(HBĐT) - Sau 45 năm, vẫn còn nụ cười ấy, vẫn những con người ấy của những chiến sỹ dân quân "lòng gang, dạ sắt” trong trận vây bắt phi công Mỹ nhảy dù và đánh trả không quân Mỹ tổ chức ứng cứu đồng bọn tại đồi Bù, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.


Tên thiếu tá phi công Mỹ William Winson bị dân quân xã Hợp Hòa bắt tại đồi Bù ngày 29/12/1972. ảnh: TL

 

Hoãn đám cưới cùng cả làng đi bắt giặc lái 

Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Bướm và ông Vũ Văn Chang ở xóm Suối Cốc. Trong ngôi nhà tuềnh toàng còn lại một mình, hướng mắt nhìn về tấm di ảnh của chồng trên ban thờ, bà Hoàng Thị Bướm cười buồn: ông nhà tôi mất năm 2016. Nếu ông ấy còn sống thì năm nay chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm tròn 45 năm ngày cưới.

Trong trí nhớ của bà Hoàng Thị Bướm, vào khoảng 10 h đêm ngày 22/12/1972, khi mọi người trong làng đang giúp gia đình bà hoàn thành nốt công việc chuẩn bị để tổ chức lễ cưới, bỗng có một tiếng nổ đanh gọn vang lên từ phía đồi Bù. Tất cả chạy ra sân thì thấy từ trên trời có luồng sáng đang lao nhanh xuống xóm Suối Cỏ. Giữa vùng đồi núi tối đen đám cháy như bó đuốc khổng lồ đã làm sáng lên từng lá cây, ngọn cỏ. Không ai bảo ai, tất cả đều hướng lên trời, khối lửa của máy bay cháy đùng đùng soi rõ cái dù lớn treo lơ lửng một vật tròn tròn đang rơi xuống khu vực đồi Vầu, đồi ông Mo và điểm cao 833 của đồi Bù. Sau đó là tiếng trống báo động vang lên dồn dập. Các trung đội dân quân của xã khẩn trương có mặt tại điểm tập trung triển khai đội hình bí mật tiến về khu vực có giặc lái Mỹ nhảy dù xuống.

"Dù rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp nhưng cũng không khó để tìm ra buồng lái của chiếc máy bay phản lực F111 bị quân ta bắn rơi. Khi chúng tôi tiếp cận buồng lái thì những tên phi công đã không còn ở đó”, bà Hoàng Thị Bướm nhớ lại. Xác định chúng chưa thể đi xa khỏi ngọn đồi và chưa thể có sự ứng cứu từ đồng bọn. Trung đội dân quân du kích đã tổ chức bao vây, truy bắt giặc lái. Sau 1 ngày, 2 đêm truy lùng theo dấu tích, đến 7h sáng ngày 24/12/1972, trung đội dân quân Hợp Hoà đã bắt được tên đại úy phi công Mỹ đang run rẩy nép mình trong đám cỏ lau. Còn tên thiếu tá phi công đã kịp trốn lên điểm cao cho đến ngày 29/12/1972 mới bị lực lượng dân quân xã Hợp Hòa bắt được trong bộ dạng tiều tụy, đói khát.

Cũng trong dòng chảy ký ức của trận đánh đồi Bù, lão dân quân Hoàng Thị Xô ở xóm Suối Cốc nhớ lại: Thời điểm trước khi giặc lái Mỹ nhảy dù, anh chị em trong đội dân quân chúng tôi vừa bàn bạc, hẹn nhau đến sáng ngày 23/12/1972 đi rừng lấy củi về để phục vụ đám cưới của anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm. Nhưng nhận lệnh của trên, tập trung cho nhiệm vụ bắt giặc lái, đám cưới được hoãn lại dù mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Để đảm bảo lương thực, hậu cần cho lực lượng dân quân xã truy bắt giặc lái và đánh trả không quân Mỹ đến ứng cứu, toàn bộ hơn 1 tạ gạo cùng con lợn vừa thịt đã được gia đình dành cho lực lượng dân quân. Đáng nói hơn, trong trận đánh này, cả anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm đều tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó "cô dâu” Hoàng Thị Bướm đã trở thành một trong những tấm gương dũng cảm, mưu trí bám trận địa, đánh địch. Còn "chú rể” Vũ Văn Chang lại là một trong những người đầu tiên phát hiện và bắt sống tên thiếu tá phi công Mỹ tại khu vực điểm cao 833.

Sau trận đánh, đám cưới của đôi vợ chồng chiến sỹ dân quân này đã được tổ chức trọn vẹn cùng niềm vui chiến thắng của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm địch dùng không quân điên cuồng đánh phá hậu phương lớn miền Bắc. Ngày đó, trong đám rước dâu, họ còn được chứng kiến máy bay trực thăng của ta cẩu buồng lái chiếc máy bay Mỹ về Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa xen lẫn cảm giác tự hào. Càng tự hào hơn khi ngay sau đó, "cô dâu” Hoàng Thị Bướm cùng với một số anh chị em dân quân xã vinh dự được kết nạp vào Đảng.

 Chiến công xuất sắc, độc đáo

 Sau chiến thắng đồi Bù, bắt sống 2 tên giặc lái Mỹ, hơn 40 năm sau, những lão dân quân ở Hợp Hòa mới biết chiếc máy bay F111 rơi xuống đồi Bù là loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc bấy giờ đã bị những chiến sỹ tự vệ Công ty Cơ khí Mai Động bắn cháy khi chúng ngông cuồng vào ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội.

 Sau 45 năm, những chiến sỹ dân quân năm xưa người còn, người mất nhưng chiến công truy bắt giặc lái và chiến đấu ngăn chặn lực lượng giải cứu tại đồi Bù đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân trong tỉnh. Trận đánh này đã góp thêm "lửa” cho trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mùa đông năm 1972. Cuộc vây bắt đã được triển khai với quy mô lớn, bắt sống được 2 tên giặc lái Mỹ là thiếu tá William Winson và đại úy Robert David Raybanger, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến đấu, liên lạc, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có ai bị thương vong là một chiến công lớn.

 Ngoài ra, trong quá trình vây bắt giặc lái, lực lượng dân quân xã Hợp Hòa đã phối hợp với các lực lượng tổ chức chiến đấu chống trả kiên cường các đợt không kích nhằm giải cứu phi công của địch và bắn cháy 1 máy bay trực thăng đến ứng cứu phi công. Chiếc máy bay trực thăng này, theo nhiều người sau đó đã rơi ở khu vực Suối Rút, huyện Mai Châu.

 Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những chiến sỹ dân quân và nhân dân khi tham gia vây bắt giặc lái. Từ trong gian khó đã có nhiều tấm gương dũng cảm không ngại gian khổ, vượt qua bom đạn ác liệt.

 Trong cuộc chiến đấu này, không thể kể hết những khó khăn, gian khổ của chiến sỹ dân quân Hợp Hòa năm xưa. Những câu chuyện chiến đấu bắt sống giặc lái, bắn cháy máy bay Mỹ của lão dân quân ở xóm Suối Cốc chắc chắn sẽ còn được kể mãi. Theo đồng chí Hoàng Kim Quy, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, tới đây, xã tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến thắng đồi Bù để thế hệ trẻ biết được truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của thế hệ cha ông. Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng chiến công đó của những chàng trai, cô gái thủa đôi mươi nay đã lên ông lên bà được ghi dấu đậm nét trong chiến công của quân và dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Đó là trang sử chói lọi, hào hùng. Một mốc son không thể nào quên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.



                                                                  Mạnh Hùng

 


Các tin khác


“Xóm dã chiến” – hoạn nạn luôn có nhau…

(HBĐT) - Trước nguy cơ mất nhà do những vết nứt vây quanh, chính quyền đã kịp thời di rời 30 hộ dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) về nơi an toàn. Dẫu khó khăn nhưng người dân Lau Bai luôn nhận được sự quan tâm, đồng thời, họ cũng đang nắm chặt tay, tương trợ lẫn nhau để vượt qua thời gian khó khăn nhất.

Ghi ở xã Đoàn Kết (Đà Bắc): Nơm nớp nỗi lo mất nhà

(HBĐT) - Bùn đỏ nhão nhoẹt, đất đá, cây cối nằm ngổn ngang, người dân thì thất thần với vẻ mặt đầy hoang mang, lo lắng. Sau trận mưa lũ lớn, đời sống của bà con ở xã vùng cao nghèo khó Đoàn Kết (Đà Bắc) thực sự đảo lộn

Suối Nánh - Giữa đau thương, sáng lên tình người

(HBĐT) - "Trong đời tôi chưa từng thấy đợt mưa lũ nào kinh hoàng đến vậy! Giữa đêm mịt mùng, mưa sầm sập như trút cuốn phăng 10 nóc nhà, làm 4 người mất tích, 2 người bị thương, nhiều nhà bị xiêu vẹo, lúa và hoa màu bị vò nát... ” Những thông tin vắn tắt từ chị Bùi Thị Thắm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Nánh (Đà Bắc) về tình hình mưa lũ tại xã thôi thúc chúng tôi nhanh bước chân đến với đồng bào. Tuy nhiên, lũ núi đã tàn phá nhiều tuyến đường. Mấy ngày sau đợt lũ lịch sử, Suối Nánh vẫn bị cô lập, chỉ còn cách duy nhất tiếp cận bằng đường sông.

Đà Bắc gắng gượng sau mưa lũ, hoang tàn

(HBĐT) - Sau những ngày mưa lớn bất thường, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng của các huyện, thành phố trong tỉnh, sáng 14/10, chúng tôi có may mắn được tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh về 3 xã thuộc cụm 2 huyện Đà Bắc. Cũng khá bất ngờ vì đây chính là đoàn xe cơ giới đầu tiên "thông tuyến” trên tuyến đường nối liền tỉnh lộ 433 với các xã Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng sau 4 ngày bị chia cắt do "Nạn hồng thủy” gây ra. Vì là đoàn "Thông tuyến” nên xe ô tô thường xuyên phải cài số chống trơn trượt để "dò dẫm” mới có thể qua vượt được hàng trăm điểm bị sạt lở mới được san ủi.

Muôn con tim khắc khoải chia sẻ mất mát thương đau

(HBĐT) - Trong lúc các cấp chỉnh quyền và người dân trong tỉnh đang gồng mình khắc phục hậu quả nghiêm trọng của thiên tai do trận mưa lũ lịch sử, tìm kiếm thi thể người còn bị vùi sâu trong đất đá, người bị mất tích, cứu trợ vùng bị cô lập để ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Thì hậu quả của mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến.

Ấm tình người trong cơn lũ dữ

(HBĐT) - Với ông Nguyễn Văn Chính, 74 tuổi ở thôn Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) thì cơn lũ trong những ngày qua xảy ra trên địa bàn Lạc Thủy là một trong 3 cơn lũ lớn nhất mà trong đời ông từng gặp. Nước lũ lên nhanh và bất ngờ đã nhấn chìm toàn bộ làng mạc, nhà cửa. Tuy vậy, sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của những nhà hảo tâm, người dân địa phương từ bát cơm nóng, từ chai nước nhỏ đã sưởi ấm lòng người trong cơn lũ dữ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục