(HBĐT) - Mùa xuân năm nay, do con còn nhỏ nên gia đình chị Nguyễn Thị Thảo Uyên không về quê hương Nha Trang, Khánh Hòa để đón Tết cùng người thân. Chị quyết định ở lại Seoul - Hàn Quốc để thêm một lần nữa ăn Tết truyền thống trên đất nước bạn.


Những người Việt đón Tết ở xứ sở Kim Chi

Đến thăm đất nước Hàn Quốc lần này, chúng tôi may mắn được Thảo Uyên nhận lời làm hướng dẫn viên thăm đất nước của xứ sở Kim Chi. Uyên hiện đang chuẩn bị bảo vệ luận văn Tiến sỹ ở trường Đại học Busan. Theo Uyên, ở Hàn Quốc có khoảng 13 vạn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập. Cũng như Uyên, nhiều người trong số đó đã được trải qua ít nhất một lần được đón Tết cổ truyền trên đất nước bạn. Năm nào cũng vậy, chuẩn bị đến Tết âm lịch, Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt ở Hàn Quốc, Hội hữu nghị Việt - Hàn… đều có những hoạt động lễ hội dành cho kiều bào xa quê. Thảo Uyên cho biết: "Tết cũng là khoảng thời gian để mọi người xa quê gặp gỡ, động viên nhau. Bà con mình, nhất là Hội người Việt ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui Tết. Trong đó có trình diễn áo dài, tuyên dương các phụ nữ xuất sắc, lao động giỏi rồi trao quà… Những hoạt động chào mừng Tết giúp kiều bào ta được đón Tết cổ truyền cùng người thân ở quê nhà”.

Chúng tôi đi thăm Công viên Everland tại Yongin - công viên giải trí lớn nhất Hàn Quốc. Công viên lúc nào cũng đông khách thăm quan, nhất là trong những ngày Tết. ở Hàn Quốc, Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nên mọi người tranh thủ cùng gia đình đi thăm quan, vui chơi tại những điểm du lịch quen thuộc. Tại điểm xếp hàng chờ đi cáp treo, chúng tôi gặp Bùi Thị Hải Anh quê ở huyện Lương Sơn, hiện là du học sinh ở đây. Gặp người cùng quê, em tíu tít nói chuyện, hỏi thăm quê hương và không khí Tết ở Việt Nam. Đã 3 năm nay, em chưa về quê đón Tết cùng gia đình. Hải Anh kể: "Chúng em xa quê nhưng Tết năm nào cũng được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Việt Nam như bánh chưng, giò, chả, nem… ở Hàn Quốc có món kim chi gần giống như món dưa muối ở quê nên cũng đỡ nhớ nhà”.


Trong những ngày Tết, các gia đình ở Hàn Quốc quây quần, đoàn tụ trong sự hòa thuận, yêu thương.

Trong những ngày ở Hàn Quốc, Thảo Uyên hướng dẫn chúng tôi thăm một số địa danh du lịch của Hàn Quốc như đảo Nami, Cung điện Changdeokgung, khu làng cổ Hàn Quốc… Nơi nào chúng tôi cũng gặp người Việt Nam. Thảo Uyên tâm sự: "Xa quê nhưng ở đâu cũng được gặp đồng bào mình. Nhất là những ngày Tết, mọi người càng mong được gặp nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Chúng em thường tập trung mấy gia đình ở gần nhau để cùng chuẩn bị Tết. Người thì nhờ người thân ở Việt Nam gửi đồ sang, người thì đi chợ để mua sắm… Nói chung là Tết ở Hàn Quốc không được đầy đủ như ở Việt Nam nhưng không thiếu những món đồ gần giống quê nhà. Điều mọi người mong muốn là dù xa quê nhưng luôn giữ những nét văn hóa của quê hương, làm sao tái hiện gần gũi nhất để còn giáo dục thế hệ trẻ hiểu về nét đẹp, phong tục truyền thống của người Việt Nam trong những ngày Tết”.

Những nét tương đồng của Tết Việt Nam và Hàn Quốc

Theo Thảo Uyên, phong tục đón Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Chuẩn bị Tết, các gia đình Hàn Quốc đều tập trung dọn dẹp nhà cửa. Trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Trong đêm giao thừa, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống hanbok để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Ngày mùng 1 có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của năm mới. Mọi người đều mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do người trưởng nam đứng ra thực hiện. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ.

Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Còn các cháu, sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình. Các món quà Tết thường thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào tình hình kinh tế và xu hướng tặng quà nhưng món quà phổ biến nhất thường là tiền mặt và thẻ quà tặng của các cửa hàng bách hóa. Quà cho cha mẹ thường là nhân sâm, mật ong, sản phẩm sức khỏe và ghế massage. Ngoài ra có thể tặng dầu gội đầu, xà phòng tắm, kem đánh răng… hoặc các hộp/rổ thịt hộp, cá ngừ, bánh truyền thống, cá khô hoặc trái cây. Tất cả những món quà đó đều có ý nghĩa mong muốn may mắn đến cho những người thân. Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng tổ tiên.

Tiếp sau đó mọi người sẽ đi chúc Tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh hoặc thăm vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân. Với trẻ em trong những ngày Tết Nguyên đán còn là dịp chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở nơi công cộng như kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori - một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.

Theo quy định chung của Nhà nước, các công sở của Hàn Quốc cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 29 (hoặc 30) của tháng 12 âm lịch năm cũ cho đến hết ngày mùng 2 Tết. Tuy nhiên, không khí Tết còn kéo dài đến qua ngày trăng tròn đầu tiên trong năm được gọi là ngày Daeboreum mà ở Việt Nam, Trung Quốc... vẫn gọi là Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng).

Cũng giống như Việt Nam và nhiều nước Đông á khác, trong những ngày Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên xa gia đình trở về sum họp trong sự hòa thuận, yêu thương và mọi người đều mặc trang phục đẹp, lịch sự, nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp nhất và cùng mong muốn mọi điều may mắn đến với người thân trong gia đình.


Đỗ Quyên

Các tin khác


Ghé thăm người trồng đào trước độ xuân về

Xuân Mậu Tuất đang đến thật gần trên từng góc làng, ngõ phố. Đây cũng là thời điểm, người dân trồng đào khắp nơi đang tất bật với các công việc chăm sóc, trông, chăm đào chuẩn bị đón xuân. Những cành đào như đang "trở mình” trước gió. Giá cả và các loại đào cũng vô chừng, vô kể, có cả những cây đào "danh bất, hư truyền” có giá lên tới vài trăm triệu đồng.

Sức hút từ cực Bắc: Ngọc trời tam giác mạch

Từ loài hoa dại, tam giác mạch trở thành thương hiệu của Hà Giang. Không chỉ thu hút khách du lịch ngắm hoa, hàng loạt sản vật được người dân chế biến như bánh tam giác mạch, rượu và có cả đề án làm bia tam giác mạch.

Người con dũng sĩ ở Trung đoàn Rừng Sác anh hùng

(HBĐT) - Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sửa chữa vô tuyến điện, năm 1965, chiến sĩ Bùi Xuân Yêm (hiện ở tổ dân phố 16, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình) được điều vào xưởng sửa chữa vô tuyến điện đại tu máy bay của Cục không quân. Năm 1966, anh được vào Trung đoàn 10 đặc khu Rừng Sác. Đây là đơn vị được Bộ chỉ huy miền Nam giao chuyên đánh giặc ở vùng sông nước; chủ công đánh ở sông Lòng Tàu và cảng Nhà Bè.

Kỳ án ở Nam Định: Tên cướp có hàm răng xỉn

Đặc biệt, tên cướp có hàm răng màu xỉn tối, bẩn. Gã mặc chiếc áo rét màu xanh, quần màu tối, xách một chiếc ba lô con cóc.

Nỗi lo “thần chết” núp trong làng phế liệu

Hơn 4h sáng 3.1, tiếng nổ vang trời làm rung chuyển làng Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nơi được mệnh danh là "thủ phủ” buôn hàng phế liệu miền Bắc. Người dân ở khu vực cách xa hiện trường cả cây số cũng nghe thấy tiếng động lớn, rồi đầu đạn rơi xuống mái ngói như mưa đá.

“Mầm xuân” đang nảy ở vùng lũ dữ…

(HBĐT) - Không chỉ trao tặng những món quà về vật chất, đoàn tình nguyện của đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan tỉnh (ĐTN KCCQ tỉnh) còn đem đến món quà tinh thần, những sự sẻ chia ấm áp. Giữa giá lạnh vùng cao, sau hơn 1 tháng chuyển về nơi ở tạm, người dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã nở nụ cười. Nụ cười khi được sẻ chia, của sự tin tưởng về một tương lai an cư, lạc nghiệp. Chúng tôi gọi nụ cười đó là những "mầm xuân” đang nảy ở vùng lũ dữ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục