Với tôi, ấn tượng về Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn (Lương Sơn) Bùi Văn Điệp không chỉ là một cán bộ tận tụy với công việc, đảng viên mẫu mực. Mà ấn tượng đậm nét nhất ở anh là một cán bộ dân cử gần gũi, biết lắng nghe dân, giải quyết những kiến nghị của nhân dân bằng việc làm, hành động thực tế...


Trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn, đại biểu HĐND huyện Lương Sơn, đồng chí Bùi Văn Điệp (thứ 2 bên phải) đã giúp mong muốn của người dân xóm Suối Bu về một con đường mới trở thành hiện thực bằng việc huy động nguồn lực trong nhân dân.

Thắt chặt tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân

Đi trên con đường bê tông uốn lượn qua những ruộng lúa, ông Đinh Công Thuần, Trưởng xóm Suối Bu phấn chấn kể: Cách đây khoảng 2 năm, chỗ này làm gì đã có đường, chỉ là những chân ruộng lầy thụt. Tiếng là giáp tỉnh lộ Trường Sơn A nhưng đi từ xóm ra đến đường lớn phải vòng vèo, nhanh cũng mất cả chục phút. Từ khi có con đường bê tông nối từ nhà văn hóa xóm qua những chân ruộng lầy thụt thì đi chỉ mất một vài phút.

Còn theo anh Bùi Văn Công, một người dân trong xóm, bao năm qua người dân chỉ mong có con đường xuyên qua cánh đồng nối ra đường lớn để rút ngắn thời gian di chuyển, giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện xem xét hỗ trợ...

Năm 2020, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn (xã mới sáp nhập từ 3 xã: Trường Sơn, Cao Răm, Hợp Hòa), nhận thấy kiến nghị của người dân là nguyện vọng chính đáng, với cương vị là đại biểu "dân cử” của huyện, anh Bùi Văn Điệp nhiều lần đưa kiến nghị của nhân dân đến các cuộc họp của HĐND huyện. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, huyện chưa thể bố trí nguồn lực đầu tư nên kiến nghị, đề xuất của người dân xóm Suối Bu chưa được xem xét giải quyết.

Trước thực tế đó, để giải quyết vấn đề "dân mong”, năm 2022, với quyết tâm cao nhất để Suối Bu có đường, phá thế chia cắt, độc đạo, anh Điệp tổ chức cuộc họp Đảng ủy. Đồng thời, thông báo và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về việc huy động nguồn lực giúp xóm Suối Bu mở đường. Ý tưởng đó ban đầu vấp phải một số ý kiến phản đối, nhưng với quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đích thân Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Điệp dự sinh hoạt từng  chi bộ xóm. Tại các cuộc họp, anh phân tích, sẻ chia, lắng nghe ý kiến của từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Từ đó làm rõ và chỉ ra những khó khăn, lợi ích của tuyến đường. Cách làm đó đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết vì cộng đồng của toàn thể người dân trong xã. Có sự đồng thuận, nhất trí cao trong Đảng bộ và nhân dân, tuyến đường được khởi công bằng chính nguồn lực của người dân. Ngày khởi công, cùng với tiếng xe ô tô, máy xúc, vang khắp núi đồi là tiếng nói cười phấn chấn của người dân không quản mưa nắng trên công trường. Đáng nói hơn, dù xóm Suối Bu là địa bàn cách xa trung tâm xã hơn chục km nhưng vẫn có sự tham gia tích cực, đầy đủ của hàng trăm người dân đến từ các thôn, xóm trong xã cùng với người dân Suối Bu phá đá, mở đường...

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường dài hơn 800m nối từ nhà văn hóa xã với đường Trường Sơn A được mở mới. "Toàn bộ kinh phí làm đường do chúng tôi huy động sự tham gia đóng góp của người dân. Nhân dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, hoa lợi mà không đòi hỏi, tính toán một đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ nào”, đồng chí Bùi Văn Điệp cho biết. Sau khi có đường, Suối Bu đã vươn lên mạnh mẽ. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình bằng các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi..., mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm như hộ các anh: Bùi Văn Công, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Định, Nguyễn Văn Nhung, Đinh Công Tuấn... Hơn thế, từ chỗ là xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay xóm chỉ còn 6/118 hộ nghèo, đưa Suối Bu trở thành một trong những xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã...   

Biến nhiều dự án tiền tỷ thành công trình "o đồng”

Trên thực tế, không chỉ ở xóm Suối Bu, với tinh thần gần dân, biết lắng nghe nhân dân, anh Bùi Văn Điệp đã trở thành "cầu nối” đưa nhiều nguyện vọng chính đáng của nhân dân trở thành hiện thực. Điều này được thể hiện đậm nét trên các lĩnh vực phát triển KT-XH ở địa phương, đặc biệt trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa Cao Sơn vượt qua nhiều khó khăn "cán đích” nông thôn mới trước thời gian gần 2 năm.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã, đại biểu HĐND huyện Bùi Văn Điệp, ở xã Cao Sơn có nhiều công trình, dự án tiền tỷ trở thành những công trình "0 đồng” với sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Như xóm Ngọc Lâm, trước năm 2019 là xóm nằm cách biệt với bên ngoài thuộc xã Cao Răm (cũ). Đường vào xóm chỉ là con đường mòn men theo triền đồi dốc nhỏ hẹp, trơn trượt. Năm 2020, sau khi xã Cao Răm cùng với các xã Trường Sơn, Hợp Hòa sáp nhập thành xã Cao Sơn, với sự hỗ trợ của huyện, tuyến đường dài 4,5km với kinh phí 9,5 tỷ đồng vào xóm Ngọc Lâm được đầu tư, cứng hóa bằng  bê tông. Quá trình triển khai thực hiện dự án, "nghe” theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, nhân dân xóm Ngọc Lâm bảo nhau hiến hàng nghìn m2 đất và tài sản trên đất để làm đường không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Hay khi triển khai dự án tuyến đường liên xã đi qua xóm Vai Đào và xóm Khuộc dài trên 4km, kinh phí 8,5 tỷ đồng. Tưởng rằng dự án khó hoàn thành vì không có kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng. Thế nhưng qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đứng đầu là Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Điệp đã có trên 30 hộ tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư với mức giá phóng mặt bằng "0 đồng”. 

Theo ông Bùi Văn Tưởng, Trưởng xóm Khuộc, khi chưa có đường, xóm Khuộc biệt lập với bên ngoài. Muốn đến xóm chỉ có duy nhất một cách là đi bộ theo đường mòn xuyên núi. Cả xóm với 50 hộ dân, hơn 220 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường (chiếm 90%) và dân tộc Dao (chiếm trên 7%), ngoài cây ngô, sắn cũng chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì. Quanh quẩn với cuộc sống tự cung tự cấp quanh năm thiếu thốn... Khi con đường bê tông xuyên núi nối giữa xóm Khuộc với địa bàn vùng thấp hoàn thành vào năm 2022, đời sống người dân mới từng bước đổi thay. Có đường, nhiều hộ trong xóm chủ động học hỏi phương pháp nuôi trồng các loại cây, con. Đầu tiên là cây cam, tiếp đến là cây bưởi Diễn đã giúp nhiều hộ đạt mức thu nhập từ 250 triệu đồng/năm trở lên, như gia đình các ông Triệu Văn Hà, Triệu Văn Thành, Bùi Văn Vân...

Không chỉ vươn lên làm giàu nhờ các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, xóm Khuộc còn được biết đến là nơi cung cấp bò, gà, dê thương phẩm có tiếng của huyện Lương Sơn. Từ việc chuyển đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo, thậm chí có "bát ăn, bát để”, như gia đình ông Nguyễn Hữu Mừng, Nguyễn Hữu Hạnh đầu tư chăn nuôi, xuất bán từ 5.000 - 10.000 con gà thịt/năm, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Hộ các ông: Triệu Văn Quý, Triệu Văn Hòa, Triệu Văn Thành... tận dụng lợi thế đồng đất kết hợp chăn nuôi bò, dê với trồng cam, bưởi, mỗi năm có nguồn thu từ 250 triệu đồng trở lên. Nhờ đó, từ một xóm nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xóm Khuộc thuộc diện cao nhất xã. Toàn xóm còn 9 hộ nghèo... 

Có thể nói, những đóng góp của người dân đã giúp việc mở mới các tuyến đường trên địa bàn diễn ra thuận lợi. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng phát triển KT-XH của xã, làm nền tảng đưa Cao Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Cũng từ sự ủng hộ của nhân dân, những "nút thắt” trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng ở xã  Cao Sơn dần được gỡ bỏ. Qua đây đồng thời rèn luyện bản lĩnh, năng lực của đội ngũ cán bộ, giải quyết hiệu quả những việc "Đảng cần, dân mong” ngay từ cơ sở. Trong đó, đồng chí Bùi Văn Điệp là một nhân tố điển hình. 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Thăm chiến khu cách mạng Mường Khói

Trong không khí của những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình.

Người có uy tín - sợi dây kết nối cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) ai cũng biết đến ông Sùng A Tô. Hỏi về ông, người dân trong xóm đều hồ hởi kể với tình cảm trân trọng, bởi ông là người có uy tín (NCUT) được dân quý, dân tin...

Thăm địa chỉ đỏ Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù Hòa Bình

Nằm bên dòng sông Đà hùng vĩ, Di tích lịch sử nhà tù Hòa Bình thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống cách mạng.

Huyện Lạc Sơn - tăng cường “cái đẹp”, dẹp “cái xấu”: Bài 2 - "Tỏa hương vườn hoa" người tốt, việc tốt

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả hơn, Huyện ủy Lạc Sơn yêu cầu các cấp, các ngành trong huyện gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của BCH T.Ư Quy định về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV...

Huyện Lạc Sơn - tăng cường “cái đẹp”, dẹp “cái xấu” : Bài 1 - Lấy lại uy tín của tổ chức Đảng

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện Lạc Sơn xuất hiện nhiều tập thể điển hình tiên tiến, cán bộ, đảng viên tiêu biểu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng, thực trạng còn một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” là vấn đề đặt ra cần được quan tâm. 

Cuộc sống của người dân xóm Ngòi, xã Suối Hoa bị ảnh hưởng sau đợt mưa lớn

Những trận mưa lớn liên tiếp trên địa bàn tỉnh vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tại các khu vực lân cận đường tỉnh 435 thuộc xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), mưa lớn kéo dài đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất, đá và sụt lún, nứt. Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng phần nền, mặt đường nứt, gãy tạo thành những hố sâu gây nguy hiểm khi lưu thông. Đây là tuyến đường nối trung tâm thành phố Hòa Bình với các xã Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong) và xã Suối Hoa (Tân Lạc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục