Thực nghiệm hiện trường một vụ cướp xe ôm
Cuối năm, tiết trời se se lạnh. Mới hơn
18h, hành khách đi lại ở bến xe Nam Định vẫn còn khá đông đúc. Gác chân lên
chiếc Cub 80-70, anh Vượng ngồi đón khách ở khu vực trước cổng bến xe. Vốn là
công nhân Nhà máy dệt Nam Định, từ khi nhà máy lâm vào cảnh sa sút, vợ chồng
anh phải nghỉ không lương. Có ít tiền gom góp từ lâu, anh mua chiếc xe máy,
hành nghề chạy xe ôm kiếm tiền nuôi con.
Chợt có 2 thanh niên, trong đó một người
xách chiếc ba lô từ trong bến xe đi ra tiến lại phía anh Vượng: "Anh cho
chúng tôi ra ngã ba đường Giải Phóng". Anh Vượng mừng rơn nổ máy. Chẳng
mấy chốc, chiếc xe chở 2 vị khách đã đến khu vực ngã ba, nơi giao nhau giữa
đường Giải Phóng và Quốc lộ 10. Khách xuống xe song dáng vẻ khá tần ngần:
"Giờ này chẳng còn chiếc xe khách nào chạy về Gôi nữa… Hay anh cho chúng
tôi đi tiếp về Gôi, trời tối mất rồi". Chần chừ giây lát rồi anh Vượng
cũng đồng ý.
Chạy đến Gôi, anh Vượng dừng lại, hỏi
tiền khách để quay xe trở về nhưng 2 vị khách tiếp tục nài nỉ: "Nhà chúng
tôi chỉ còn cách đây vài cây số nữa thôi. Anh chở tiếp chúng tôi vào Yên Lương.
Chúng tôi trả thêm tiền". Liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, anh Vượng thấy
đã 21h. Đêm cuối năm, trời rất tối. Thoáng chút lo ngại nhưng rồi anh Vượng gật
đầu chở tiếp họ đi.
Từ Gôi đi vào, đường khá vắng. Làng xóm,
dân cư thưa thớt. Đang đi trên đường, chợt một trong hai vị khách kêu lên:
"Thôi chết, rơi mất dép rồi". Nghe tiếng kêu của khách, anh Vượng vội
đạp phanh. Người khách phía sau vùng nhảy xuống. Vốn là người có ý thức cảnh
giác, anh Vượng kín đáo tắt chìa khóa điện đồng thời dùng chân gạt luôn công
tắc phụ do anh tự thiết kế dùng để chống cướp ở phía đuôi chân chống. Động tác
ấy, anh làm rất nhanh nên 2 vị khách không hề hay biết.
Đúng lúc ấy, chiếc mũ bảo hiểm trên đầu
anh Vượng bất ngờ bị giáng một đón khá mạnh, cụp xuống. Bị tấn công bất ngờ,
khi anh Vượng chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một đòn khác giáng tiếp khiến anh
choáng váng, gục xuống.
Thấy anh Vượng choáng ngất, 2 tên cướp
lục soát người anh cướp đi chiếc ví bên trong có giấy tờ xe máy, thẻ thương
binh, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận mất sức lao động… cùng chiếc đồng hồ
Seiko quarzt anh đang mang trên cổ tay. Một trong 2 tên chụp chiếc mũ bảo hiểm
của anh Vượng lên đầu rồi bật khóa điện, đạp cần khởi động nhưng đạp mãi xe vẫn
không nổ. Hè nhau, 2 tên đẩy xe để nổ máy nhưng cả hai vã hết mồ hôi vẫn không
được. Đúng lúc ấy, anh Vượng tỉnh lại.
Rất nhanh, anh vùng chạy ngược về hướng
có khu dân cư phía trước, hô hoán: "Cướp, cướp…". Giữa đêm hôm khuya
khoắt, bà con quanh khu vực nghe tiếng kêu cứu thất thanh vội đổ xô chạy ra.
Thấy thế, 2 tên cướp hoảng sợ vứt lại chiếc xe máy vội tẩu thoát… Còn nạn nhân,
ngay sau đó được bà con đưa đến bệnh viện Ý Yên cấp cứu.
Nhận tin vụ cướp xe ôm không thành xảy
ra ở khu vực xã Yên Lương, huyện Ý Yên, Nam Định, Thiếu tá Trần Xuân Du, Phó
trưởng Phòng CSĐT - Công an tỉnh Nam Định cùng các điều tra viên có mặt ngay
tại hiện trường. Khu vực xảy ra vụ án chỉ cách trụ sở UBND xã Yên Lương chừng
1km. Đây là khu vực rất vắng, hai bên là ruộng lúa.
Chiếc xe máy Honda 80-70 màu ốc bươu,
BKS: 18-0273-S1 còn nằm đổ ngang trên đường. Mở rộng hiện trường, các điều tra
viên thu được chiếc mũ bảo hiểm của anh Vượng bị bọn cướp vứt cách đó khoảng
30m. Trên một bờ ruộng, cách hiện trường khoảng 100m, các ĐTV còn thu được một
đôi côn gỗ. Tuy dính bùn đất nhưng cả mũ bảo hiểm và côn gỗ đều có nhiều dấu
vân tay chồng chéo lên nhau.
Nạn nhân tuy bị thương nhưng rất may
không nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài nhiều vết thâm tím trên đầu, trên mặt, anh
Vượng bị một vết rách ở đầu khá nghiêm trọng phải khâu đến 6 mũi. Theo lời khai
của anh Vượng, tên cướp thứ nhất, trên 30 tuổi, cao khoảng 1m62 đến 1m64, tóc
cắt bình thường, mặt cân đối, da ngăm đen, ria mép tỉa cầu kỳ.
Đặc biệt, tên này có hàm răng màu xỉn
tối, bẩn. Gã mặc chiếc áo rét màu bộ đội, quần màu tối, xách một chiếc ba lô
con cóc có buộc dây phía miệng. Khi đi, gã ngồi giữa và chính là kẻ đã lạnh
lùng dùng côn đánh vào đầu anh Vượng. Còn tên cướp thứ hai, tầm dưới 30 tuổi,
thấp hơn tên cướp thứ nhất, đầu đội mũ mềm có lưỡi trai màu bộ đội, da mặt đen
đúa, hai hố mắt thâm quầng như người mất ngủ. Gã này cũng để ria mép, mặc áo
khoác màu sáng có đai phía sau, bên trong mặc áo sơ mi trắng.
Trong khi giao dịch thuê xe, hướng dẫn
đường đi, chỉ có tên cướp thứ hai lên tiếng, còn tên thứ nhất luôn im lặng.
Cũng chính tên thứ hai này giả vờ kêu rơi dép để tên thứ nhất tấn công nạn
nhân.
Từ hiện trường và thông tin mà bị hại
cung cấp, các điều tra viên nhận định, đây là vụ cướp có sự chuẩn bị khá kỹ từ
"kịch bản" đến hung khí gây án với thủ đoạn giả làm khách thuê xe ôm
rồi "điều" lái xe đến khu vực vắng vẻ, tấn công, cướp tài sản. Khả
năng, 2 tên cướp là người địa phương nên mới thông thuộc địa bàn đến vậy. Từ
nhận định ấy, Đại úy Nguyễn Công Goòng và Thiếu úy Ngô Minh Mai được chỉ huy
Phòng CSĐT chỉ đạo phối hợp cùng CAH Ý Yên rà soát các đối tượng trên địa bàn
Yên Lương và vùng lân cận. Một mũi trinh sát khác được tung đi thu thập nguồn
tin quần chúng ở khu vực bến xe Nam Định…Tại đây, một vài nhân chứng cho biết,
tối 7-1-1997, đúng là có 2 đối tượng với đặc điểm nhận dạng như nạn nhân tả lại
tìm đến thuê xe anh Vượng.
Giữa lúc công tác điều tra đang được
tiến hành khẩn trương thì bất ngờ ngày 9-1-1997, tức chỉ 2 ngày sau khi vụ cướp
trên xảy ra, nạn nhân nhận được bức điện lạ, đánh đi từ Bưu cục Ý Yên với nội
dung: "Vào nhận lại giấy tờ xe máy". Người gửi bức điện này ghi tên
là Vũ Đức Thịnh, địa chỉ nơi ở thôn Đông Hưng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam
Định.
Các điều tra viên nhanh chóng xác minh.
Kết quả cho thấy, đúng là ở Đông Hưng có anh Vũ Đức Thịnh. Người này làm nghề
chạy xe ôm, hiền lành, chăm chỉ, chưa hề có tiền án, tiền sự. Vấn đề đặt ra,
người đàn ông ấy có liên quan gì đến bọn cướp và vì sao anh ta có giấy tờ của
nạn nhân? Liệu có khả năng bọn chúng sử dụng giấy tờ để tống tiền? Một kế hoạch
tiếp cận đối tượng này được phác thảo, trong đó Thiếu úy Ngô Minh Mai sẽ vào
"vai" em trai anh Vượng.
Theo hẹn, chiều hôm ấy, anh Vượng cùng
"cậu em trai" tìm vào một địa chỉ ở Đông Hưng. Phía đối tác hoàn toàn
không biết trước đó, khu vực này đã được các trinh sát hình sự bí mật phong
tỏa. Tiếp anh Vượng và "cậu em trai", anh Thịnh cẩn thận nhìn người,
kiểm tra CMND của anh Vượng rồi mới lên tiếng: "Số giấy tờ này, tôi nhặt
được ở ngoài đường, thấy mang tên anh nên tôi điện cho anh vào nhận… Thôi chỉ
xin anh vài đồng bồi dưỡng".
Sau khi trình bày cũng là dân chạy xe ôm
mới bị ốm dậy, mong có sự thông cảm, anh Vượng chi bồi dưỡng cho anh Thịnh một
chút tiền chỉ vài trăm ngàn gọi là cảm ơn.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, anh Thịnh được
triệu tập lên CAH Ý Yên mà không hiểu có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi nhìn
thấy "cậu em trai" của người mất giấy tờ trong sắc phục cảnh sát, anh
ta mới hiểu ra mọi chuyện. Biết không thể che giấu được sự thật, anh Thịnh cho
biết, khoảng 8h sáng 8-1-1997, như mọi ngày, anh điều khiển xe máy ra khu vực
Cát Đằng trên địa bàn huyện đón khách và được một thanh niên khoảng 30 tuổi,
tóc cắt ngắn, mặc áo rét màu bộ đội, quần thụng, mũ mềm màu bộ đội, tay xách
chiếc ba lô con cóc đã bạc màu, đặc biệt anh ta có hàm răng màu xỉn, khá xấu
đến thuê chở về Yên Tiến.
Chạy về đến đoạn phải qua đường tàu
xuống đi bộ dắt xe, bất ngờ người thanh niên rút từ trong người ra một chiếc ví
giả da đưa cho anh Thịnh: "Trong chiếc ví này có một số giấy tờ quan trọng
như thẻ thương binh, giấy phép lái xe… Tôi không có tiền. Nay cho anh chiếc ví,
anh điện cho người có tên trong địa chỉ này. Họ sẽ tìm đến anh chuộc lại giấy
tờ. Thế nào anh cũng vớ bẫm đấy". Sau đó, anh Thịnh chở người khách ấy đến
chợ Đồi rồi gã đi đâu không biết...
Kẻ bị nghi
vấn
Lời khai của anh Thịnh tại cơ quan công
an là rất thành khẩn, cụ thể, rõ ràng. Như vậy, ngay trong buổi sáng hôm sau,
tên cướp có hàm răng màu xỉn đã lại xuất hiện thuê xe ôm và gã không hề sợ hãi
đưa toàn bộ giấy tờ cướp được của nạn nhân Vượng cho người này để khỏi phải trả
tiền thuê xe.
Khả năng tên cướp là
người sống ở ngay địa bàn này là gần như mười mươi. Ngay tức khắc, các điều tra
viên đã phối hợp với các trinh sát hình sự Công an huyện Ý Yên tổ chức rà soát
đối tượng, thu thập nguồn tin quần chúng trong khu vực.
Kết quả, các trinh sát đã được quần
chúng cung cấp một nguồn tin đáng chú ý. Trước đó, vào khoảng 8h sáng 2-1-1997,
ở khu vực đường đê thuộc địa phận thôn Hoàng Mẫu, xã Yên Lương xẩy ra vụ quỵt
tiền xe ôm có nhiều người chứng kiến. Một thanh niên thuê chiếc xe ôm Minxkhơ
màu đỏ chở gã từ thôn Gián Khuất vào Hoàng Mẫu.
Khi chạy về đến đoạn đường đê Hoàng Mẫu,
khách xuống xe nhưng "quên" không trả tiền mà đi thẳng xuống chân đê
khiến người chạy xe ôm phải đuổi theo. Không những không trả tiền gã nọ còn
thách thức: "Xuống đây mà lấy". Tức quá, người chạy xe ôm bỏ xe trên
mặt đê, lao xuống vị khách nọ. Không ngờ, gã này rút từ trong túi quần ra một
con dao nhọn vung lên đe dọa. Không chỉ thế, gã còn định chạy ngược lên đê,
cướp chiếc xe. Hốt hoảng, người chạy xe ôm vội bỏ chạy lên đê, hô hoán:
"Cướp… cướp".
Nghe tiếng kêu cứu, những người làm đồng
gần khu vực ấy gọi nhau chạy đến. Gã thanh niên vội bỏ chạy vào thôn Hoàng Mẫu.
Theo các nhân chứng, gã này trạc 30 tuổi, đội mũ mềm bộ đội, xách chiếc ba lô
con cóc, quần thụng, áo khoác màu bộ đội… Đặc biệt, gã có hàm răng màu xỉn,
giống đặc điểm nhận dạng tên cướp mà các điều tra viên đang truy tìm.
Từ thông tin thu thập, hai điều tra viên
Nguyễn Công Gòong và Ngô Minh Mai vào "vai" người đi săn chim ri la
cà vào thôn Hoàng Mẫu và khu vực chợ Đồi truy tìm tung tích tên cướp có hàm
răng màu xỉn. Mấy ngày liền, bà con trong thôn thấy có 2 thanh niên lạ mặt xuất
hiện cùng với khẩu súng hơi trong tay. Cũng thấy 2 thanh niên này có
"chiến lợi phẩm" là 3 con chim ri, tuy nhiên mắt họ nhìn cây tìm chim
thì ít mà chỉ thấy la cà hết ngõ nhà này đến xóm khác. Mất khá nhiều thời gian
nhưng công sức của 2 anh không uổng. Một người dân bất ngờ cung cấp: "Cái
thằng quỵt tiền xe ôm ấy chẳng phải người ở đâu xa lạ.
Nó là cháu bà Dơi trong thôn Hoàng Mẫu
đấy". Hai điều tra viên vội tìm đến nhà ông Đội trưởng sản xuất của thôn
và được ông này sốt sắng: "Nó là cháu gọi bà Dơi bằng dì… Để tôi hỏi giúp
cho. Ở nông thôn mọi chuyện phải khéo. Các anh tưởng làng quê không có "đầu
gấu" à? Không cẩn thận, nó trả thù cắt đuôi trâu hoặc phá lúa đấy!".
Thông tin nhanh chóng được xác minh, kẻ
quỵt tiền xe ôm ấy có tên là Hùng. Tuy nhiên, gia đình Hùng không sinh sống ở
thôn Hoàng Mẫu mà hiện trú ở nông trường Sông Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trong 2 ngày
2 và 3-1-1997, nhân chứng thấy Hùng có xuất hiện ở nhà bà Dơi nhưng hiện không
biết gã ở đâu? Đến nước này, các điều tra viên lại phải nhờ đến ông Đội trưởng
sản xuất.
Vừa bước chân vào nhà bà Dơi, ông Đội
trưởng đã lên tiếng: "Này, hôm trước, chuyện thằng Hùng nhà bà ở trên đê
là không được đâu đấy. Đi xe ôm lại còn quỵt tiền của người ta. Thế hôm nay nó
đâu? Về Hòa Bình chưa? "Không… Mấy bữa nay nó vẫn đang ở bên nhà ông
Khiển, chú ruột nó đấy" - bà Dơi trả lời.
Từ tài liệu thu thập, Ban chuyên án xác
định, kẻ quỵt tiền xe ôm, dùng dao đe dọa lái xe Minxkhơ vào sáng 2-1-1997 ở
khu vực đê Hoàng Mẫu chính là tên Hùng. Gã cũng là thủ phạm vụ cướp xe ôm của
anh Vượng tối 7-1-1997, sau đó đưa chiếc ví cướp được của nạn nhân cho anh
Thịnh vào sáng 8-1-1997. Hành tung của tên cướp có hàm răng màu xỉn tới lúc này
xem như đã rõ.
Manh mối vụ án đã hé mở, Thiếu tá Trần
Xuân Du quyết định vào Nông trường Sông Bôi để điều tra, xác minh làm rõ chân
dung tên cướp. Chiếc Suzuki 250 phân khối chở Thiếu tá Du và Đại úy Vũ Đại Điền
nhẩy chồm chồm trên con đường rải đá cấp phối vào huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa
Bình. Từ Nam Định, mãi đến chiều tối, 2 anh mới đến được Lạc Thủy.
Tại đây, các anh được biết, Đinh Xuân
Hùng, sinh 1971, năm ấy mới 26 tuổi, trú ở Đội 7, Nông trường Sông Bôi. Bố mẹ
Hùng đều là công nhân Nông trường, nay đều đã nghỉ hưu. Đối tượng này có vợ và
1 con nhưng thời gian gần đây gã thường bỏ nhà đi.
Một điều đặc biệt khác, trong khi xác
minh, thu thập thông tin về tên Hùng, Thiếu tá Du và Đại úy Điền nhận được
thông tin về vụ án mạng xẩy ra cách đó gần 3 năm và không ít người cho rằng có
liên quan đến kẻ mà các anh đang truy tìm.
Đó là vào ngày 2-2-1994, trên địa bàn
Nông trường Sông Bôi xẩy ra vụ giết người dã man. Nạn nhân là cô Trịnh Thị Y.,
cùng trú ở Đội 7 thuộc nông trường. Sáng hôm đó, Y. ra khỏi nhà đi cắt cỏ nhưng
vẫn chưa thấy về nên gia đình bổ đi tìm và phát hiện thi thể cô gái trẻ xinh
đẹp dưới chân núi Ba Cô. Hung thủ giết hại cô một cách dã man khiến mặt mũi
biến dạng, xương hộp sọ rạn nứt. Kết luận của giám định pháp y, nạn nhân tử
vong do chấn thương nặng sọ não.
Năm ấy Y. mới 20 tuổi. Vốn là cô gái trẻ
xinh đẹp, nết na, Y. được nhiều chàng trai để ý, lượn lờ tán tỉnh, trong số ấy
có Đinh Xuân Hùng. Qua điều tra, Y. được xác định bị giết hại vào khoảng thời
gian từ 10 giờ đến 12 giờ trưa. Tài sản mà cô Y. mang theo, ngoài chiếc xe đạp
cũ thì không có gì nên không thể cho đây là vụ giết người, cướp của. Mặt khác,
qua khám nghiệm tử thi cũng không phát hiện có dấu hiệu của hành vi hiếp dâm. Nghi
can lúc đó được xác định là Đoàn Trọng Đ., người Nông trường Sông Bôi, năm ấy
mới 16 tuổi. Căn cứ để bắt giữ Đ. là anh ta có xuất hiện ở hiện trường.
Theo nhân chứng, trưa hôm ấy, khi Đ. đến
một điểm chơi bạc, quần áo ướt hết cả và tuy còn trẻ nhưng Đ. có biểu hiện là
một kẻ cuồng dâm. Lại một điều càng đặc biệt nữa, khi bị bắt giữ, Đ. đã khai
nhận mình là thủ phạm giết cô Y. Theo Đ., trưa hôm ấy, anh ta gặp Y. chỉ định
trêu ghẹo nhưng bị cô phản đối nên đã kéo nạn nhân vào chân núi Ba Cô rồi dùng
đá giết chết. Vụ án đã được đưa ra xét xử. Với tội giết người nhưng còn đang ở
độ tuổi vị thành niên nên Đ. chỉ bị tuyên phạt 20 năm tù giam.
Vụ án khép lại nhưng trong dư luận vẫn
còn không ít hoài nghi, dị nghị. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ Đ. không phải là
thủ phạm của vụ giết người này. Bởi lẽ, năm ấy Đ. còn quá trẻ, mặt khác chỉ có
trêu ghẹo mà vác đá giết người thì điều đó thật khó có thể xảy ra. Không chỉ
thế, một số tình tiết khác trong vụ án chưa rõ ràng sáng tỏ. Một số người cho
rằng, thủ phạm vụ án là Đinh Xuân Hùng bởi sau khi phát hiện Y. bị giết thì gã
cũng biến mất…
Truy bắt tên ác
thú
Mặc dù tài liệu thu
thập đã khá đầy đủ nhưng Thiếu tá Du cùng Đại úy Điền quyết định tiếp cận với
gia đình đối tượng Hùng. Trong "vai’ cán bộ Bộ NN & PTNT, 2 anh tìm
xuống Đội 7, Nông trường Sông Bôi. Bố mẹ Hùng bữa đó đi vắng chỉ có vợ Hùng ở
nhà. Trong khi trò chuyện, người vợ của gã cho biết, trước khi lấy nhau, chị
này có biết Hùng có mối quan hệ yêu đương với cô Y.
Tuy nhiên, mối tình này bất thành, bởi
gia đình Y. phản đối vì Hùng là kẻ chỉ biết chơi bời lêu lổng, lười làm, du
thủ, du thực. Sau khi Y. bị sát hại, Hùng thường bỏ nhà đi đâu không biết.
Thỉnh thoảng, gã mới về nhưng lén lén, lút lút, tối tạt qua thăm vợ con, sáng
sớm hôm sau đã nhanh chóng chuồn ngay. Dường như Hùng có một nỗi lo sợ, ám ảnh
nào đó.
Quay lại Công an huyện Ý Yên, các điều
tra viên tỉ mỉ chắp nối, dựng lại thời gian, đường đi của Hùng. Thời điểm cuối
cùng là sáng 8-1-1997, gã có đến nhà người anh họ tên là Tiệp ở chợ Đồi, xã Yên
Thắng. Khéo léo tiếp cận người này, các điều tra viên được biết, hôm đó, Hùng
có đến nhà anh này chơi rồi sau đó sang nhà anh Hòa gần đó làm thuê lò gạch.
Song qua xác minh, Đinh Xuân Hùng đã lại
vọt lên Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào rạng sáng ngày hôm sau. Vậy là một lần nữa,
tên cướp thoát khỏi sự truy bắt của Ban chuyên án. Trên cơ sở tài liệu thu
thập, lệnh bắt khẩn cấp tên cướp này được phê duyệt. Hai điều tra viên dày dặn
kinh nghiệm là Đại úy Nguyễn Công Gòong và Đại úy Vũ Đại Điền được cử đi Mộc
Châu. Lên đến Mộc Châu, các anh được biết, ở địa bàn này có tới 4 nhóm thợ Ý
Yên lên đây làm thuê. Nhóm thợ của anh Hòa làm mãi trong bản Ôn, một vùng núi
sâu, hẻo lánh. Vất vả lắm, Đại úy Gòong và Đại úy Điền mới tìm được vào đến
nơi.
Thời điểm ấy, dân Ý Yên những lúc nông
nhàn thường rủ nhau lên Mộc Châu, Sơn La làm thuê, chủ yếu là làm thợ xây và
thợ mộc, xây cất các căn nhà cho người dân bản địa. Cùng lúc, anh Hòa nhận xây
dựng tới 2 căn nhà. Sau phút mừng rỡ khi phát hiện nhóm thợ của anh Hòa đang
làm thuê ở bản Ôn, 2 điều tra viên lại hẫng hụt, lo lắng. Bởi, qua nắm tình
hình, trong nhóm thợ này có 4 người Ý Yên. Tuy nhiên, không có một ai tên là
Hùng.
Chỉ có một người có hình dáng giông
giống như đặc điểm tên cướp mà bị hại, nhân chứng tả lại nhưng anh ta mang tên khác.
Lại một nỗi khổ khác, tuy quê gốc ở Ý Yên nhưng Hùng sinh ra và lớn lên ở Nông
trường Sông Bôi, Hòa Bình nên không có ảnh trong hồ sơ tàng thư. Mặt khác, vì
yêu cầu bí mật, tránh đối tượng phát hiện, bỏ trốn nên các ĐTV không thể trực
tiếp tiếp cận.
Mở rộng điều tra sang các nhóm thợ khác
đang làm thuê trong vùng nhưng cũng không có ai mang tên Đinh Xuân Hùng. Không
thất vọng, Gòong và Điền quyết định bí mật rà lại số thợ trong nhóm của anh
Hòa. Người thanh niên trong nhóm thợ có hình dáng hao hao giống tên cướp mà các
anh truy tìm mang CMND với tên là Đinh Văn Long, quê quán ở Ý Yên, Nam Định.
Cẩn trọng, các anh điện ngay về đơn vị đề nghị xác minh gấp.
Nhận được điện, Phòng CSĐT - Công an
tỉnh Nam Định khẩn trương phối hợp với Công an huyện Ý Yên xác minh ngay trường
hợp này và cú điện trên khiến 2 chiến sỹ cảnh sát lặng người: "Kẻ đội lốt
Đinh Văn Long chính là Đinh Xuân Hùng. Theo dõi, giám sát chặt". Ngay lập
tức, Phòng CSĐT Công an tỉnh Nam Định quyết định cử tiếp Đại úy Đỗ Hải Đường, Đội
trưởng Đội án truy xét và Đại úy Nguyễn Minh Tuấn cấp tốc lên đường lên Mộc
Châu.
Trời rét thấu xương, đường trơn như đổ
mỡ, Đại úy Đường và Đại úy Tuấn phải vật lộn vô cùng vất vả với chiếc mô tô ba
bánh. Cả người và xe bê bết những bùn và đất. Có những đoạn dốc không thể đi
nổi, họ phải xuống đẩy xe. Cuối cùng hai anh cũng đến được bản Ôn.
Tại trụ sở UBND xã, kẻ mang tên Đinh Văn
Long không khỏi ngỡ ngàng, thoáng chút lo sợ. Tuy nhiên, khi ngồi trước các
điều tra viên, gã cố tỏ ra bình tĩnh. Trước biên bản thẩm vấn:
- Anh tên Đinh Xuân Hùng?
- Dạ, thưa… không. Cháu là Đinh Văn
Long, ở Yên Lương, Ý Yên
- Gia đình ông K. ở Yên Lương đúng là có
con trai tên là Đinh Văn Long nhưng đang ở nhà. Chúng tôi vừa gặp hôm qua…
- Dạ…
- Anh chính là Đinh Xuân Hùng, cháu bà
Dơi, ở xã Yên Lương. Hiện gia đình anh sinh sống ở Đội 7, nông trường Sông Bôi.
Anh đã có vợ và một con. Lệnh bắt khẩn cấp đã ghi rõ hành vi phạm tội của anh.
- Dạ… cháu bị oan ạ!
- Các nạn nhân và nhân chứng đều đã khai
rất rõ về anh. Chiếc ví giả da anh đưa cho người chạy xe ôm ở bến xe Nam Định
rồi vụ đi xe ôm quỵt tiền còn giở thói côn đồ đánh, cướp xe anh trả lời thế
nào?
Tới lúc này, Đinh Xuân Hùng quỵ hẳn, cúi
đầu ấp úng: "Dạ… cháu xin khai…".
Bản kết luận điều tra sau đó cho thấy
trong một thời gian dài, Đinh Xuân Hùng sống lang thang, dặt dẹo ở nhiều nơi,
không dám về nhà. Câu chuyện bắt đầu từ vụ án mạng xảy ra cách đó khoảng gần 3
năm. Cùng lớn lên ở Nông trường Sông Bôi gã và Y. nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên,
mối tình ấy không được gia đình Y. chấp nhận.
Nuốt hận, Hùng đi tìm hiểu rồi kết hôn
với một cô gái trong vùng. Cuộc sống tưởng chừng cứ thế bình lặng trôi đi. Thế
nhưng, vào một ngày cuối năm 1994, trong khi vào rừng lấy rau lợn, tình cờ gã
gặp lại người yêu cũ đi cắt cỏ. Tình cũ, nghĩa xưa, hai người kéo nhau ngồi nói
chuyện. Nhìn cô bạn gái mới 19, 20 tuổi còn đang phơi phới giữa núi rừng chẳng
một bóng người, trong lòng gã chợt nổi tà dâm.
Ngồi một lát, Hùng lên tiếng gạ gẫm rồi
kéo Y. vào trong hang núi gần đó với ý định quan hệ tình dục. Song Y. phản ứng,
chống cự quyết liệt. Hoảng sợ cộng với nỗi tức giận, gã vơ hòn đá đập liên tiếp
nhiều nhát vào đầu cô gái xấu số.
Sau khi án mạng bị phát hiện, cơ quan
Công an tổ chức truy tìm thủ phạm, Hùng cũng nằm trong diện nghi vấn. Lo sợ, gã
bỏ trốn. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, Hùng nghe ngóng được biết, "thủ
phạm" vụ giết người này đã bị bắt, bị kết tội với mức án 20 năm tù nhưng
gã vẫn không dám về nhà.
Cứ thế, Đinh Xuân Hùng sống lang thang,
vạ vật hết nhà người họ hàng này đến gia đình người khác ở quê Ý Yên. Gần đây,
Hùng gặp rồi kết thân với Nguyễn Xuân Quý, sinh 1965, ở xã Yên Thắng, huyện Ý
Yên, Nam Định. Giống như Hùng, Quý cũng đang lẩn trốn bởi bị cơ quan Công an
truy nã về tội giết người.
Ngày 6-1-1997, Hùng và Quý gặp nhau
trong cảnh túng tiền nên bàn bạc ra Nam Định cướp xe máy bán. Khi đi Đinh Xuân
Hùng mang theo 1 con dao nhọn, 1 đôi côn gỗ và nạn nhân của 2 tên cướp tối đó
là anh Vượng. Sau khi vụ cướp không thành, Hùng và Quý bỏ xe, chạy trốn. Chiếc
ví cướp của anh Vượng, Hùng giữ. Còn chiếc đồng hồ Seiko, Quý cầm.
Vụ án khép lại với hình phạt cao nhất
dành cho tên ác thú cùng với 2 tội danh: Cướp tài sản và Giết người.
TheoNLD