Cây gỗ vừa bị chặt hạ ở đỉnh Nước Mọc thuộc khu rừng Phục Trâu, xóm Ké, xã Hiền Lương .
(HBĐT) - Tiếng chặt, tiếng cưa máy rền rít, tiếng cây đổ rào rạo đã làm cho cánh rừng già Phục Trâu, Nước Mọc thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc trở thành công trường khai thác gỗ. Lần theo những móng trâu hằn sâu trên con đường mòn độc đạo, chúng tôi xâm nhập rừng già sau một ngày mưa tầm tã.
Vào rừng theo bước chân... trâu
“Chỉ có 1 con đường từ xóm Tày Măng, xã Tu Lý vào khu rừng già Phục Trâu, Nước Mọc. Cửa rừng cũng không xa tuyến tỉnh lộ 433, ôtô có thể vào đến tận nơi. Lợi thế đó đã trở thành tuyến đường chủ yếu để gỗ chảy ra khỏi những cánh rừng già..." Bùi Văn T., người xóm Ké, xã Hiền Lương chẳng hề giấu giếm sau một hồi thuyết phục và đã nhận lời dẫn chúng tôi vào rừng như những người đi tìm cây thuốc ở vùng núi rừng hoang vu, trùng điệp.
Đường rừng nhọc nhằn và lắm gian truân nhưng gần như chẳng làm cho T. chẳng mảy may thấm mệt. Vừa đi, T. vừa kể chuyện về rừng, về những chuyến đi gỗ và về cuộc sống của gia đình và những người làm nghề... phá rừng. T. bảo: Đa số những người vào rừng làm gỗ đều đông con và nghèo. Ngoài rừng thì chẳng biết bám vào đâu để có gạo, tiền đóng học cho con. Theo lời T., con đường mà chúng tôi đang đi là một trong số nhiều tuyến "xa lộ" của dân đi gỗ. Do địa hình chủ yếu là núi cao nhiều đá tai mèo nên ngoài sức người thì chỉ có trâu kéo. T. cho biết: Ngày nào cũng có trâu vào rừng kéo gỗ, thì 7 - 8 con, nhiều hơn chục con. Chủ yếu là người ở xóm Tày Măng vào làm. Theo nhẩm tính của T., bình quân mỗi con trâu ngày đi 2 chuyến. Mỗi chuyến kéo được 1 hộp gỗ khoảng 3 tấc (cao, rộng 30cm x 30cm; dài 2,5 - 3m). Như vậy, một ngày có khoảng 3m3 gỗ ra khỏi rừng.
Không khó để nhận ra con đường gồ ghề dưới chân là con đường kéo gỗ với chi chít vết chân trâu. Suốt thời gian dài, những hộp gỗ to, nặng được kéo nghiến đã tạo cho con đường thành những rãnh nước lõng bõng bùn đất sau mỗi trận mưa. Để vào đến tận nơi, chứng kiến họ khai thác gỗ, chúng tôi cứ nhọc nhằn theo dấu chân trâu trên con đường mòn gập ghềnh đá núi.
Xót xa quá rừng ơi!
Để có được 3m3 gỗ phải chặt hạ bao nhiều cây rừng? Làm trong bao lâu? Sau nụ cười trừ, T. thật thà bảo: Cũng tuỳ, nếu cây to thì khoảng chục cây. Như bọn em làm bằng rìu, thủ công, phải làm liên tục trong khoảng từ 1 tuần cho đến 10 ngày. Bây giờ, người ta làm bằng cưa máy nên nhanh lắm, làm 3m3 gỗ hộp thì cũng chỉ khoảng 1 - 2 ngày là xong.
Suốt chặng đường rừng, chỗ nào cũng thấy vang lên những âm điệu quen thuộc. Không phải là âm thanh của muông thú, của gió rừng xào xạc, mà là âm thanh chát chúa của những nhát rìu sắc ngọt và tiếng cưa máy vọng lại từ cánh rừng trước mặt. Hướng theo tiếng cưa, tiếng chặt, T. tặc lưỡi: Dạo này người ta mang cưa máy vào làm mạnh. Ngày nào cũng nghe thấy tiếng rền rĩ mà sốt hết cả ruột. Có điều kiện, em cũng sắm một cái. Chặt bằng tay chẳng ăn thua. Cả ngày mới hạ được 1 cây, còn dùng cưa máy thì chỉ khoảng 15 - 20 phút là xong.
Quả thực, nếu đưa cơ giới vào năng suất sẽ cao gấp hàng chục lần làm thủ công. Đương nhiên, khi đó việc xẻ thịt rừng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bằng chứng là những cây gỗ quý như phay, chai, nghiến... to bằng 2 - 3 người ôm đã bị hạ và nằm ngổn ngang trên suốt chặng đường chúng tôi đi qua. Cạnh gốc cây còn rỉ nhựa đen sẫm là những hộp gỗ vuông vức đến xót xa còn nằm lại bên những xác gỗ tan hoang. Trưởng xóm Ké Đinh Thị Chức cho biết: Tình hình bảo vệ rừng (BVR) xóm Ké mấy năm nay rất căng thẳng. Xóm đã tổ chức các tổ tuần tra BVR nhưng tình trạng khai thác gỗ trái phép chưa giảm. Khu rừng phòng hộ thuộc xóm quản lý giáp ranh với xã Cao Sơn, Tu Lý nên bị xâm hại liên tục. Trước đây có nhiều cây to, nhưng đến nay thì hết rồi. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương Xa Văn Chính, cái khó trong quản lý BVR là do dân ở một nơi, rừng ở một nơi, lại là địa bàn giáp ranh nên quản lý BVR rất khó. Thêm một khó khăn nữa là khi đi phá rừng, người ta có cả xe máy và điện thoại di động. Khi nhận được tin, anh em đến nơi thì cũng chẳng thể bắt ai được, khi rút họ lại tiếp tục làm. Hiện nay, họ đi làm cả đêm nên việc truy bắt lại càng khó khăn hơn. Nạn phá rừng như thế này là một vấn đề nan giải cho xã. Thời điểm này, tình trạng khai thác lâm sản trái phép xảy ra khá phổ biến, chủ yếu là người ngoài xóm, ngoài xã. Có ngày hàng chục con trâu vào rừng để kéo gỗ. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở rừng phòng hộ xóm Ké tương đối trầm trọng.
Trao đổi về vấn đề này, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đà Bắc Nguyễn Văn Đinh thừa nhận: Tình hình khai thác lâm sản trên địa bàn huyện vẫn xảy ra ở nhiều điểm, rất khó quản lý. ở khu vực rừng phòng hộ Phục Trâu, Nước Mọc, tình trạng khai thác rừng đang xảy ra bức xúc nhất. Đây là khu vực giáp ranh 4 xã (Hiền Lương, Tu Lý, Vầy Nưa, Cao Sơn), đường đi lại khó khăn. Tình trạng phá rừng nhỏ lẻ, sử dụng trâu kéo đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đã nhiều lần, chúng tôi tổ chức truy quét nhưng cũng rất khó để bắt quả tang. Thấy hiện trường còn mới tinh ở đấy nhưng cũng chịu, chẳng thể làm gì hơn, thấy cây gỗ to bằng 2, 3 người ôm bị chặt hạ, gỗ xẻ ra nằm ngổn ngang khắp lối, cũng xót xa đấy nhưng chẳng thể làm gì hơn.
Liệu có bất lực?
Xóm Ké có hơn 200 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ giữ cho nguồn nước dòng sông Đà. Bà Đinh Thị Chức, trưởng xóm Ké cho biết: Năm ngoái, tổ bảo vệ rừng của xóm bắt giữ 2 vụ khai thác gỗ trái phép. Lần đầu tổ phối hợp với lực lượng công an xã bắt giữ được gỗ. Người khai thác, vận chuyển không bắt được. Hôm sau, ruộng ngô của những người trong tổ bảo vệ rừng của xóm sắp thu hoạch bị chặt phá. Lần sau tổ bảo vệ bắt được người và trâu đang vận chuyển gỗ đưa về xóm. Người đưa lên Kiểm lâm huyện, còn trâu, gỗ đưa vào nhà văn hóa xóm. Xóm đã cắt cử ra 5 người ngủ đêm trông coi gỗ và trâu. Đến ngày thứ 3, chủ trâu đến chửi rủa dọa đánh rồi đánh tháo cho trâu chạy vào rừng. Từ sau vụ việc đó, các tổ bảo vệ rừng của xóm hầu như không hoạt động.
Ông Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết: Do địa bàn giáp ranh nên nhiều lúc không thể quản lý nổi khi lâm tặc mang gỗ ra địa bàn bên cạnh, lực lượng bảo vệ rừng của xóm, xã để bắt. Nhiều lúc thấy lâm tặc đưa trâu lên rừng kéo gỗ, mình không có lý do gì để bắt. Chỉ bắt được khi trâu còn đóng ách kéo gỗ. Một trong biện pháp ngăn chặn là đóng chốt tại cửa rừng. Hết kinh phí, lực lượng bảo vệ rừng rút đi, lâm tặc lại vào rừng. Một vài người làm công tác bảo vệ rừng làm mạnh tay lại bị thù.
Dựa vào dân là chính
Hiện nay, đang là mùa giáp hạt, không chỉ có ở xóm Ké, xã Hiền Lương mà tại các xã Giáp Đắt, Đồng Nghê, Suối Nánh khai thác nhỏ lẻ, rất khó quản lý. Khi bắt ở chỗ này, chỗ khác vẫn làm. ông Nguyễn Văn Đinh, Hạt Phó Hạt kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết: Việc vận chuyển gỗ bằng nhiều hình thức rất tinh vi. Gỗ được cất trong xe chở hàng ngụy trang khó phát hiện đi bằng nhiều đường khác nhau. Vừa qua, lực lượng kiểm lâm tổ chức ký cam kết không đưa cưa máy vào rừng. Việc cấm dùng cưa máy không cấm được, nhưng chẳng ai đi kiểm tra được người dân có mang cưa vào rừng hay không. Nhiều gia đình có cưa máy nhưng đưa vào rừng lúc nào chẳng ai biết. Chỉ có các hộ dân trong xóm biết nhà ai có cưa. Nhưng do quan hệ họ hàng, anh em nên chẳng ai tố giác chuyện mang cưa vào rừng. Nhiều xã vẫn cho rằng, QLBVR là việc làm của lực lượng kiểm lâm.
Hiện nay, ở Đà Bắc, một cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn một xã, có khi 2-3 xã. Địa bàn rộng, phức tạp nên quản lý, bảo vệ rừng không thể giao khoán cho kiểm lâm. Tại các điểm giáp ranh, các xã nên đồng loạt làm vì một xã tích cực bảo vệ cũng không giải quyết dứt điểm được. Điều cốt lõi là phải có các giải pháp đồng bộ nâng cao đời sống của nhân dân vùng có rừng phòng hộ thì tình trạng phá rừng mới có thể chấm dứt.
Việt Lâm - Mạnh Hùng
(HBĐT) - “Đảng viên phải là những công dân tiên phong và gương mẫu trong sự nghiệp làm kinh tế, làm giàu cho nhà, cho nước và phải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức người lao động làm giàu…”. Nhưng với ông Cao Thế Kỷ là Bí thư chi bộ xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn còn có một trách nhiệm khác là giúp đỡ những người có HIV. Ông là người đầu tiên xông vào trận chiến với căn bệnh thế kỷ. Và thắp lên cho bao số phận ngọn lửa của niềm hi vọng.
(HBĐT) - Chúng tôi đến Tân Dân, một xã vùng lòng hồ của huyện Mai Châu vào một ngày mưa. Rời bến Lanh, xã Cao Sơn (Đà Bắc) chúng tôi đi thuyền theo lòng hồ sông Đà hơn một tiếng đồng hồ thì cập bến Đá Đỏ, từ đó đi tiếp đường bộ hơn 10 km thì vào đến trung tâm xã. Gặp các anh lãnh đạo xã, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm gặp ông Sáo thương binh ở xóm Diềm trước đây đã dạy xóa mù cho người dân trong xã, các anh đã nhiệt tình cử một cán bộ đưa chúng tôi đến nhà ông.
(HBĐT) - Nói đến pháp y, nhiều người thường nghĩ rằng đó là một nghề gắn với mổ tử thi và hình dung ra những hình ảnh ghê người. Nhưng bên cạnh việc cầm dao mổ xác chết, mấy ai hiểu được cán bộ pháp y còn làm nhiều công việc khác như giám định thương tích, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề - đi tìm công bằng cho những người cần đến sự giúp đỡ của họ.
(HBĐT) - Theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, hàng vạn người con đất Việt đã vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ sang nước bạn Lào để làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trên khắp nước bạn Lào đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của chiến sỹ hai nước hoà quyện vào nhau để đổi lấy độc lập tự do cho cả hai dân tộc. Ân nghĩa sâu nặng “hơn nước Hồng Hà - Cửu Long” đã được đắp xây và gìn giữ bằng mồ hôi và xương máu theo suốt chiều dài lịch sử từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kỳ xây dựng đất nước hôm nay.
(HBĐT) - 35 năm đất nước ta sạch bóng quân thù là 35 năm cả dân tộc Việt Nam gồng mình vượt qua bao khó khăn thử thách để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu. Thời gian có thể xoá mờ vết thương chiến tranh, nhưng không thể xoá mờ niềm tự hào của dân tộc với một thế hệ anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong chiến công đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng TNXP nói chung và TNXP tỉnh Hoà Bình nói riêng trên mỗi nẻo đường đầy bom đạn, thử thách và hy sinh.
(HBĐT) - “Đất đá bị cày đi, xới lại chi chít những hố bom nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn căng tràn sức sống. Một sức sống mà dù mưa bom bão đạn tàn khốc vẫn không cắt đứt được mạch máu giao thông, mạch sống của tuổi thanh xuân trên cung đường khắc nghiệt này”. Với chất giọng trong trẻo, nhẹ nhàng như gió, cô hướng dẫn viên Phan Thị Hương Giang đã bắt đầu câu chuyện về “cung đường lửa” một cách rắn rỏi và tha thiết.