Đường 435, đoạn Bình Thanh - Suối Hoa vừa được thông xe kỹ thuật, mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào khu vực.
"Bà con vui lắm, sau những ngày tháng đi lại vất vả, giờ đây quê hương đã có tuyến đường to đẹp, thông thoáng. Cuộc sống của mỗi gia đình rồi sẽ thay đổi, cải thiện nhiều hơn” - chia sẻ của bà Đinh Thị Hằng, xã Bình Thanh chắc hẳn cũng là nhìn nhận của người dân các xã. Bởi đường tỉnh 435 là trục giao thông huyết mạch kết nối trung tâm TP Hòa Bình với vùng lõi của khu du lịch hồ Hòa Bình, kết nối đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn. Cùng với đoạn từ TP Hòa Bình đến xã Bình Thanh đang được nhà thầu tích cực thi công, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án đã, đang góp phần thu hút đầu tư trong khu vực. Đến nay, đã có hàng chục dự án du lịch nghỉ dưỡng dọc hai bên tuyến đường đi qua đã được UBND tỉnh cấp phép, đang xem xét cấp phép đầu tư, trong đó có những dự án quy mô lớn, tương lai là động lực chính thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày một phát triển.
Nói về những công trình giao thông nối niềm vui không thể không nói tới việc đầu tư, đưa vào khai thác cầu Hòa Bình 3, tới đây là cầu Hòa Bình 2 bắc qua sông Đà. Các cây cầu đã kết nối khu vực bờ trái với bờ phải của TP Hòa Bình và kết nối khu vực trung tâm tỉnh Hòa Bình với các tỉnh lân cận; góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm tải cho cầu Hòa Bình thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị cũng như các dự án đô thị sinh thái dọc 2 bên bờ sông Đà phía hạ lưu, góp phần cụ thể hóa mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình lên đô thị loại II.
Theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và trên cơ sở quy hoạch GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được chú trọng, nhiều tuyến đường trọng điểm đã, đang được đầu tư, tạo động lực phát triển, như: đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1; các tuyến đường tỉnh 433, 435, 438; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6; cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2…
Bên cạnh hệ thống giao thông huyết mạch, việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn cũng được chú trọng thông qua các Chương trình MTQG xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; Đề án cứng hoá đường giao thông nông thôn. Theo số liệu của Sở GTVT, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh cứng hóa được trên 1.050 km đường giao thông nông thôn. Hiện có 72/131 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM, qua đó làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, tạo đòn bẩy giúp kinh tế các xã khởi sắc.
Theo thông tin từ Sở GTVT, đẩy mạnh thực hiện vai trò "giao thông đi trước mở đường”, Sở nỗ lực tham mưu tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, mang tính đột phá trong phát triển KT-XH như các quốc lộ, tỉnh lộ có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch hồ Hòa Bình. Phát triển kết nối giao thông trục ngang, tạo động lực phát triển cân bằng các vùng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2025, Sở GTVT sẽ tăng cường tham mưu, đề xuất Bộ GTVT huy động nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế dưới hình thức đối tác công tư PPP (BOT, BT…) đầu tư các tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, đường Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh). Xây dựng tuyến tránh qua các khu vực đông dân cư ở TP Hòa Bình và thị trấn của các huyện: Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn; mở rộng QL12B đoạn Nho Quan (Ninh Bình) đến huyện Tân Lạc… Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách hỗ trợ từ T.Ư, bộ, ngành và phát huy nội lực địa phương để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: cầu Hòa Bình 4; đường nối đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ kết nối với QL6; các tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình đến khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch giữa Hòa Bình với Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình…
Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối, kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá để phát triển KT-XH của địa phương trong thời kỳ mới.
Hoàng Nga