(HBĐT) - Tháng 10/2017, tỉnh ta hứng chịu thiệt nặng nề do áp thấp nhiệt đới gây ra, đặc biệt ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc. Trong đó, huyện Đà Bắc thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Trở lại xã Đồng Chum (Đà Bắc) sau hơn 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi cảm nhận được mảnh đất vùng cao đang hồi sinh mạnh mẽ.
Những ngày giá rét, dọc tuyến tỉnh lộ 433 từ xã Hòa Bình (TP
Hòa Bình) đến thị trấn Đà Bắc, rồi từ thị trấn "leo” lên đến xã Đồng Chum là cả
một hành trình dài và nguy hiểm. Phải mất cả buổi chiều chúng tôi mới đến được
trụ sở UBND xã.
Trời sẩm tối, chúng tôi cùng anh Lường Văn Lứng, cán bộ địa
chính - nông nghiệp xã về nhà chuẩn bị bữa cơm tối với toàn thực phẩm "cây nhà
lá vườn”. Nhâm nhi chén rượu anh Lứng nhớ lại: Lần đầu tiên chứng kiến cơn lũ
khủng khiếp như vậy. Chỉ 2 ngày mưa to kéo dài, nước xối xả khiến nhiều xóm
thiệt hại nặng. 1 người bị lũ ống cuốn trôi mất tích. 37 hộ dân phải di dời
khẩn cấp đến nơi an toàn. 3 căn nhà dân, 4 lều nương bị đất, đá vùi lấp hoàn
toàn, 7 căn nhà khác hư hỏng nặng. Sạt lở taluy âm, dương khu vực nhà ở của 20
hộ dân các xóm: Hà, Mới 1, Mới 2, Nhạp
2. 10 hộ bị nước tràn vào nhà cuốn trôi và gây hư hại tài sản, thiệt hại khoảng
245 triệu đồng. Các trường mầm non, tiểu học đổ sập hàng chục mét tường bao.
Nước lũ nhấn chìm 3 thuyền máy và làm hư hỏng nặng 2 thuyền cùng nhiều tài sản
giá trị của người dân, thiệt hại khoảng
353 triệu đồng. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; gần 5 ha
ao cá, 14 lồng cá và các thiết bị phục vụ chăn nuôi bị thiệt hại ước tính
khoảng 1,3 tỷ đồng. Hàng chục ha lúa và hoa màu của người dân bị mất trắng…”.
Vườn rau sạch hơn 1.000 m2 của gia đình ông Xa Văn Chắp,
xóm Pà Chè, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đang nảy nở trên diện tích đất mà cơn lũ dữ
vừa tàn phá cách đây hơn 3 tháng.
Chúng tôi nghe câu chuyện anh Lứng vừa kể lặng người
vì độ tàn khốc mà thiên tai gây ra. ấy là chưa kể những thiệt hại nặng nề về cơ
sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông khiến cuộc sống của người
dân đảo lộn hoàn toàn.
Đồng Chum hôm nay không còn tràn ngập cỏ rác, bùn đất,
thay vào đó là những con đường bê tông được dọn dẹp sạch sẽ. Đứng trên khu vực
lúa của bà con bị mất trắng, đồng chí Xa Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã chỉ tay về
phía chiếc máy xúc đang hoạt động chia sẻ: "Trận lũ vừa rồi khiến bà con xót xa
lắm vì lúa hỏng hết, cát ngập trên bề mặt đến 1 gang tay. Hiện, 2 chiếc máy xúc
của 2 công ty trên địa bàn xã được huy động ngày đêm khắc phục tình trạng này,
nhanh chóng san thửa, loại bỏ cát giúp người dân sớm có đất sản xuất vụ chiêm
xuân 2018. Bà con đang tập trung thu hoạch sắn, một số diện tích luồng, tre kết
hợp với trồng gần 5 ha rau, củ, quả trên đất đồi và một phần đất ruộng để tự
cung, tự cấp tạm thời”.
Đứng trên thửa đất hơn 1.000 m2 của ông Xa Văn Chắp,
xóm Pà Chè với những mầm xanh đang "hồi sinh”, ông Chắp cho hay: "Phòng
NN&PTNT huyện cấp cho chúng tôi giống rau để trồng trên 2 ha giúp bà con tự
cung, tự cấp, đảm bảo nguồn lương thực sau lũ. Trên thửa đất nhỏ của gia đình,
lúa đã mất trắng nhưng thay vào đó là vườn rau xanh mướt đang nảy nở. Hiện, bà
con trong xã đã gieo cấy xong vụ chiêm xuân. Đợi đến vụ hè thu, với 25,5 ha cấy
giống lúa JO2 và DS1 do huyện hỗ trợ, chúng tôi sẽ nhanh chóng ổn định sản
xuất, khôi phục kinh tế sau lũ”.
Để đảm bảo cuộc sống cho 37 hộ thuộc diện di dời ở các
xóm: Hà, Cỏ Phụng, Nà Lốc, Mới 1 và Nhạp 2, xã đã chủ động khảo sát vị trí an
toàn để các hộ dựng nhà mới. Đầu năm nay, xã dựng xong nhà mới cho 23 hộ thuộc
diện di dời ở xóm Hà; 14 hộ ở 4 xóm còn lại sẽ được xã tiếp tục triển khai di
dời đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất. Công tác phòng, chống dịch bệnh sau
lũ được quan tâm kịp thời. Phòng Y tế huyện cấp các loại thuốc khử trùng và
phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm đến trạm y tế xã và cán bộ y tế thôn bản. Sau khi nhận đủ thuốc,
xã tiến hành phun trên diện rộng đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Các
tuyến đường giao thông bị sạt lở đã cơ bản thông tuyến, các tuyến kênh mương
phục vụ sản xuất dần trở lại ổn định.
Cùng chung tay với bà con Đồng Chum khắc phục hậu quả
thiên tai có 45 đoàn tình nguyện từ khắp nơi trên cả nước đã ủng hộ trên 488 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu
phẩm thiết yếu. Sự hỗ trợ kịp thời đó mang ý nghĩa to lớn thể hiện tinh thần
đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái trong khó khăn, hoạn nạn.
Thanh
Sơn