Không chỉ đảm bảo đời sống vật chất, các cụ còn được Trung tâm chăm lo đến đời sống tinh thần
(HBĐT) - Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vào một ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần khi những nụ đào, mận đang e ấp trên triền núi. Cái lạnh se sắt của mùa đông còn sót lại cũng không lấn át được tình người ấm áp nơi đây...
Không may mắn như bao con người khác được quầy quần bên gia đình trong những ngày Tết đến xuân về nhưng những cụ già ở Trung tâm vẫn được đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy thương yêu trong sự chăm sóc của anh, chị và những tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền đất nước.
Hiếm có nơi nào mà tình cảm yêu thương con người lại hiện hữu, gần gũi như chính tại nơi này. Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi lại càng cảm nhận được sự ấm áp đó qua sự háo hức của các em nhỏ, qua ánh mắt xa xăm của những người già neo đơn. Người quét tước nhà của, người lau chùi bàn ghế, người sửa soạn lại bàn thờ... có vẻ như nàng xuân đã đến sớm hơn trong sự hoan hỉ của mỗi người. Thế mới biết, đâu hẳn chỉ ở nhà mới có Tết, đâu hẳn cuộc sống xô bồ ở ngoài kia mới có Tết.
Cụ Hoàng Thị Vân, 85 tuổi, vào trung tâm đã được 9 năm, cho chúng tôi biết: cụ quê ở Thái Bình lưu lạc lên Hòa Bình từ những năm 70 của thế kỷ trước. Không người thân thích, sau những năm tháng bươn chải kiếm sống vì tuổi cao sức yếu, cụ vào Trung tâm để sống nốt phần đời còn lại. Chín năm gắn bó với Trung tâm là quãng thời gian mà cụ cảm nhận được rõ nhất sự bình yên của đời mình; là nơi mà cụ được chăm sóc, được yêu thương. Cũng có lúc chạnh lòng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn; mong lắm một lần được về lại bản quán xưa kia nhưng cụ quyết định gắn bó với nơi đây bởi một điều đơn giản: từ rất lâu, Hòa Bình đã là quê hương thứ hai của cụ.
May mắn hơn cụ Vân là cụ Đinh Thị Sơn năm nay 76 tuổi, vào Trung tâm đã được 4 năm, quê ở xã Tây Phong, huyện Cao Phong. Các con cháu của cụ đều sinh sống ở Hòa Bình nhưng cuộc sống quá khó khăn và vì sự mưu sinh mà các con đã gửi cụ vào đây. Bốn năm ở Trung tâm thì ba năm cụ được con cháu đến đón về quê ăn Tết. Cụ nói: Sống ở Trung tâm không phải lo lắng cái ăn, cái mặc; khi trái gió trở trời, ốm đau lại được bác sỹ thăm khám ân cần. Ở nhà có con có cháu nhưng chúng nó đi làm suốt ngày nên cũng không có thời gian chăm sóc. Qua câu chuyện của cụ vẫn đau đáu niềm da diết nhớ con nhớ cháu, vẫn mong dịp này lại được về quê ăn Tết.
Đáng thương hơn là cụ Triệu Phúc Lâm, 65 tuổi ở xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, vào Trung tâm đã được 7 năm. Trước khoảng thời gian đó không ai biết cuộc sống của cụ dật dờ, leo lắt đến thế nào. Cụ không biết ai là người thân và cũng chưa một lần những người thân đến thăm cụ. Gặp ai cũng cười – nụ cười ngây ngô, dại dại, trống rỗng và lay động tình thương. Nụ cười của những người mắc chứng bệnh tâm thần đó vẫn còn ám ảnh chúng tôi mãi suốt hành trình của chuyến đi.
Sống trong Trung tâm với rất nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh khác nhau, tâm tính mỗi người mỗi khác, nhưng 23 cụ ông, cụ bà vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Người khỏe thì chăm sóc người yếu trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Dù rằng sự chăm sóc cũng chỉ dừng lại ở những công việc nhỏ nhặt như: lau mặt, lấy nước... song đủ để biết sự khát khao mong một bàn tay chăm sóc của các cụ ở tuổi xế chiều.
Theo quy định hiện hành và do sự hạn hẹp về mặt kinh phí nên mỗi tháng các cụ chỉ được trợ cấp 240 nghìn đồng mỗi người. Tuy vậy, các cụ có thể tham gia sản xuất cải thiện đời sống. Thỉnh thoảng có các tổ chức, cá nhân đến thăm viếng, tặng quà. Trong những ngày Tết, ngoài các chế độ thường ngày thì mỗi cụ còn được trợ cấp thêm 147 nghìn đồng. Đặc biệt, trong những ngày này Trung tâm khá bận rộn với hoạt động “trông giữ ba ngày Tết ” bằng việc tiếp nhận thêm những đối tượng cơ nhỡ, tàn tật, neo đơn không nơi nương tự từ các địa phương gửi về. “Khó khăn là thế, nhưng mọi người ở trung tâm luôn cố gắng hết sức để làm sao cho các cụ được hưởng một cái tết ấm áp, đủ đầy. Góp phần nhỏ bé nhằm xoa dịu những bất hạnh của những cảnh đời côi cút, buồn tủi. Đó là tâm niệm của tất cả mọi người ở Trung tâm. Xúc động hơn, có những cán bộ đã nghỉ hoặc chuyển làm công việc khác nhưng hễ có dịp là họ lại về thăm các cụ như chính đứa con lâu ngày về thăm gia đình” – Ông Ngô Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh cho chúng tôi biết.
Mùa xuân nữa lại về, mùa xuân với những người già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh lại háo hức hơn bởi những sửa soạn cho ngày Tết, bởi nơi đây lúc nào cũng tràn ngập sự yêu thương. Chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của các cụ - vui vì nó chân chất, đời thường và thật.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Nằm giữa những dãy núi đá vôi, Cao Răm là một thung lũng cổ, chỉ rộng chừng 3km2, nhưng nơi đây hiện đang có tới 4 trên tổng số 37 di tích cấp Quốc gia. Đến với Cao Răm, sau giây phút trang nghiêm cùng di tích lịch sử hang Đền; miệt mài với di tích khảo cổ hang Chổ, hang Núi Sáng thì du khách sẽ được phiêu du thưởng ngoạn những kiệt tác của tạo hoá trong động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng...
(HBĐT) - Đem chuyện về chuyến xuống hầm khai thác than ở khu vực xóm Đồi xã Lỗ Sơn kể cho ông Lương Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Anh Vũ tại Hoà Bình. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, nghe xong, người đàn ông thẳng tính này nói như mắng: Chú mày liều quá! Vào hầm lò khai thác than không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là những chuyến dạo chơi đơn thuần
(HBĐT) - Thu xếp mãi tôi mới có dịp trở lại khu vực mỏ khai thác than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Vẫn con đường đất thịt dẻo quánh bị hàng trăm, hàng nghìn lượt lốp xe tải chở than băm nát, sền sệt bùn sau ngày mưa phùn lây rây. Cả khu mỏ hầu như chẳng có thay đổi gì nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi đặt chân đến. Vẫn ngổn ngang, lỏng chỏng đất đá; bụi than vẫn bám đen kịt khuôn mặt người.
(HBĐT) - Nằm ngay gần công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, thế nhưng mấy chục năm nay, 69 hộ dân ở đây không biết đến “mùi” điện. Đêm đêm nhìn thủy điện Hòa Bình bừng sáng ngay trước mắt, họ lại càng thêm khát khao ánh sáng điện được thắp lên trong mỗi ngôi nhà.
(HBĐT) - Một bản nhỏ chỉ với 40 nóc nhà, nhưng có đến 21 người bị dị tật, 50% số hộ thuộc diện hộ nghèo…. Đói nghèo và bệnh tật đã phủ vây màn sương mịt mù ở bản Vắt , xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu. Nhưng đó là câu chuyện của 5 năm về trước. Hôm nay, bản Vắt đã vươn lên đẩy đói nghèo, bệnh tật lùi sâu thành câu chuyện quá khứ. Bản Vắt đã hồi sinh!
(HBĐT) - Để hướng đến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, hơn 6 năm nay, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã uốn 1.000 cây tre ngà thành 1.000 nghìn con rồng vàng, 3 cây tre hình bản đồ Việt Nam và một cây ngâu kết thành chữ Hòa Bình với mong muốn được tặng cho Nhà nước trong dịp kỷ niệm Đại lễ.