(HBĐT) - Hầu hết các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo áp dụng chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2022 còn khoảng 35%; điều kiện địa hình chia cắt lại nằm trong khu vực trọng điểm thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, huyện Đà Bắc là "vùng lõi nghèo”. Giai đoạn 2021 - 2025, nơi đây được công nhận là một trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trên cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã ĐBKK.
Nan giải hạ tầng thiết yếu
Để đến được trung tâm xã Nánh Nghê phải mất gần 3 giờ di chuyển từ điểm đầu là thị trấn Đà Bắc. Tuyến đường tỉnh 433 này vốn dĩ uốn khúc ngoằn ngoèo càng trở nên gập ghềnh hơn do tình trạng xuống cấp ở một số đoạn theo thời gian và ảnh hưởng của thiên tai chưa thể khắc phục hoàn toàn. Một tuyến đường khác cũng được cho là khó đi nhất hiện nay là đường từ ngã ba Ênh đoạn xã Tân Minh đi các xã: Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hòa. Anh Lường Văn Chung, người dân ở xóm Trung Tằm, xã Trung Thành chia sẻ: Đường bị xói lở rất nhiều, mùa khô đã khó đi, mùa mưa còn nhọc nhằn gấp bội. Chính bởi lẽ đó mà tình trạng kinh tế tự cấp, tự túc vẫn còn. Nhiều hộ ngại đi lại, thậm chí cả năm chưa một lần xuống núi. Việc giao thương trao đổi hàng hóa cũng hạn chế, tư thương thường mua giá rẻ với lý do đường sá vật vả, mất nhiều công vận chuyển.
Khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông kéo theo những hạn chế trong phát triển KT-XH, thực hiện công cuộc giảm nghèo ở địa phương. Do đặc thù đất đồi rừng là chủ yếu, 80% người dân tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, chưa có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mang tính đột phá. Hiện tại, mặc dù đã được đầu tư một số tuyến đường mới như đường từ thị trấn Đà Bắc đi các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong; đường từ xã Cao Sơn đi các xã: Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hòa nhưng vấn đề giao thông kết nối giữa các điểm, vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, toàn huyện có trên 1.300 km đường bộ, gồm 163,5 km đường huyện, 128,7 km đường xã; 453,62 km đường trục thôn, xóm, hơn 305 km đường ngõ, gần 232 km đường khu sản xuất, nội đồng và 34 km đường nội thị. Ngoài ra, có 34 cầu với tổng chiều dài 627,5m, 32 ngầm dài 799 m.
Toàn huyện có hơn 61.000 người với 5 dân tộc Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 44,73%, dân tộc Mường 31,11%, dân tộc Dao 13,75%. Hàng năm, thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, Trung ương, tỉnh, huyện đã có những chính sách thiết thực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, như: xóa nhà tạm, nhà dột nát trong hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết; cứu trợ gạo cho hộ nghèo gặp khó khăn mùa giáp hạt; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, người cao tuổi và đối tượng bảo trợ xã hội... Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm để chăm lo cho hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các chính sách phần nào khích lệ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Khởi động hành trình thoát nghèo bền vững
2022 là năm đầu khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đà Bắc là huyện ưu tiên trọng điểm của chương trình. Hỗ trợ hạ tầng KT-XH huyện nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất là mục tiêu lớn đặt ra cho cả giai đoạn, phấn đấu đến năm 2025, huyện ra khỏi tình trạng nghèo.
Đưa chúng tôi đến thăm công trình kênh mương sản xuất ở xóm Mái, xã Hiền Lương, chị Xa Thị Hà, trưởng xóm Mái phấn khởi chia sẻ: Nhờ được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng mà công trình phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới cho đồng ruộng, tác động đến năng suất, sản lượng trồng trọt.
Tại xã Tú Lý, công trình đường nội đồng ở các xóm được đầu tư từ nguồn dự án cũng góp phần giải quyết tốt những khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con, tạo diện mạo nông thôn mới khang trang.
Đến nay, Đà Bắc đã triển khai 31 danh mục dự án, trong đó có 10 công trình tại xã Yên Hòa, 8 công trình tại xã Mường Chiềng, 5 công trình tại xã Đồng Chum, 3 công trình tại xã Tân Minh, 2 công trình tại xã Tú Lý... tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng. Năm 2022, huyện thực hiện 15 mô hình thuộc dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, chủ yếu về chăn nuôi bò sinh sản, dê sinh sản, trồng cây gai xanh. 18 mô hình của năm 2023 bắt đầu được triển khai.
Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện 4 mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản tại các xã: Nánh Nghê, Cao Sơn, Toàn Sơn và Tiền Phong... Ngoài ra, dự án của Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai 1 mô hình giảm nghèo liên kết chăn nuôi dê, đến nay mang lại hiệu quả bước đầu. Ông Xa Văn Thọ, hộ hưởng lợi ở xóm Mái, xã Hiền Lương chia sẻ: Tôi rất mừng khi được tham gia mô hình, được tập huấn trang bị kiến thức và hỗ trợ con giống. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi thật tốt, tận dụng lợi thế về điều kiện thức ăn sẵn có, vận dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh đã được học để phát triển đàn dê cũng như phát triển kinh tế gia đình.
Một trong những công tác được huyện tăng cường trong giảm nghèo bền vững là nâng cao chất lượng nguồn lao động trong đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trong nước, ngoài nước. Thông qua tuyên truyền, tư vấn, mở các phiên giao dịch việc làm ở các xã, số người tham gia thị trường xuất khẩu lao động tăng mạnh, góp phần mang ngoại tệ về cho gia đình, quê hương. Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có trên 100 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Đu Bai, Nga và Hàn Quốc.
Đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với xuất phát điểm thấp, điều kiện KT-XH gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân có thái độ trông chờ, ỷ lại, chưa cố gắng vươn lên, không muốn thoát nghèo; ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa, lũ bão gây thiệt hại về người và tài sản... đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, nhiều hộ tái nghèo, phát sinh nghèo tại địa phương. Giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan, nóng vội. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của mình, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bản thân người nghèo cần có ý thức tự lực vươn lên, kết hợp với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện giảm nghèo bền vững. Các nguồn lực của Nhà nước đang được tập trung thực hiện, nhất là cho các địa bàn nghèo, đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và bản thân hộ nghèo; tăng cường giám sát, chấn chỉnh tồn tại, bất cập, kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình theo đúng quy định.
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, hành trình giảm nghèo của tỉnh còn đối mặt với nhiều lực cản: phát triển KT-XH không đồng đều; chưa khai thác hiệu quả lợi thế các điểm du lịch; chất lượng nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Cùng với đó, những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, tác động của dịch bệnh Covid-19, xu hướng toàn cầu, an ninh thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển KT-XH, công tác giảm nghèo của tỉnh.