(HBĐT) - Chăn nuôi chiếm trên 26,4% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản của huyện Lạc Thủy, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 10,5%/năm. Ngành chăn nuôi chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại. Huyện hình thành được các chuỗi giá trị sản xuất từ chăn nuôi ban đầu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người dân luôn sáng tạo, đổi mới, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, VietGAP, tăng cường đưa giống vật nuôi mới có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo sản phẩm thế mạnh ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: Gà Lạc Thủy, dê, chăn nuôi gia súc và một số vật nuôi khác.



Trang trại của gia đình anh Cao Văn Dân, thôn Bột, xã Phú Thành  (Lạc Thủy) duy trì khoảng 8.000 con gà đẻ trứng. 

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ năm 2016 đến nay, ngành chăn nuôi của huyện Lạc Thủy từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức gia trại, trang trại tập trung, quy mô lớn. Qua đó, không chỉ giúp người chăn nuôi khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng dịch bệnh, áp dụng KH-KT, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Chìa khóa giảm rủi ro

Trái ngược với hình ảnh nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh và cả nước phải "phơi chuồng” do không cầm cự được bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, do dịch bệnh, giá cả thị trường thì tại huyện Lạc Thủy, các gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn vẫn "sống khỏe" bất chấp mọi thách thức bủa vây. Đó là kết quả sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng KH-KT trong chăn nuôi.

Huyện đặc biệt chú trọng tới công tác quy hoạch các vùng trang trại tập trung tại các xã, thị trấn. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh: Hướng tới phát triển bền vững ngành chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân tập trung đất đai, dồn điền đổi thửa nhằm tạo quỹ đất liền kề để phát triển chăn nuôi. Việc tạo quỹ đất còn là cơ hội để các địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Các trang trại chăn nuôi phải làm kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết xây dựng chuồng trại xa khu dân cư, đảm bảo yêu cầu về khoảng cách để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chú trọng vấn đề xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình VietGAP, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh…

Theo thống kê, hiện, tổng đàn gà của huyện trên 1 triệu con, trong đó, gà Lạc Thủy chiếm trên 70%, dê 7.850 con, lợn 50.000 con, bò 6.100 con, trâu 5.150 con. Toàn huyện hiện có 19 trang trại và 235 gia trại chăn nuôi (chiếm 80% tổng số trang trại và gia trại các loại của huyện). Trong đó có 11 trang trại chăn nuôi gà và 3 HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy thuộc HTX chuyên ngành chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gà Lạc Thủy đã được cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật. Đối với các trang trại gà có quy mô từ 3.000 - 20.000 con, hiệu quả kinh tế từ 300 triệu - 2 tỷ đồng/năm/trang trại. Các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 20 - 70 con lợn nái, lợn thương phẩm từ  50 - 200 con, hiệu quả kinh tế đạt từ trên 300 triệu đồng/năm.

Các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện hình thành các chuỗi liên kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn trong chăn nuôi. Tiêu biểu như mô hình liên kết nuôi gà Lạc Thủy giữa HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng quy mô gần 30 hộ vệ tinh, sản xuất 2 triệu con giống/năm, gà thịt 100 tấn/năm, giá trị hàng hóa đạt 31,5 tỷ đồng/năm. Mô hình liên kết nuôi gà của ông Trịnh Văn Tuấn, thôn Bột, xã Phú Thành quy mô 120 hộ vệ tinh trên toàn huyện, sản xuất 5 triệu con giống/năm, gà thịt 400 tấn/năm, giá trị hàng hóa ước đạt 90 tỷ đồng/năm…

Anh Cao Văn Dân, thôn Bột, xã Phú Thành chia sẻ: Tổng đàn gà của gia đình luôn duy trì khoảng 8.000 con, trung bình mỗi ngày cung cấp cho HTX khoảng 800 quả trứng. Năm 2021, doanh thu từ nuôi gà của gia đình đạt 500 triệu đồng. So với chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo quy mô tập trung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm được chi phí đầu tư mà còn giúp vật nuôi hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại giúp chúng tôi có điều kiện liên kết với các công ty, HTX nhằm hỗ trợ về KH-KT, giúp tăng năng suất, chất lượng, chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Đòn bẩy xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, vừa tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, tạo cơ hội cho sản phẩm chăn nuôi có thêm cơ hội tìm kiếm các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Bắt nhịp với xu thế, thời gian qua, huyện nỗ lực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi tiềm năng của địa phương, gồm nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Dê Lạc Thủy”, "Gà Lạc Thủy”.

 Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ NHCN "Gà Lạc Thủy”. Ngay sau khi được bảo hộ thành công, huyện giao Phòng NN&PTNT huyện quản lý. Để khai thác, phát huy giá trị của NHCN, UBND huyện ban hành quy chế quản lý, sử dụng NHCN "Gà Lạc Thủy”. Đến nay đã có 31 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu. Sự chặt chẽ trong quản lý NHCN giúp đặc sản gà Lạc Thủy tạo được  niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Gà Lạc Thủy được cung cấp ra thị trường Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh..., phân phối qua các đơn vị tiêu thụ số 1 Việt Nam như chuỗi siêu thị BigC toàn miền Bắc, chuỗi siêu thị Lotte và một số cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương hiệu gà Lạc Thủy vẫn tiêu thụ tốt. Giá bán trung bình 100.000 đồng/kg, trứng ấp 8.000 đồng/quả, gà con 1 ngày tuổi 16.000 đồng/con. Theo tính toán, mặc dù giá cám chăn nuôi tăng nhưng với giá bán như trên, trung bình 1 gia trại nuôi khoảng 4.000 con sẽ lãi khoảng 200 triệu đồng/lứa. 

Đến năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ NHCN "Dê Lạc Thủy”. Chăn nuôi dê đang được huyện quan tâm hơn vì đem lại giá trị kinh tế cao và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện. Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 180 - 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ xây dựng thành công NHCN, huyện còn nỗ lực chuẩn hóa nhiều sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: Gà tươi nguyên con của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy (đạt 4 sao); trứng gà Ngọc Hân của HTX Nam Sơn (3 sao); gà tươi nguyên con Hải Đăng của HTX nông nghiệp hữu cơ Hải Đăng (3 sao); mật ong Khoan Dụ của HTX chăn nuôi ong mật Khoan Dụ (3 sao).  

Với quy mô lớn, các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn OCOP của huyện Lạc Thủy đã, đang giúp các trang trại, gia trại chăn nuôi tại địa phương xây dựng đầu ra trực tiếp, không phải qua khâu trung gian giúp giảm chi phí. Chăn nuôi giúp người dân Lạc Thủy có thu nhập ổn đình, nhiều người trở thành tỷ phú chăn nuôi nổi tiếng khắp cả nước


Thu Thủy

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục