(HBĐT) - Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sửa chữa vô tuyến điện, năm 1965, chiến sĩ Bùi Xuân Yêm (hiện ở tổ dân phố 16, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình) được điều vào xưởng sửa chữa vô tuyến điện đại tu máy bay của Cục không quân. Năm 1966, anh được vào Trung đoàn 10 đặc khu Rừng Sác. Đây là đơn vị được Bộ chỉ huy miền Nam giao chuyên đánh giặc ở vùng sông nước; chủ công đánh ở sông Lòng Tàu và cảng Nhà Bè.


Cựu chiến binh Bùi Xuân Yêm cùng các cháu nội.

Suốt 4 tháng đi bộ dọc đường Trường Sơn cùng Đoàn 623, chiến sĩ Bùi Xuân Yêm là người Hòa Bình duy nhất đến được Trung đoàn Rừng Sác. Chiến khu Rừng Sác - vùng đất ngập mặn, sông, rạch chằng chịt, thủy triều lên chỉ nhìn thấy mênh mông sông nước hòa lẫn trong thảm sóng xanh. Con sông Lòng Tàu uốn khúc nối liền Vũng Tàu đến thành phố Sài Gòn đã phải chịu đựng sự ác liệt của các loại máy bay, tàu chiến và các cỡ pháo nòng ngắn, nòng dài, máy bay B52 rải thảm. Các chiến sĩ Trung đoàn Rừng Sác quanh năm phải cơm nắm, gạo rang để chiến đấu trường kỳ với giặc.

Chiến sĩ Bùi Xuân Yêm được đại tá Tư lệnh trưởng Lương Văn Nho trực tiếp giao nhiệm vụ: Trung đoàn Rừng Sác nhận nhiệm vụ chính là khóa chặt sông Lòng Tàu, đánh phá bến cảng, kho tàng của địch. Bộ phận thông tin còn có khó khăn riêng, khí tài thông tin thường dùng là máy thu phát 15w 102E do Trung Quốc sản xuất, nguồn điện sử dụng bằng máy Ragono, mỗi khi di chuyển vừa nặng, vừa cồng kềnh, giặc dễ phát hiện, không phù hợp với chiến trường nước mặn, sình lầy, sông, rạch chia cắt. Hơn nữa, mỗi khi thủy triều lên, rừng bị ngập, tiếng quay của máy quay Ragono vang xa rất dễ bị lộ địa điểm đóng quân. Đồng chí là kỹ thuật viên cơ công hãy nghĩ cách cải tiến khí tài làm sao vừa đảm bảo được chất lượng máy làm việc, vừa gọn nhẹ, có thể cơ động, đảm bảo an toàn cho đơn vị trong mọi tình huống đánh giặc.

Cả Trung đoàn không có ai là người Hòa Bình, mỗi đêm trôi qua là bao nỗi nhớ sông Đà đôi bờ xanh ngô, lúa. Nhớ cây gạo tháng 3 hoa đỏ bên núi Đúng. Nhớ người vợ ở tuổi hai mươi đang mong ngày chiến thắng, anh trở về. Tất cả những nỗi nhớ đã nâng anh lên với tình yêu đất nước. Nhiều đêm anh nghĩ mình phải làm gì với kiến thức được học từ hậu phương để có khí tài thông tin gọn nhẹ, đảm bảo cho đơn vị đánh giặc. Bùi Xuân Yêm đã quyết định dựa trên cơ sở sơ đồ nguyên lý mạch dẫn của máy thu phát tín hiệu moóc, dùng vỏ pháo sáng của giặc làm khung máy, một số linh kiện và đèn điện tử được mang theo từ R xuống cùng với một số linh kiện tháo gỡ lấy từ "cây nhiệt đới” của Mỹ thả xuống do anh em đơn vị mang về, anh đã lắp ráp máy phát tín hiệu nhỏ đặt vào thùng đại liên của Mỹ. Nguồn điện cao áp 150v hàn liên tiếp từ 100 cục pin "con ó” và nguồn hạ áp 1, 5v hàn song song từ 20 cục pin cùng loại.

Sau nhiều lần điều chỉnh, máy phát tín hiệu ổn định cao, liên lạc rất tốt với các đài bạn. Tháng 5/1968, các đơn vị Đoàn 10 chính thức đưa máy phát tín hiệu vào sử dụng thay thế hoàn toàn máy 102E. Bộ phận thông tin rất phấn khởi đã thay đổi được khí tài, trang bị gọn nhẹ, giảm được biên chế, làm việc hiệu quả, mang vác máy cơ động thuận tiện. Trong tình huống chiến đấu khi cần đem chôn máy xuống sình lầy, kết thúc trận đánh lấy máy lên, máy vẫn làm việc bình thường.

Bùi Xuân Yêm đã lắp ráp cho khu B một số máy để hoạt động thông tin đánh địch ở các đường giao thông huyết mạch, phục vụ kịp thời đắc lực cho lãnh đạo chỉ huy chiến đấu góp vào chiến công của đơn vị. Dùng chiến lợi phẩm của giặc đánh trả giặc, kỹ thuật viên Bùi Xuân Yêm được phong Đại đội bậc phó thông tin Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác.

Gần đến ngày chiến thắng, cuộc chiến với giặc ngày càng ác liệt, chiến trường sông nước sình lầy vô cùng gian khổ. Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh chìm nhiều tàu chiến của địch trên các bến cảng khắp sông lạch Rừng Sác. Có những chiến thắng làm nức lòng cả nước như đánh kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè và những trận luồn sâu pháo kích vào nội thành Sài Gòn đã gây chấn động trong nước và thế giới. Quân giặc hoảng loạn cùng thề quyết làm cỏ và lột da Rừng Sác, tiêu diệt đặc công Đoàn 10.

Những năm 1969 – 1970, lính Mỹ bao vây căn cứ Rừng Sác, chúng tổ chức nhiều trận càn. Bùi Xuân Yêm đã cùng đồng đội bảo vệ căn cứ, lần đầu trực tiếp đánh giặc, Yêm hồi hộp và lo lắng, anh đặt quả mìn định hướng ĐH10 do Việt Nam sản xuất vào giữa con đường lính Mỹ đi vào căn cứ. Hôm ấy, một tốp lính Mỹ đi càn, chúng phát hiện ra quả mìn, cả tốp dừng lại rồi định chạy nhưng chậm mất rồi, anh Yêm đã kịp châm điện. Mìn nổ tiêu diệt cả tốp giặc chỉ cách anh năm mươi mét. Lấy chiến lợi phẩm của địch để đánh địch đó là trí thông minh sáng tạo của Bùi Xuân Yêm. Sau những chiến công vẻ vang đó, Bùi Xuân Yêm được nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ” được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất.

Năm 1988, thương binh hạng 3/4, thiếu tá Bùi Xuân Yêm được chuyển về làm việc ở nhà máy thủy điện Hòa Bình (nay là Công ty Thủy điện Hòa Bình) làm trưởng phòng bảo vệ nhà máy. Hơn 10 năm làm việc ở nhà máy, anh Yêm được tặng nhiều bằng khen của Bộ Công nghiệp, của UBND tỉnh Hòa Bình và Thủ tướng tặng bằng khen. Năm 2002, anh về nghỉ hưu, trú tại tổ 16, phường Đồng Tiến được nhân dân tin yêu bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, sau đó nhiều khóa liền là Bí thư chi bộ tổ 16.

Năm nay, ông Bùi Xuân Yêm đã bước vào tuổi 76. ông xin không giữ cương vị Bí thư chi bộ 16. Cựu chiến binh Bùi Xuân Yêm vẫn là tấm gương sáng cho các lớp con cháu học tập, noi theo. Chi hội cựu chiến binh 16 tự hào có một dũng sĩ diệt Mỹ về sinh hoạt ở chi hội.

 

Trần Quốc Dũng

(Dựa theo lời kể của Đại tá anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước và thiếu tá dũng sĩ Bùi Xuân Yêm)

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục