(HBĐT) - Với những "điểm nghẽn” đã được nhận diện, thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tỉnh Hòa Bình đã kiên trì, sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt trong cách làm, nỗ lực tạo nên những bước chuyển đáng ghi nhận.


Tại hội thảo "Thực trạng, giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Cao Sơn cho rằng cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU.

Đồng bộ giải pháp

Thực hiện các chỉ thị, kết luận, nghị định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư và Chính phủ, ngày 24/10/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sau 5 năm thực hiện, BTV Tỉnh ủy tiến hành sơ kết và ban hành Kết luận số 263-KL/TU, ngày 19/11/2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU, đồng thời ban hành các kế hoạch giám sát thực hiện.

Bám sát các văn bản chỉ đạo, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai. Trong đó, công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về xây dựng Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp đã được thực hiện với nhiều hình thức thiết thực. Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong DNNKVNN các cấp trên địa bàn hoạt động đi vào nề nếp, có sự phân công rõ người, rõ việc, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Các địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp; việc tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với các chủ doanh nghiệp được tăng cường. Tại nhiều địa phương, các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng đã được tổ chức linh hoạt như: điều chỉnh thời gian học sang buổi tối hoặc bằng hình thức trực tuyến. BCĐ các địa phương chú trọng hướng dẫn nội dung, phương thức hoạt động đối với các tổ chức đảng, đoàn thể đã được thành lập trong doanh nghiệp, từ đó phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở doanh nghiệp…

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy - cơ quan thường trực BCĐ 38 tỉnh, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, BCĐ 38 tỉnh đã tổ chức 9 cuộc giám sát, khảo sát nắm tình hình công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 đối với Ban Thường vụ các Đảng bộ: Lương Sơn, TP Hòa Bình, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc. Sau các cuộc khảo sát, giám sát đã ban hành thông báo kết luận đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế ở từng Đảng bộ; đồng thời định hướng một số nội dung để các đảng bộ trực thuộc, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Với cách làm đó, công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tuy còn nhiều "điểm nghẽn” khiến kết quả thực hiện chưa tương xứng với dư địa, song vẫn cho thấy những bước chuyển đáng ghi nhận qua từng giai đoạn. Minh chứng là sau khi thực hiện Kết luận số 263-KL/TU, số tổ chức đảng được thành lập mới đạt 177%, số đảng viên tăng lên đạt 147% so với 5 năm đầu thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU.

Tháng 9/2023, BCĐ xây dựng Đảng, các đoàn thể trong DNNKVNN tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo thực trạng, giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU.

Không "hành chính hóa”

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hòa Bình Hoàng Văn Minh chia sẻ: "Phát triển Đảng trong DNNKVNN là nhiệm vụ khó, nếu hành chính hóa sẽ không thể làm được. Bởi vậy, Thường trực Thành ủy luôn xác định phải thay đổi tư duy, hướng dẫn, giúp đỡ, đồng hành với doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc giúp doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng nhưng không làm đứt chuỗi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”.

Thời gian qua, Thành ủy Hòa Bình đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Trung tâm Chính trị thành phố xây dựng nội dung, chương trình các lớp học chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể; các lớp bồi dưỡng đối tượng đảng, đảng viên mới theo hướng lựa chọn những nội dung, kiến thức phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ chuyên môn của các đối tượng; cải tiến hình thức, phương pháp tổ chức các lớp học bảo đảm linh hoạt cả về thời gian tổ chức lớp và thời gian bắt buộc trên lớp.

Tại hội thảo thực trạng, giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, nhiều đại biểu nhận định, muốn công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên tại các doanh nghiệp tư nhân đạt kết quả khả quan, trước hết cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là "khơi thông” tư tưởng - "điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay, để chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng vai trò, ý nghĩa và lợi ích của tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp, đó là góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật.

Đồng thời, phải tạo dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với chủ doanh nghiệp, để tạo cầu nối và định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nói chung, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh, hoạt động hiệu quả nói riêng.

Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, đảng viên, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên; đề ra giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên phải phân công cấp ủy viên có kinh nghiệm phối hợp với cấp ủy cơ sở và các tổ chức đoàn thể phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tiêu biểu, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Cần nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đồng chí cấp ủy chi bộ khối doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo sự hài hòa, đồng đều về quyền lợi của đội ngũ bí thư chi bộ…

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng Đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN khẳng định: Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân cần tiếp tục được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo chính quyền cùng cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, công ty đến đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, tạo việc làm ổn định cho người lao động, từng bước khắc phục khó khăn về nguồn đối tượng Đảng.

Bên cạnh đó, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Công đoàn… cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết nạp đoàn viên, hội viên; tổ chức các hoạt động, phong trào, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt thiết thực nhằm tạo diễn đàn cho đoàn viên, hội viên tham gia; qua đó phát hiện, giúp đỡ, bồi dưỡng, giáo dục, tạo nguồn kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Đồng thời, tập trung xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN.



Minh Vũ


Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục