Ông Giang Hồng Phúc, một người lính cựu kể với phóng viên về những năm tháng sống, chiến đấu ở Trung đoàn 12 Hòa Bình.
Chúng tôi tìm đến ông Giang Hồng Phúc- một người lính cựu của Trung đoàn 12, khi hai ông bà đang rục rịch chuyển về Hà Nội để xum vầy cùng con cháu an hưởng tuổi già. Ông Phúc trăn trở: tôi sắp xa Hòa Bình, nơi tôi đã sống, chiến đấu cả một thời trai trẻ cho đến hôm nay nhưng còn một việc chưa được thỏa lòng đó là: chưa được nhìn thấy khuôn hình Nhà tưởng niệm chiến sỹ Trung đoàn 12- Hòa Bình. Với những người lính đã từng tham gia kháng chiến trong những năm tháng ấy thì đây là một sự tri ân sâu sắc. Bởi, họ là những người đã ngã xuống khi dốc sức mình làm nên chiến thắng giải phòng Hòa Bình và sau này là chiến thắng Điện Biên phủ, lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu.
Cuối năm 1949, đầu năm 1950, một bộ phận của Trung đoàn 52 Tây tiến chuyển về đồng bằng thành lập Sư đoàn 320. Bộ phận còn lại ở lại Hòa Bình làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương và chi viện cho các chiến trường, làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn 12. Tháng 2/1951 Trung đoàn 12 được thành lập với lực lượng gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Lực lượng nòng cốt của Trung đoàn 12 là Tiểu đoàn 616 do đồng chí Đinh Công Niết làm Tiểu đoàn trưởng.
Là một trong những chiến sỹ của Trung đoàn 52- Tây Tiến ở lại xây dựng lực lượng nòng cốt cho Trung đoàn 12, ông Giang Hồng Phúc rành rọt: Trung đoàn 12- Hòa Bình là đơn vị kế tục sự nghiệp, truyền thống chiến đấu của Trung đoàn 52- Tây Tiến trước kia. Trung đoàn lúc này đã có biên chế, trang bị tương đối mạnh: vừa có tiểu đoàn tập trung và các đại đội bộ đội địa phương (huyện), vừa có lực lượng du kích rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trung đoàn có nhiệm vụ hiệp đồng với các đơn vị bạn chiến đấu trên địa bàn và làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân ở địa phương với 3 nhiệm vụ chính đó là: Độc lập và phối hợp với bộ đội cấp trên cùng dân quân du kích bảo vệ khu căn cứ của liên khu. Đồng thời bảo vệ an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân các dân tộc trong tỉnh. Chiến đấu bảo vệ an toàn các tuyến giao thông quan trọng nối liền các khu vực trong tỉnh với tỉnh bạn như đường 6, 12A, 12B, đường 21, 24, 59 và đường 15. Trong đó quan trọng nhất là tuyến QL6 nối liền Hà Nội, Hà Đông, Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, Thanh Hóa và nước bạn Lào. Bảo đảm cho các lực lượng cấp trên và trong tỉnh cơ động chiến đấu trên các hướng. Vừa làm nhiệm vụ giữ gìn ANCT, trật tự an toàn hậu phương vừa xây dựng lực lượng chiến tranh nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chỗ, chuẩn bị chiến trường cho bộ đội chủ lực về giải phóng tỉnh nhà. Tháng 11/1951, địch bắt đầu tấn công vào tỉnh Hòa Bình ( lần thứ 2) bằng cả đường sông và đường bộ. Đợt này chúng đã sử dụng tới 3 tiểu đoàn dù và 5 binh đoàn cơ động khống chế khu vực thị xã và đường 6. Trước tình hình cấp bách, ngày 18/11/1951 Tổng quân ủy và Bộ Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Hòa Bình để phá ý đồ chiến lược chiếm đóng lâu dài của địch, nhằm hỗ trợ cho các chiến trường. Trong chiến dịch này, Ban chỉ huy Trung đoàn 12 đã lệnh cho Đại đội 116 (Mai Đà) và Đại đội 16 (Kỳ Sơn) cùng du kích phối hợp với bộ đội của Đại đoàn pháo 351 bắn cháy và bắn chìm nhiều ca nô , tàu chiến của địch trên sông Đà. Một bộ phận của Tiểu đoàn 616 cùng du kích Quỳnh Lâm phục kích tiêu diệt toán xe cơ giới và 10 tên địch khi chúng từ thị xã càn quyét vào khu vực dốc Cun, phá ý đồ của địch tấn công vào đường 12A. Ngày 13/2/1951, bộ đội địa phương tỉnh phối hợp với tiểu đoàn 353 của Trung đoàn 9, tiêu diệt và bắt sống trên 1 Đại đội Âu phi, phá hủy 5 xe cơ giới và 1 xe tăng của địch ở Giang Mỗ, Bình Thanh (Kỳ Sơn). ..
Với tinh thần "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” , tất cả cho tiền tuyến, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 12 đã làm tròn nhiệm vụ thay thế "người anh cả” là Trung đoàn 52- Tây Tiến chiến đấu bảo vệ địa phương , bảo vệ an toàn các tuyến đường giao thông quan trọng, các khu căn cứ, các cơ quan Đảng, chính quyền và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 12 là những người lính đã viết tiếp "khúc tráng ca” của Đoàn quân Tây Tiến, sống chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Thúy Hằng