Khách du lịch thăm quan hoa tam giác
mạch.
Huyền thoại một loài hoa
Sau vụ lúa, người dân Hà Giang bắt
đầu gieo trồng cây tam giác mạch. Từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch tam giác
mạch kéo dài khoảng 3 tháng. Chúng tôi đến Hà Giang những ngày đầu tháng 11,
tam giác mạch nở rộ khắp bản làng từ Yên Minh, Quản Bạ đến Đồng Văn, Mèo Vạc.
Hoa mạch không thơm, không bền nhưng khoe sắc rực rỡ với hai màu trắng và hồng
tím giữa những núi đá sừng sững. Hoa có ba cánh chụm lại hình chóp nón, ở giữa
có một hạt mạch nên người dân gọi cây tam giác mạch. Giữa tiết trời rét như cắt
da cắt thịt, tam giác mạch vẫn khoe sắc hồng thắm giữa những dãy núi đá trập
trùng. Thân cây khi còn non, người dân hái về luộc như loại rau rừng với vị hơi
ngai ngái. Hạt tam giác mạch phơi khô, xay nhỏ thành bột.
Dừng xe vào nương tam giác mạch bạt
ngàn của ông Mùa A Siu (Đồng Văn, Hà Giang), chúng tôi được nghe kể câu chuyện
thú vị xung quanh loài hoa đặc trưng của xứ cao nguyên đá. Theo ông Siu, người
dân ở Đồng Văn truyền nhau câu chuyện thần bí về sự xuất hiện của loài hoa tam
giác mạch. Truyền thuyết kể lại, ngày ấy, trên cao nguyên đá không một bóng
người. Bỗng một ngày, con gái út của Thiên Ứng Đại Vương - vị quan thiên đình phụ
trách cai quản phía Bắc thích ngao du những miền đất lạ nên đặt chân đến đây.
Lần đầu nhìn thấy cảnh núi đá hoang
vu, cô bị sức hút của nó mê hoặc. Ham vui, cô đã quên đường về thiên giới. Khi
Thiên Ứng Đại Vương đi tuần qua, gặp con gái rong chơi đã nổi giận vì không
tuân phép thiên đình. Từ đó Ứng Vương cấm con gái không được về thiên đình.
"Chúng tôi cũng không biết truyền
thuyết về tam giác mạch có từ bao giờ. Khi còn nhỏ, tôi cũng được ông nội kể
lại, đến khi có con, tôi lại kể cho chúng nghe về truyền thuyết đó. Đá và hoa
của núi rừng đã thành máu thịt gắn bó với chúng tôi”.
Ông Mùa A Siu chia
sẻ
Trước khi bị đày xuống hạ giới, cô
gái này đã xin đem theo một hạt cây của thiên đình với mong muốn mang lại sức
sống cho những vùng đất hoang sơ. Vì là loài cây của thiên đình nên dù thời
tiết khắc nghiệt, đất đá khô cằn nó vẫn có sức sống rất mãnh liệt. Sau một thời
gian xuống hạ giới, vỡ đất trồng cây tận hưởng cuộc sống tự do một mình cô bỗng
nhớ thiên đình. Dù nhiều lần xin cha trở lại nhưng Ứng Vương kiên quyết cấm
cửa.
Cô gái chết khi đang gieo trồng cây
mạch. Xác cô đã tan ra giữa cánh đồng tam giác mạch. Chính vì thế, hoa tam giác
mạch có hình chóp nhọn như giọt nước mắt hối hận của người con gái biết tội với
cha mình. Màu hồng tím xen lẫn màu trắng của hoa là màu chiếc áo cô được cha
tặng.
"Chúng tôi cũng không biết truyền
thuyết về tam giác mạch có từ bao giờ. Khi còn nhỏ, tôi cũng được ông nội kể
lại. Cho đến khi có con, tôi lại kể cho chúng nghe về truyền thuyết đó. Đá và
hoa của núi rừng đã thành máu thịt gắn bó với chúng tôi”, ông Siu chia sẻ.
Trên đồng tam giác mạch của gia đình
ông Siu, mỗi ngày có hàng trăm khách tham quan, chụp ảnh. Mỗi khách vào vườn
trả phí 10.000 đồng. Hết mùa hoa, số cây không bị dập nát, ông Siu thu hạt về
nấu rượu, làm bánh. Không những trồng thành nương, người dân Hà Giang còn trồng
tam giác mạch theo hình cột cờ Lũng Cú hay thảm hoa hình chữ Hà Giang trên các
triền núi. Đường vào các làng văn hóa như Lũng Cẩm Trên (Sủng Là, Đồng Văn, nơi
có ngôi nhà bối cảnh bộ phim Chuyện của Pao), đường vào Dinh thự
Vua Mèo, thường bắt gặp những em bé với vành hoa tam giác mạch đội đầu xinh
xắn.
Bánh tam giác mạch bán tại chợ Đồng
Văn.
"Người khai sinh” bánh tam giác
mạch
Chúng tôi có mặt tại chợ phiên Đồng
Văn. Những cụ già trong bộ váy áo thổ cẩm, tay cầm quạt nan, nướng bánh
tam giác mạch trên than hồng. Chiếc bánh màu tro, nóng hổi trao tay vị khách
phương xa có vị bùi bùi của hạt tam giác mạch, dẻo như bánh nếp và ngọt dịu.
Vừa nhanh tay nướng bánh, bà Lù Thị
Vung, một người làm bánh tại chợ Đồng Văn cho biết, để làm được bánh, hạt tam
giác mạch phải phơi khô trong vòng 7 ngày nắng to cho đủ độ khô rồi đem xay
nhỏ. Khi xay, bột phải mịn, đều, không bị sạn. Bột xay xong đóng thành khuôn
hình tròn, đường kính chừng 20cm, rồi đem nướng trên than hoa. Xé một miếng
bánh vừa chín trên than hồng, bà Vung đưa chúng tôi nếm thử. Bánh mềm,
xốp, vị ngọt thanh, nhai lâu trong miệng thấy vị bùi, thoang thoảng hương thơm
cây rừng.
Ngoài chiếc bánh nướng ăn tại nơi
Đồng Văn, người dân nơi đây còn chế biến bánh tam giác mạch dẻo, bánh tam giác
mạch giòn, bánh tam giác mạch quế và cả kẹo tam giác mạch để bán cho du khách
thập phương. Chúng tôi tìm gặp anh Phạm Ngọc Dự - người khai sinh và xây dựng
thương hiệu bánh tam giác mạch. Vốn là bộ đội công tác ở Hà Giang, năm 1982,
anh Dự ra quân, gắn bó với mảnh đất này. Trong một lần ăn thử bánh tam giác
mạch của người dân, vị đặc trưng của bánh khiến anh trăn trở làm thế nào để xây
dựng được thương hiệu bánh đặc sản nơi đây?
Bánh tam giác mạch, hạt tam giác mạch
ở Sủng Là bán cho du khách.
Với số hạt mạch trong tay, anh Dự đưa
về làng nghề sản xuất bánh kẹo tại Thái Bình để chế biến nhưng tỷ lệ thành công
thấp. Không nản lòng, anh Dự tiếp tục đưa hạt tam giác mạch về Hà Nội tìm nơi
sản xuất bánh tam giác mạch. Sau nhiều lần lặn lội, năm 2014, dây chuyền đầu
tiên sản xuất các loại bánh tam giác mạch, sản phẩm đặt trong hộp thương hiệu
bánh tam giác mạch Hà Giang.
"Gắn bó với đồng bào, tôi muốn góp
sức mình góp phần giúp cuộc sống đồng bào bớt khó khăn. Bánh kẹo sản xuất theo
nhu cầu tiêu thụ của khách, bằng nguyên liệu bột tam giác mạch tự nhiên và
không có chất bảo quản. Trung bình mỗi năm, xưởng bánh của tôi tiêu thụ 30-40
tấn bột tam giác mạch”, anh Dự kể.
Ngoài loại bánh đặc trưng, tam giác
mạch còn được chế biến thành rượu tam giác mạch. Để có được loại rượu này,
người ủ phải có bí quyết gia truyền. Cùng một cách ngâm trộn, cũng là một cách
ủ men nhưng men có đạt chuẩn hay không lại do tay người ủ. Thông thường, người
nấu rượu sẽ trộn 1 phần mạch với 2 phần ngô. Mạch phơi khô được nấu lên như
rượu gạo bình thường. Sau khi nấu, ủ men là công đoạn quan trọng nhất. Men phải
được ủ đúng độ mới tạo nên hương vị nồng nồng đặc trưng của rượu mạch. Rượu
mạch khi thành phẩm không cay như rượu gạo, cũng không ngọt như rượu cần của
vùng Tây Bắc. Nó là sự dung hòa giữa cái cay và nồng.
"Thứ men này chỉ nồng đượm dưới tay ủ
của cánh đàn ông thôi. Đàn bà con gái mà động vào là hỏng hết”, ông Vừ A Dính –
một người dân nấu rượu tam giác mạch tại Đồng Văn tiết lộ.
Đến đề án bia tam giác mạch
Theo ông Nguyễn Xuân Hợp, Phó
trưởng phòng nông nghiệp huyện Đồng Văn, riêng huyện Đồng Văn đã có diện tích
500 ha trồng tam giác mạch. Hàng năm tổng lượng bột tam giác mạch lên tới 300
tấn. Ngoài lượng bột dùng làm bánh, nấu rượu, UBND huyện Đồng Văn đề xuất với
Sở KH&CN Hà Giang thực hiện đề án chế biến bia tam giác mạch.
"Các nhà khoa học đã chế biến thành
công bia tam giác mạch. Chúng tôi được thưởng thức và có hương vị rất đặc biệt,
không lẫn với hương vị khác. Nếu đề án được thông qua, năm 2018 khách du lịch
đến Đồng Văn sẽ được uống bia tam giác mạch”, ông Dinh Chí Thành, Phó chủ tịch
huyện Đồng Văn cho biết.
Theo ông Thành, đề án sản xuất bia
tam giác mạch được kỳ vọng là một trong điểm nhấn của mùa lễ hội tam giác mạch
2018. Trong lễ hội tam giác mạch lần thứ 3 năm 2017, huyện Đồng Văn tham gia
nhiều hoạt động như dù bay trên thảm hoa tam giác mạch, hội thi sản phẩm mật
ong bạc hà.
"Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá
đến khách du lịch trong và ngoài nước những sản vật và giá trị văn hóa độc đáo
của đồng bào ở Đồng Văn cũng như danh lam thắng cảnh của địa phương”, ông Thành
nói.
"Số lượng sản xuất bánh tam giác mạch
của huyện Đồng Văn tăng dần. Năm 2014, người dân bán được 59.000 hộp bánh, kẹo
tam giác mạch và tăng lên gần 85.000 hộp vào năm 2016. Từ năm 2014-2016, tổng
số tiền bán bánh tam giác mạch của huyện Đồng Văn đạt gần 24 tỷ đồng”.
Thống kê của UBND huyện Đồng Văn
TheoTienphong