết đơn phản ánh, kiến nghị gửi UBND xã. Xóm Thông cũng viết đơn kiến nghị vào ngày 7/5. Tuy nhiên, đến sáng ngày 19/5, tình trạng vẫn không chuyển biến gì đáng kể. Quá bức xúc, nhân dân đã phải tập trung lại để phản đối, chặn dừng xe của tổ công tác đề nghị đối thoại về vấn đề này.

 

Nhân dân xã Hợp Thịnh tập trung tại nhà văn hóa xóm Tân lập để đối thoại với tổ công tác của tỉnh.

 

Sau khi nghe ý kiến của nhân dân, đại diện cho tổ công tác, đồng chí Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Trọng Long, Phó Chánh thanh tra tỉnh đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân. Theo đó, trước thông tin phản ánh của nhân dân, trong ngày 19/5, tổ công tác đã đi thực tế, lập biên bản kiểm tra khai thác cát. Tại thời điểm kiểm tra, có 27 tàu trên sông Đà khu vực xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, vượt quá số lượng tàu đăng ký. Tổ đã yêu cầu 2 công ty tạm ngừng hoạt động.

 

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước đó, 2 công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại tiếp tục tái diễn. Tình trạng khai thác ồ ạt như vậy bản thân tôi cũng bức xúc và không thể để thế này. Kể cả giáp ranh bên phía tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp để giải quyết. Tới đây sẽ yêu cầu công ty phải có cam kết với xã, xóm không làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Tổ sẽ báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để giải quyết vấn đề.

 

Giải đáp thắc mắc của nhân dân, đồng chí Lê Trọng Long, Phó Chánh thanh tra tỉnh cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành liên quan phối hợp giải quyết. Hai công ty đã được tỉnh cấp phép khai thác cát nhưng hoạt động thực tế như vậy có phù hợp với giấy phép không, tới đây sẽ được làm rõ và công khai với nhân dân.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 51/QĐ-UBND, ngày 11/12/2013 Quyết định số 20/QĐ-UBND, ngày 21/4/2015, UBND tỉnh đã cấp phép lần lượt cho Công ty Hùng Yến và Công ty Sahara được khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Kỳ Sơn trong 24 năm, mức sâu + 4 m. Trong đó, Công ty Hùng Yến được phép khai thác cát tại xã Hợp Thành bắt đầu từ năm 2014, công suất 27.000 m3/năm, diện tích 20 ha. Công ty Sahara được khai thác cát tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh bắt đầu từ năm 2015, công suất 230.000 m3/năm, diện tích 75 ha. Khu vực khai thác có tọa độ xác định cụ thể, được thể hiện trên bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1:5.000. Doanh nghiệp phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, từ tháng 4, hai công ty đã tổ chức khai thác rầm rộ, vượt quá số tàu đăng ký.

 

Trước ý kiến của nhân dân, UBND huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan của tỉnh kiểm tra, lập biên bản đánh giá hoạt động khai thác cát của 2 công ty. Theo đó, mỗi ngày, 2 Công ty có khoảng trên 30 tàu cuốc, hút hoạt động. Ngày 10/5, UBND huyện ban hành công văn về việc tăng cường công tác QLNN và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Song, thực tế đến sáng ngày 19/5 vẫn chưa chấm dứt. Chỉ đến khi tổ công tác của tỉnh yêu cầu 2 công ty tạm ngừng hoạt độn, khúc sông mới “dịu” đi. Nhân dân mong vấn đề sớm được giải quyết dứt điểm.

                                                                           

                                                                     C.L

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục