Người tài vốn như hạt giống tốt, hạt giống tốt gieo trên đất tốt mới đơm hoa, kết trái, nếu gieo trên đất đá sỏi, khô cằn thì sẽ khó phát triển được. Môi trường làm việc chính là "mảnh đất” để người tài "dụng võ”. Tuyển dụng được cán bộ chất lượng cao rồi thì yêu cầu tiên quyết đặt ra là làm sao để người cán bộ đó phát huy được kiến thức, năng lực, sở trường tốt nhất.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh (áo tím) tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thu hút về công tác tại Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Trước yêu cầu này, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, ngày 7/7/2022, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 112-KH/TU chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần làm để thực hiện cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Tuyển được người tài đã khó nhưng trọng dụng được người tài lại càng khó hơn!
Phát hiện, trọng dụng cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội
Trước tiên, người tài cần được hiểu không chỉ là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc mà còn chính là những cán bộ đang công tác trong bộ máy nhưng có bản lĩnh, năng lực nổi trội, có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác, trong những năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy luôn quan tâm thực hiện công tác phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. BTV Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 6/3/2018 về đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo diện BTV Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2017 - 2025. Hàng năm ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.
Tỉnh đã đặc biệt xem xét, chú trọng những cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, qua đó kịp thời phát hiện các nhân tố tích cực đưa vào quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, xem xét bố trí, sử dụng. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn được quan tâm. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU, Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 20/6/2022 về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.
Công tác luân chuyển cán bộ trẻ về đào tạo, thử thách tại cơ sở được quan tâm thực hiện tốt đã góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Đã thực hiện luân chuyển, điều động một số cán bộ trẻ, cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, có chiều hướng và khả năng phát triển là cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh giới thiệu bầu giữ chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các huyện, thành phố và ngược lại... Cụ thể như điều động, bổ nhiệm đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu làm Giám đốc Sở Nội vụ; luân chuyển đồng chí Phó Bí thư Tỉnh Đoàn làm Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn; luân chuyển đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn làm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; luân chuyển đồng chí Phó Bí thư Tỉnh Đoàn làm Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu; luân chuyển đồng chí Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Phó Bí thư Huyện ủy Tân Lạc; luân chuyển, bổ nhiệm đồng chí Trưởng phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi…
Kết quả thực hiện Kế hoạch số 118-KH/TU, ngày 24/11/2017 về thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh, năm 2018 đã lựa chọn được 3 đồng chí trúng tuyển chức danh phó giám đốc sở và tương đương.
Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ đã quan tâm đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Chất lượng quy hoạch nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, tỷ lệ cán bộ nữ, dân tộc, tuổi trẻ, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên. Quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, người dưới 40 tuổi chiếm 11%, trình độ trên đại học chiếm 52%; đến nhiệm kỳ 2025 - 2030, quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh độ tuổi dưới 40 đã tăng lên 17%, trình độ trên đại học cũng tăng lên 76%.
Để nhân tài cống hiến nhiều hơn cho tỉnh
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết quả thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thu hút sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học loại khá, giỏi về công tác tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách cán bộ chưa tạo động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ. Chất lượng, hiệu quả công việc chưa tương xứng với trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ; chưa thực sự đề cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chưa có nhiều cán bộ có tư duy, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm hoạch định chiến lược phát triển KT-XH, nhất là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Nguyên nhân được chỉ ra là chưa có những giải pháp lâu dài, có tính đột phá để xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trẻ, có bản lĩnh, năng lực nổi trội. Cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ để phát triển, giữ gìn cán bộ chuyên nghiệp, thực tài còn chưa thống nhất, rải rác, thiếu đồng bộ; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Quan điểm của tỉnh là rất quan tâm, chú trọng đến việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Quan tâm công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý hàng năm đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Thực hiện đổi mới trong tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả, thực tài để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương sớm ban hành khung chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân tài, đặc biệt lưu ý đến việc bố trí công việc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với tài năng, cống hiến của nhân tài cũng như các chính sách đột phá trong quy hoạch, bổ nhiệm đối với nhân tài làm việc trong hệ thống chính trị.
Với vấn đề sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở "dụng nhân như dụng mộc”- dùng người như người thợ mộc dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Trong công tác cán bộ phải "khéo dùng” (hay còn gọi là nghệ thuật dùng người), là phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, làm cho cán bộ vui vẻ, thoải mái, yên tâm công tác và hăng hái thi đua cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. Biết tùy tài mà dùng người không những tránh lãng phí người tài, mà còn có tác dụng tích cực, làm cho người tài ngày càng nhiều thêm.
Dương Liễu
Dù nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề tồn tại của dự án xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh chùa Phật Quang (gọi tắt là dự án xây dựng các công trình văn hóa tâm linh) tại tổ 8, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, nhưng nhiều năm qua, kiến nghị của hàng chục hộ dân vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều hộ nằm trong khu vực quy hoạch của dự án bị ảnh hưởng; không được thực hiện quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhà cửa hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa, cải tạo. Điều này gây bức xúc cho người dân...
Bài 1 - Dự án "treo” nhiều năm, người dân kiến nghị khẩn cấp
(HBĐT) - Với những "điểm nghẽn” đã được nhận diện, thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tỉnh Hòa Bình đã kiên trì, sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt trong cách làm, nỗ lực tạo nên những bước chuyển đáng ghi nhận.
(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.
(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.
(HBĐT) - Một ngày cuối tháng 9, không khí tại Trại tạm giam Công an tỉnh nhộn nhịp, ấm áp bởi nơi đây diễn ra một buổi lễ đặc biệt. Đó là hội nghị gia đình phạm nhân - cuộc hội ngộ của các phạm nhân với những người thân của họ.
(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.