Nhà bia lưu niệm khu di tích lịch sử cách mạng Tu
Lý - Hiền Lương tại xóm Mạ, xã Tu Lý (Đà Bắc) là điểm giáo dục truyền thống
cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ngược dòng lịch sử, tháng 2/1945, T.ư Đảng quyết định thành lập chiến khu Hòa - Ninh -Thanh. Theo Chỉ thị của T.ư Đảng, việc thành lập các khu căn cứ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa và đón giải phóng quân Nam tiến qua Hòa Bình bằng con đường từ Phú Thọ vào khu vực Tu Lý - Hiền Lương là một trong những cơ sở, điều kiện quan trọng hình thành và phát triển khu căn cứ cách mạng Hiền Lương - Tu Lý.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của xứ ủy Bắc kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh đã quyết định thành lập khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương. Ngày 10/2/1945 (ngày 28 Tết năm ất Dậu) được anh Đinh Công Hậu dẫn đường, đồng chí Vũ Thơ đã đến gặp anh Đinh Công Sắc ở xóm Tình Tràng - xã Tu Lý để bắt mối gây dựng cơ sở cách mạng. Từ đây, gia đình anh Đinh Công Sắc trở thành địa điểm liên lạc, hội họp, bàn kế hoạch xây dựng khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương và mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên cho LLVT tỉnh.
Trên cơ sở phong trào phát triển tốt và có đủ điều kiện lập khu căn cứ, Ban cán sự Đảng tỉnh quyết định mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại nhà ông Xa Văn Bình, bưa Đồng Miếng, xóm Giằng Sèo với 20 đội viên tự vệ cứu quốc của thị xã Hòa Bình và huyện Mai Đà. Trong sự đùm bọc, che giấu của nhân dân Hiền Lương - Tu Lý, các học viên hoàn thành khóa học trở về nhanh chóng thành lập và phát triển các đội tự vệ cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền. Lớp học quân sự thắng lợi đã đưa thanh thế của Việt Minh lên cao, lan truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp. Các hào lý khuất phục, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng.
Lực lượng cách mạng tại khu căn cứ ngày một lớn mạnh góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại tỉnh lỵ, châu lỵ chợ Bờ, Suối Rút, phố Vãng (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La). Năm 1946, lực lượng khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng khác của tỉnh tiêu diệt gọn Đảng Đại Việt Duy Dân đến chiếm Mường Diềm làm đại bản doanh và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở Hòa Bình.
Để ghi dấu những chứng tích lịch sử, tại xóm Mạ - xã Tu Lý và xóm Rồng - xã Hiền Lương đã xây dựng Nhà bia lưu niệm khu di tích lịch sử cách mạng Tu Lý - Hiền Lương. Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ vùng Tu Lý - Hiền Lương tiếp bước cha anh trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, đổi mới quê hương. Khu di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Tự hào với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân các xã Tu Lý - Hiền Lương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế nâng cao đời sống, xóa đói - giảm nghèo. Vùng Tu Lý - Hiền Lương hôm nay cùng bắt nhịp với các vùng, miền khác trong huyện, tỉnh trên con đường xây dựng NTM. Dẫu còn những khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, bộ mặt nông thôn dần có những đổi thay tích cực.
Đồng chí Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Tu Lý cho biết: Xã có vị trí thuận lợi, trung tâm xã cách huyện 3 km với hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã là điều kiện tốt cho nhân dân giao lưu, trao đổi tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm nông sản. Trên địa bàn xã có nguồn tài nguyên đất thích hợp cho trồng cây công nghiệp, cây lâu năm, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng mới... Trong phát triển kinh tế, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mang lại giá trị sản xuất cao. Qua 6 năm thực hiện CTMTQG xây dựng NTM xã đạt 12/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng KT-XH, đời sống nhân dân, môi trường nông thôn từng bước được cải thiện, nâng cao. Toàn xã có trên 90% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, trên 95% người dân có thẻ BHYT, 100% hộ dân được sử dụng điện, 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, bình quân thu nhập đầu người đạt 24 triệu đồng/năm.
Hà Thu
(HBĐT) - Chiều ngày 19/5, hàng trăm người dân xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đã tập trung tại UBND xã và nhà văn hóa xóm Tân Lập, ra bờ sông Đà để phản đối tình trạng khai thác cát rầm rộ diễn ra từ tháng 4 đến nay. Lý giải của người dân là quá bức xúc trước “đại công trường” khai thác cát trên sông Đà với mức độ quá lớn làm đảo lộn cuộc sống và đã kiến nghị lên cấp trên nhưng không chuyển biến.